Đại tạng kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh – Samyutta Nikàya
Chuyển ngữ tiếng Việt: Hòa thượng Thích Minh Châu
Khái quát nội dung: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
—o0o—
- [SN.I.01] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Chư Thiên
- [SN.I.02] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thiên Tử
- [SN.I.03] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Kosala
- [SN.I.04] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Ác Ma
- [SN.I.05] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Tỷ Kheo Ni
- [SN.I.06] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Phạm Thiên
- [SN.I.07] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Bà La Môn
- [SN.I.08] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Trưởng Lão Vangisa
- [SN.I.09] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Rừng
- [SN.I.10] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Dạ Xoa
- [SN.I.11] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sakka
- [SN.II.01] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Nhân Duyên
- [SN.II.02] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Minh Kiến
- [SN.II.03] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Giới
- [SN.II.04] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga)
- [SN.II.05] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Ca Diếp (Kassapa)
- [SN.II.06] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Lợi Ích Đắc Cung Kính
- [SN.II.07] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Ràhula
- [SN.II.08] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Lakkhana
- [SN.II.09] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thí Dụ
- [SN.II.10] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Tỷ Kheo
- [SN.III.01] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Uẩn
- [SN.III.02] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Radha
- [SN.III.03] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Kiến
- [SN.III.04] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Nhập
- [SN.III.05] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sanh
- [SN.III.06] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Phiền Não
- [SN.III.07] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sàriputta
- [SN.III.08] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Loài Rồng
- [SN.III.09] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Kim Xí Điểu
- [SN.III.10] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Càn Thát Bà
- [SN.III.11] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thần Mây
- [SN.III.12] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Vacchagota
- [SN.III.13] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thiền
- [SN.IV.01] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sáu Xứ
- [SN.IV.02] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thọ
- [SN.IV.03] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Nữ Nhân
- [SN.IV.04] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Jambukhàdaka
- [SN.IV.05] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sàmandaka
- [SN.IV.06] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Moggalàna
- [SN.IV.07] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Tâm
- [SN.IV.08] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thôn Trưởng
- [SN.IV.09] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Vô Vi
- [SN.IV.10] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Không Thuyết
- [SN.V.01] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Đạo
- [SN.V.02] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Giác Chi
- [SN.V.03] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Niệm Xứ
- [SN.V.04] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Niệm Xứ
- [SN.V.05] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Chánh Cần
- [SN.V.06] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Chánh Cần
- [SN.V.07] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Như Ý Túc
- [SN.V.08] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Anuruddha
- [SN.V.09] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Thiền
- [SN.V.10] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Hơi Thở Vô, Hơi Thở Ra
- [SN.V.11] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Dự Lưu
- [SN.V.12] Tương Ưng Bộ Kinh – Tương Ưng Sự Thật
LỜI CHỨNG MINH
Nam-mô Bản Sư Thích-ca Mâu-ni Phật
Trong Kỉnh Hoa Nghiêm có ghi: “Phật dĩ nhất nhất thân, xứ xứ chuyển pháp /沥〃”(佛以一一身,處處轉法輪),nghía là đức Phật luôn dùng tất cả hóa thân của mình, ở mọi nơi mọi chốn chuyển bánh xe pháp. Thật hoan hỷ, tinh thần chuyển bánh xe pháp của đức Phật đã và đang được chư Tôn đức Hội đồng Tri sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam triển khai một cách hiệu quả. Đặc biệt, trên phương diện hoăng truyên kinh điên, chư Tôn đức đã có những định hướng đúng đắn cho Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tiến hành phiên dịch, san định, ấn tống Kinh, Luật, Luận, Sớ giải có nguồn gốc từ tạng Pali, Sanskrit, Hán cổ và các ngôn ngữ khác…
Khi nghiên cứu, hoằng truyền kinh điển, nhà Phật thường có câu: DĩThánh giáo vi minh cảnh chiêu kiên tự tâm, dĩ tự tâm vi trí đăng chiêu kinh u chr (以 聖教爲明鏡照見自心,以自心爲智燈照經幽旨),nghĩa là lấy Phật pháp làm tâm gương sáng soi vào tự tâm, lây tự tâm làm ngọn đèn trí soi tỏ chô thâm sâu của kinh điên. Những Phật sự được chư Tôn đức trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đã và đang thực hiện, thực sự là những việc làm trân quý. Việc ấy không chỉ làm sáng bản tâm của mỗi hành giả nghiên cứu mà còn chuyển hóa lời Phật dạy một cách dễ hiểu, dễ học, dễ hành, gần gũi với cuộc sống đời thường. Thông qua đó, môi hành giả có được cách tiêp cận, tu tập, thực hành lời Phật dạy, thành tựu nhiều kết quả hơn.
Từ việc nghiên cứu kinh điển, nhìn lại Phật giáo Việt Nam, chúng ta mới thấy, Phật giáo Việt Nam với chiều dài lịch sử trên dưới 2000 năm đồng hành cùng dân tộc, đã tạo nên những giá trị Phật giáo đặc biệt, đóng vai trò trụ cột trong việc gìn giữ nền văn hóa Việt thời kỳ 1000 năm Bắc thuộc, làm cho dân tộc Việt Nam trở nên vĩ đại nhất trong lịch sử phong kiến nước nhà vào thời đại Lý – Trần, vẫn đang tiếp tục đồng hành cùng đất nước trong thời kỳ hội nhập với phương châm “Đạo pháp – Dân tOc.” Chính vì vậy? những Phật sự của chư Tôn đức trong Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đang thực hiện có ý nghĩa hét sức quan trọng trong việc “kế vãng khai lai, truyên trì đạo mạch”, không chỉ làm cho Phật pháp xương minh, trường ton ở the gian mà còn góp phan làm cho Phật giáo Việt Nam tiếp nối truyền thống tốt đẹp từ ngàn xua, phát triển lên một tầm cao mới. Hy vọng mỗi hành giả chúng ta nỗ lực hơn nữa để thành tựu giải thoát và hoàn thành sứ mệnh “Tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự.”
Nguyện câu Phật nhật tăng huy, Pháp luân thường chuyên, thê giới hòa bình, nhân dân an lạc.
Nam-mố Hoan Hỷ Tạng Bồ-tát, tác đại chứng minh.
VesakLiên Hợp Quốc, PL.2563 – DL.2019
Trưởng lão Hòa thượng THÍCH PHỔ TUỆ
(Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam
LỜI GIỚI THIỆU
Thay mặt Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tôi tán dương Hội đồng Quản trị Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, đặc biệt là Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam đã hoan hỷ đảm trách nhiệm vụ phiên dịch, biên tập và ấn hành bộ Thánh điển thiêng liêng này.
Phiên dịch Kinh, Luật, Luận từ các ngôn ngữ Phật học (Pāli, Sanskrit, Hán cổ) ra tiếng Việt là trách nhiệm cao quý của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (VNCPHVN) do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu thành lập năm 1989, nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học hỏi và thực tập Phật pháp của hàng triệu Tăng Ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước.
1. Về thuật ngữ
Tôi tán đồng cách Hội đồng Quản trị VNCPHVN thay đổi cụm từ “Đại tạng kinh Việt Nam”, vốn chịu ảnh hưởng từ cách đặt tựa tác phẩm của Phật giáo Trung Quốc, thành “Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam”, nhằm thể hiện bản sắc văn học Phật giáo Việt Nam, đồng thời thích ứng với cách đặt tên phổ biến của cộng đồng Phật giáo thế giới hiện nay.
Khái niệm “Đại tạng kinh” chỉ đề cập đến “Kinh tạng” (P. Sutta Piṭaka, H. 經蔵) tức kho tàng Chân lý, trong khi khái niệm “Tam tạng Thánh điển Phật giáo” có nội hàm rộng hơn, bao quát hơn; đó là ngoài kho tàng Chân lý còn có kho tàng Đạo đức (P. Vinaya Piṭaka, H. 律蔵, Luật tạng), kho tàng Triết học tâm (P. Abhidhamma Piṭaka, H. 論蔵, Luận tạng), Văn học Chú giải (P. Aṭṭhakathā), Văn học Phụ chú giải (P. Ṭīkā), Văn học Tục tạng và các tác phẩm Phật học Việt Nam.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam bao gồm các tuyển tập Tam tạng Phật giáo Thượng Tọa bộ (ảnh hưởng các nước Ấn Độ, Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia), Tam tạng Phật giáo Bộ phái, Tam tạng Phật giáo Đại thừa (ảnh hưởng Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Tây Tạng), Văn học Sớ giải, Văn học Tông phái Phật giáo và Văn học Phật giáo Việt Nam, v.v…
2. Về Văn học sử Phật giáo
“Thánh điển Phật giáo” là khái niệm chỉ cho tuyển tập những lời dạy của đức Phật trong 45 năm (theo Phật giáo Nam truyền) hay 49 năm (theo Phật giáo Bắc truyền) truyền bá Chân lý (P. Dhamma, S. Dharma, H. 法, Pháp), Đạo đức (P=S. Vinaya, H. 戒律, Giới luật), và Các pháp siêu việt (P. Abhidhamma, S. Abhidharma, H. 無比法, Vô tỷ pháp).
Thánh điển Phật giáo được truyền thừa qua hình thức khẩu truyền, được cho là bằng ngôn ngữ Pāli từ thời đức Phật (khoảng thế kỷ VI-V TTL) và lưu truyền qua ba lần kết tập kinh điển tại Ấn Độ. Đến đại hội kết tập kinh điển lần thứ tư tại Tích Lan (khoảng thế kỷ I TTL), Thánh điển được viết trên lá bối và lưu truyền đến ngày nay. Hai tác phẩm Đảo sử (Dīpavaṃsa) và Đại sử (Mahāvaṃsa) đều ghi nhận rằng trong triều đại Valagamba (29-17 TTL) tại Anuradhapura, Tích Lan, các cao Tăng thuộc làu Tam tạng Pāli bắt đầu viết kinh Phật trên lá bối để giữ gìn và truyền bá lời Phật dạy một cách hiệu quả hơn.
Theo các nhà Đại thừa, cũng vào thế kỷ I (TTL) trở đi, kinh điển Đại thừa bằng tiếng Sanskrit lần lượt ra đời. Ngoài các bản kinh Đại thừa quan trọng tồn tại với ấn bản Sanskrit, phần lớn văn học Phật giáo Đại thừa được lưu giữ qua các bản dịch Hán cổ, được các vua chúa, đại tín chủ lưu bố qua các bản chép tay, khắc trên đá, khắc trên gỗ, và về sau biên tập thành các Đại tạng kinh mang tầm vóc quốc gia ở Trung Hoa; còn tiếng Tây Tạng cổ, được biên tập thành Kinh điển Phật giáo Tây Tạng (Tibetan Buddhist Canon) gồm hai tạng Kangyur (Kinh – Luật tạng gồm 100 bộ) và Tengyur (Luận tạng gồm 213 bộ).
3. Về phương diện lịch sử
Hơn 10 thế kỷ (từ thế kỷ I-X) bị Trung Quốc đô hộ, người Việt Nam đã sử dụng Đại tạng kinh Trung Hoa bằng Hán cổ và cho đến những thế kỷ sau. Giai đoạn 80 năm Pháp thuộc (1867-1945), người Việt lại buộc phải sử dụng tiếng Việt La-tinh hóa nên chữ Hán Nôm mất dần vị trí ngôn ngữ chính thống. Đứng trước nhu cầu thích nghi với quốc ngữ mới, các cao Tăng Việt Nam quyết định phiên dịch kinh điển từ Hán cổ ra tiếng Việt La-tinh để phổ biến lời Phật dạy rộng rãi hơn, vì đại đa số người Việt trong thời Pháp thuộc không đọc được chữ Hán Nôm.
Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam được hình thành qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1 bắt đầu từ 1950 đến 1975, với đỉnh cao là sự ra đời của Hội đồng Phiên dịch Kinh điển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vào năm 1973 và ngưng hoạt động vào năm 1975. Các bậc Tôn túc đóng góp nổi bật trong việc phiên dịch kinh điển từ Hán cổ sang tiếng Việt trong giai đoạn này có Hòa thượng Thích Trí Tịnh (Ma-ha Bát-nhã, Hoa Nghiêm, Đại Bảo Tích, Niết-bàn, Pháp Hoa); Hòa thượng Thích Trí Nghiêm (Đại Bát-nhã); và chư vị Hòa thượng Thích Thanh Từ, Hòa thượng Thích Bửu Huệ, Hòa thượng Thích Thiền Tâm (Trung A-hàm, Tăng nhất A-hàm), Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, Thượng tọa Thích Trí Thành (Trường A-hàm, Tạp A-hàm), v.v…
Giai đoạn 2 bắt đầu từ 1975 đến 2017, với sự ra đời của các bản dịch từ Pāli sang tiếng Việt. Đóng góp nổi trội của Hòa thượng Thích Minh Châu là phiên dịch hầu hết Kinh tạng Pāli. Hòa thượng Hộ Tông, Hòa thượng Bửu Chơn, Hòa thượng Giới Nghiêm phiên dịch Luật tạng Pāli và Hòa thượng Tịnh Sự dịch Luận tạng Pāli. Gần đây, Thượng tọa Chánh Thân đã dịch mới một số kinh trong Tiểu bộ và Luật tạng Pāli.
Sau ba thập niên phiên dịch độc lập, đến năm 1991, Hội đồng Chỉ đạo Phiên dịch và Ấn hành Đại tạng kinh Việt Nam chính thức được Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) thành lập. Từ đó đến nay, VNCPHVN chỉ tái bản được Kinh tạng Nam truyền, gồm 13 tập và một vài tập A-hàm. Trong thời gian này và trước đó, Hòa thượng Thích Trí Quang đã dịch hơn 25 tập Kinh, Luật, Luận; Hòa thượng Thích Đỗng Minh đã dịch một số bộ Luật và hướng dẫn, khuyến khích chư Tăng Ni tại Nha Trang phiên dịch các bộ Luật của các bộ phái Phật giáo, góp phần làm phong phú kho tàng Luật tạng Phật giáo Việt Nam.
Trong hai thập niên, 1994-2014, Hội đồng Dịch thuật do Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh khởi xướng và bảo trợ, có công tổng hợp, biên tập và xuất bản các công trình dịch thuật đã có, đồng thời dịch mới các Kinh, Luật, Luận quan trọng khác để hình thành Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh.
Giai đoạn 3 từ năm 2017 trở đi. Vào giữa năm 2018, Hội đồng Quản trị VNCPHVN thành lập Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tiến hành đối chiếu văn bản song ngữ, biên tập tiếng Việt, làm tổng mục lục mới, với mục tiêu phiên dịch hoàn tất, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, gồm Ba tạng Thượng Tọa bộ, Ba tạng Bộ phái và Ba tạng Đại thừa. Đồng thời, Văn học Sớ giải, Tục tạng, Văn học tông phái Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản và Văn học Phật giáo Việt Nam cũng sẽ được thực hiện tiếp theo. Công trình sưu tầm, phiên dịch, hiệu chú và ấn hành này dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm hoặc lâu hơn nữa.
4. Về bản sắc quốc gia
Thánh điển Phật giáo được xem là quốc bảo của nhiều quốc gia theo đạo Phật. Các quốc gia thuộc hai truyền thống Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền đều có Thánh điển Phật giáo bằng tiếng mẹ đẻ của họ từ lâu. Tại các nước Phật giáo Nam truyền như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, ngoài ấn bản Tam tạng Thánh điển Pāli, đều có bản dịch Thánh điển Phật giáo bằng quốc ngữ của họ.
Trong các nước Phật giáo Đại thừa, Trung Quốc là nước đầu tiên có Khai Bảo tạng được khắc gỗ từ năm 971 đến 983 thời nhà Bắc Tống. Các nước Phật giáo Đại thừa chịu ảnh hưởng từ Phật giáo Trung Quốc đều có ấn bản Đại tạng kinh chữ Hán theo phong cách riêng.
Đại Hàn (1011-1082) có ấn bản Cao Ly Đại tạng kinh (高麗大蔵經), hay còn gọi là Bát vạn Đại tạng kinh (八萬大蔵經), có cấu trúc mục lục khác với các Đại tạng kinh Trung Quốc, gồm Tam tạng Đại thừa (các bản văn 1-646), Tam tạng Tiểu thừa (các bản văn 647-978), Thánh Hiền Phật ký lục (các bản văn 979-1087) và các tác phẩm khác (1088-1498), trong đó, các bản văn 1402-1405 là các trước tác của Phật giáo Đại Hàn.
Nhật Bản có Thiên Hải tạng (天海蔵)đầu tiên được thực hiện từ năm 1637 đến 1648. Đến đầu thế kỷ XX, Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh (大正新脩大蔵經, 1924-1934) do các học giả Takakusu Junjiro, Watanabe Umiakira và Ono Genmyo biên tập, gồm 100 tập, 3.493 bộ, 13.520 quyển, trong đó, 55 tập đầu gồm Kinh, Luật, Luận, Sớ giải, các tông phái Phật giáo Trung Quốc, Nhật Bản. Đây là ấn bản Đại tạng kinh bằng chữ Hán hoàn chỉnh nhất, có tính hệ thống về phân loại và chấm câu tốt nhất.
Phật giáo Tây Tạng cũng có Đại tạng kinh riêng khá sớm, từ năm 1290 đến 1364. Đại tạng này bao hàm hầu hết các bản luận Sanskrit của các bộ phái Phật giáo Ấn Độ, có nguồn gốc từ Trường Đại học Nalanda nổi tiếng và một số bản dịch từ tiếng Hán. Đại tạng này được hiệu chỉnh qua các thời kỳ và trở thành kho tàng Pháp bảo Tạng truyền đặc thù, vì nó chứa nhiều bộ mật chú và pháp môn tu bí truyền mà ngày nay không tìm thấy trong các Đại tạng Trung Hoa và các nước khác.
Tính từ thời điểm Pháp thuộc năm 1867 đến 2019, khi tiếng Hán – Việt trở thành tiếng Việt La-tinh hóa, 152 năm đã trôi qua, hoặc tính từ thời điểm Hội đồng Phiên dịch Kinh điển của GHPGVNTN hình thành từ năm 1973 cũng đã trải qua 46 năm, Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam chỉ mới hoàn tất một nửa chặng đường phiên dịch.
Bên cạnh việc trân trọng những thành quả dịch thuật của các bậc Tôn đức hữu công thuộc các thế hệ trước, GHPGVN cần có Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh, không chỉ thể hiện bản sắc văn hóa Phật giáo Việt Nam mà còn giúp cho người Việt Nam không biết các cổ ngữ Phật giáo, có thể tiếp cận lời Phật dạy bằng tiếng Việt, nhằm đạt được trí tuệ do nghe chân lý Phật (P. Sutamayapaññā, Văn tuệ), trí tuệ do nghiền ngẫm chân lý Phật (P. Cintāmayapaññā, Tư tuệ) và trên nền tảng này, tiếp tục đạt được trí tuệ do thực hành thiền chỉ, thiền quán (P. Bhāvanāmayapaññā, Tu tuệ).
Để tạo nên bản sắc văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam qua Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, tôi tha thiết kêu gọi quý Tăng Ni và Phật tử tham gia vào Ban Phiên dịch và Ban Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam, góp phần phiên dịch và xuất bản hoàn chỉnh Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam. Đồng thời, tôi tha thiết kêu gọi quý mạnh thường quân và quý Phật tử phát tâm đóng góp tịnh tài để công trình phiên dịch, biên tập và xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam sớm thành tựu mỹ mãn.
Xuất bản Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam không chỉ là niềm mơ ước của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam mà còn tạo thuận duyên cho 97 triệu người Việt Nam trong nước và hơn 5 triệu người Việt Nam ở hải ngoại có cơ hội học Phật, tu Phật bằng tiếng Việt, để diệt trừ tham ái, sân hận, si mê, chấp thủ, vốn là nhân khổ đau, đồng thời, trải nghiệm an vui, hạnh phúc bây giờ và tại đây, góp phần làm cho Tổ quốc Việt Nam ngày càng giàu, mạnh và phát triển bền vững.
Vesak Liên Hợp Quốc, PL.2563 – DL.2019
Hòa thượng THÍCH THIỆN NHƠN
(Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN)
DẪN LUẬN KINH TƯƠNG ƯNG BỘ
Tương ưng bộ (Saṃyutta Nikāya) là bộ kinh thứ ba trong năm bộ Nikāya của Phật giáo Thượng Tọa bộ (Theravāda). Theo tác phẩm Diệu pháp yếu lược (Saddhammasaṅgaha) của Ngài Dhammakitti Mahāsāmi, việc giữ gìn và truyền tụng Tương ưng bộ do Tôn giả Mahākassapa và nhóm đệ tử của Ngài thực hiện.[1]
1. Cấu trúc, những điểm đặc thù và vấn đề truyền bản
Theo Chú giải Tương ưng bộ của Luận sư Buddhaghosa trong tác phẩm Sāratthappakāsinī: “Ở đây, Tương ưng bộ được xác định có năm thiên: Thiên Có kệ, Thiên Nhân duyên, Thiên Uẩn, Thiên Sáu xứ, Thiên Đại. Số lượng kinh gồm có 7.762 bài kinh. Những bài kinh đó được kết tập vào từng nhóm tương ưng với nhau.”[2] Cũng theo Ngài Buddhaghosa, sở dĩ được gọi là “Tương ưng” (Saṃyutta), vì: “Gồm nhiều nhóm tương đồng và liên hệ với nhau, là Tương ưng bộ tôn quý, do đức Phật tự giác ngộ và giảng thuyết, được sinh ra từ Tuệ phân tích.”[3]
Trước hết, về hình thức trình bày. Theo truyền thống Phật giáo Theravāda, Tương ưng bộ được sắp xếp và trình bày theo hình thức năm tập hay còn gọi là năm thiên (pañcavagga). Đây là cấu trúc mang tính cội nguồn vì chúng từng xuất hiện trong Chú giải của Luận sư Buddhaghosa. Mặc dù hình thức của bộ kinh có sự thay đổi trong những ấn bản về sau, nhưng cách thức phân chia bộ kinh thành năm phần vẫn được giữ lại bằng những ghi chú cụ thể trong nội dung, tuân thủ theo truyền thống kết tập và san định thuở ban đầu. Ấn bản Tương ưng bộ với nguyên tác Pāli được chuyển thể sang mẫu tự La-tinh (Roman Script), do Hội Thánh điển Pāli (PTS) ấn hành từ năm 1884 đến 1898, đã tuân theo hình thức năm thiên này.
Thứ hai, về số lượng kinh và sự phân chia các nhóm Tương ưng (Saṃyutta). Theo ghi nhận của Ngài Buddhaghosa, Tương ưng bộ có 7.762 kinh. Theo sự kiểm đếm của tác giả Léon Feer (1830-1902) trong ấn bản Pāli do PTS ấn hành thì có 2.889 kinh. Theo sự đối chiếu và tính toán của Bhikkhu Bodhi trong ấn bản năm 2000 thì có 2.904 kinh.[4] Trong bản dịch tiếng Việt Tương ưng bộ lần này, số lượng và trật tự kinh được sắp xếp lại tương ứng với bản Pāli của VRI, hay còn gọi là ấn bản của kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 6 là 2.854 kinh.[5] Như vậy, phải chăng ấn bản Tương ưng bộ hiện đang lưu hành đã bị sót mất nhiều kinh so với nguyên bản có từ thời Ngài Buddhaghosa? Từ sự đối khảo từng đoạn Tương ưng bộ xuất hiện trong bản Chú giải của Ngài Buddhaghosa, Bhikkhu Bodhi đã xác quyết rằng, ấn bản hiện đang lưu hành không bị sót mất.[6] Sự sai sót về số lượng kinh theo Bhikkhu Bodhi có thể là do cách tính toán, liên quan đến cách mở rộng hoặc sự tách biệt giữa các bản kinh. Cụ thể như, trên những bản kinh chép bằng lá cọ Ola (Palm Leaf Manuscripts), không có các dấu hiệu phân biệt giữa bản kinh này với bản kinh khác.[7] Ngay như số lượng các nhóm Tương ưng giữa các truyền bản Pāli cũng có sự khác biệt. Tương ưng bộ theo ấn bản ngôn ngữ Miến Điện (Burmese) có 56 nhóm, thế nhưng ở ấn bản ngôn ngữ Tích Lan (Sinhala) chỉ có 54 nhóm. Sở dĩ có sự sai khác đó là vì trong ấn bản ngôn ngữ Tích Lan, nhóm Tương ưng Minh kiến (Abhisamayasaṃyutta) là phần phụ của nhóm Tương ưng Nhân duyên (Nidānasaṃyutta) và nhóm Tương ưng Thọ (Vedanāsaṃyutta) là phần phụ của nhóm Tương ưng Sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyutta).8
Thứ ba, về vai trò và vị trí. Tương ưng bộ có một vị trí quan trọng và đặc thù trong năm bộ Nikāya. Vì lẽ, dựa trên tiêu chí tương ưng nên tập hợp được nhiều bản kinh có cùng nội dung, tính chất và cùng mối liên hệ vào một nhóm. Nhờ vậy, nội dung chứa đựng trong từng nhóm Tương ưng rất phong phú và sinh động so với những bản kinh khác. Cụ thể như, khi đề cập đến hành hoạt của Vua Pasenadi nước Kosala, Tương ưng Kosala (Kosalasaṃyutta) đã đề cập những nét chính, cô đọng, liên quan đến cuộc đời của vị vua này với nhiều bài kinh ngắn. Tương tự như vậy khi đề cập đến các vị Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni hay chư thiên, ma quỷ… Nhờ tính tập hợp đó nên bộ kinh đã cung cấp rất nhiều tư liệu rõ ràng, chi tiết, khó có thể tìm thấy trong bốn bộ Nikāya còn lại. Ngoài ra, Tương ưng bộ còn chuyên chở những tư liệu liên quan đến những tín niệm, quan điểm triết học cổ xưa của Ấn Độ, xuất hiện trong các chương như Tương ưng Chư thiên (Devatāsaṃyutta), Tương ưng Sakka (Sakkasaṃyutta), Tương ưng
Thần mây (Valāhakasaṃyutta), Tương ưng Kiến (Diṭṭhisaṃyutta), Tương ưng Nữ nhân (Mātugāmasaṃyutta), Tương ưng Thôn trưởng (Gāmaṇisaṃyutta). Điều đặc biệt đáng lưu tâm trong Tương ưng Nữ nhân (Mātugāmasaṃyutta), có đề cập đến những bổn phận cơ bản của người phụ nữ (Strīdharma) trong xã hội Ấn Độ cổ đại; và trong số những bổn phận đó, có những bổn phận vốn không thuộc về quan điểm của Phật giáo. Cụ thể như bản kinh khá ngắn với tiêu đề là Một (Ekasutta – S. IV. 246), đề cập đến mối quan hệ giữa nam và nữ, chi tiết gần tương tự với Luật Manu (The Manusmṛiti – V. 148).[8]
Thứ tư, về truyền bản. Tương ưng bộ trong nguyên tác Pāli có hai truyền bản quan trọng, thứ nhất là bản ngôn ngữ Miến Điện (Burmese) và thứ hai là bản ngôn ngữ Tích Lan (Sinhala). Theo đối khảo của học giả người Đức Oskar von Hinüber, hai truyền bản này tương đối độc lập, vì dường như đã có một số bài kinh được tiếp nhận từ hai nguồn khác nhau.[9] Từ hai truyền bản Pāli này, PTS mà cụ thể là Léon Feer (1830-1902) đã biên tập và chuyển thể sang ngôn ngữ La-tinh.
Tính đến nay, Tương ưng bộ đã được nhiều tác giả dịch trực tiếp từ Pāli sang Anh ngữ. Bản dịch Tương ưng bộ bằng Anh ngữ đầu tiên với tên gọi: The Book of the Kindred Sayings do Rhys Davids dịch tập I (1917), tập II (1922), và F. L Woodward dịch tập III (1925), tập IV (1927), tập V (1930). Ngoài ra, Tương ưng bộ cũng được nhiều tác giả như Bhikkhu Ñāṇamoli phiên dịch một số bài kinh chủ yếu, hoặc Bhikkhu Sujato đã dịch nguyên cả bộ kinh. Trong số những dịch phẩm về Anh ngữ của Tương ưng bộ, có thể nói rằng, bản dịch Tương ưng bộ từ Pāli sang Anh ngữ với tên gọi The Connected Discourses of the Buddha: A Translation of the Saṃyutta Nikāya của Bhikkhu Bodhi do Wisdom Publications ấn hành vào năm 2000, là một trong những bản dịch được giới học giả ghi nhận và đánh giá cao. Ngoài ra, trên trang nhà http://www.suttacentral.net/ hiện đang giới thiệu nhiều bài kinh thuộc Tương ưng bộ đã được dịch sang nhiều thứ tiếng khác nhau trên thế giới như Pháp, Đức, Ý, Na Uy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hungary, Ba Lan, Nga, Nhật, Hoa, Thái Lan, Indonesia… và gồm cả tiếng Việt.
Bản dịch tiếng Việt Tương ưng bộ do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu phiên dịch, dựa trên nguyên tác Pāli và ấn bản tiếng Anh của PTS, được ấn hành lần đầu tiên vào năm 1982. Sau đó, bộ kinh này đã được Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam tái bản vào những năm 1993 và 2013.
2. Tóm tắt về nội dung
2.1 Thiên Có kệ (Sagāthāvagga)
Thiên này có 11 Tương ưng. Trong đó, Tương ưng Chư thiên (Devatāsaṃyutta) và Tương ưng Thiên tử (Devaputtasaṃyutta) là hai Tương ưng đề cập về từng vị thiên tử hoặc nhiều vị thiên tử đã đến thỉnh đức Phật giảng pháp, hoặc nhờ đức Phật xác chứng về kiến thức Phật pháp của họ. Có những bài kinh ngắn trong hai Tương ưng này (S. I. 36, 39) đề cập đến những chân lý phổ quát của xã hội, không thuần túy Phật pháp.
Thứ ba, Tương ưng Kosala (Kosalasaṃyutta) đề cập đến những tâm tư, suy nghĩ, hành hoạt của vị Hoàng đế có những liên hệ mật thiết đến đức Phật và Tăng đoàn. Vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) là một vị vua có những nỗ lực rất lớn trong việc ứng dụng pháp Phật vào các mối quan hệ gia đình cũng như đường hướng trị nước, an dân.
Thứ tư, Tương ưng Ác ma (Mārasaṃyutta) và thứ năm Tương ưng Tỷ-kheo-ni (Bhikkhunīsaṃyutta) cùng đề cập đến một đối tượng biểu trưng cho năng lượng tiêu cực, đó là Ác ma. Theo Tương ưng Ác ma, ngay từ khi vừa mới giác ngộ, Ác ma đã theo đức Phật. Thậm chí có những giai đoạn Ác ma theo Ngài ròng rã đến bảy năm (S. I. 124) và đã dùng nhiều phương cách phá hoại nhưng không làm đức Phật lay động. Đối với các vị Tỷ-kheo-ni trong Tương ưng Tỷ-kheo-ni, Ác ma đã dùng nhiều cách thức, từ khuyến dụ, rủ rê, đến dọa nạt nhưng vẫn không làm cho các Tỷ-kheo-ni sợ hãi hay kinh hoàng.
Thứ sáu, Tương ưng Phạm thiên (Brahmasaṃyutta), Phạm thiên Sahampati xuất hiện đầu tiên sau khi đức Phật vừa mới thành đạo và cũng có mặt trong đêm đức Phật nhập Niết-bàn. Có lần, Phạm thiên đã thuyết pháp cho mẹ của một vị Tỷ-kheo, khuyên bà đừng cúng dường Phạm thiên Sahampati ở trên cao kia, tức là Ngài, mà hãy phụng kính vị Phạm thiên trước mặt, chính là Tỷ-kheo Brahmadeva đã chứng quả A-la-hán, vốn là con trai của bà (S. I. 141).
Thứ bảy, Tương ưng Bà-la-môn (Brāhmaṇasaṃyutta) đề cập đến những trở ngại, khó khăn trên bước đường hóa đạo của đức Phật khi gặp phải sự chống đối của giai cấp Bà-la-môn. Cũng trong Tương ưng này, đức Phật đã tái định nghĩa thế nào là sự thanh tẩy (S. I. 182), thế nào gọi là khất sĩ (S. I. 182), thế nào gọi là cày ruộng (S. I. 172), thế nào gọi là người hiền lành (S. I. 154)… Trong số những Bà-la-môn chống đối đó, có nhiều người sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, đã tỏ ngộ, phát nguyện xuất gia và chứng đắc Thánh quả.
Thứ tám, Tương ưng Trưởng lão Vaṅgīsa (Vaṅgīsasaṃyutta) đề cập đến khả năng thi phú của vị Tỷ-kheo cùng tên rất mực tài hoa. Tuy tài hoa là vậy nhưng Tỷ-kheo Vaṅgīsa vẫn bị vô số khổ đau do chưa hàng phục được vọng tâm. Từ khi gặp đức Phật và nỗ lực tu tập, Vaṅgīsa đã chuyển hóa tâm mình, chứng đắc Thánh quả và dùng khả năng riêng có để ca ngợi đức Phật và các vị Thánh Tăng bằng những vần kệ đi vào lòng người.
Thứ chín, Tương ưng Rừng (Vanasaṃyutta) và thứ mười là Tương ưng Dạ-xoa (Yakkhasaṃyutta) đề cập đến hai loại chúng sanh bậc cao là chư thiên (devatā) sống trong rừng và các loài dạ-xoa (yakkha) trong sự liên hệ với chúng Tỷ-kheo nói chung. Cụ thể như, có vị Tỷ-kheo thích ngửi hương sen nên thường đến bên bờ hồ để ngửi hoa sen. Khi ấy, có vị thiên trú ở rừng, ở cây đã khuyên Tỷ-kheo này bằng cách chỉ ra rằng, ngửi hương cũng là hình thức của trộm cắp (S. I. 204). Tương tự như vậy, dạ-xoa Sīvaka đã trấn an cư sĩ Cấp Cô Độc khi vị này lần đầu tiên đến Trúc Lâm để diện kiến đức Phật và chúng Tăng (S. I. 210). Bên cạnh đó, còn có những dạ-xoa bạo ác, không những hù dọa các vị Thánh đệ tử mà còn nhiều lần sách nhiễu đức Thế Tôn (S. I. 218).
Tương ưng thứ mười một là Tương ưng Sakka (Sakkasaṃyutta). Tương ưng này đề cập đến cuộc chiến dai dẳng giữa chư thiên và a-tu-la. Trong cuộc chiến này, có khi chư thiên thắng và ngược lại, tuy nhiên điều đáng ghi nhận là phẩm hạnh của chư thiên luôn được đề cao. Ngay như Thiên chủ Sakka, trong khi lui binh trốn chạy kẻ thù nhưng vẫn sợ xe của mình cán phải tổ chim non nên bảo người đánh xe né tránh (S. I. 224). Thậm chí đối với kẻ thù, Thiên chủ Sakka cũng không hề có sự gian trá (S. I. 225).
2.2 Thiên Nhân duyên (Nidānavagga)
Thiên này có 10 Tương ưng với khởi đầu là Tương ưng Nhân duyên (Nidānasaṃyutta). Tương ưng Nhân duyên trình bày các phương diện, các khía cạnh đặc thù của 12 nhân duyên. Bên cạnh việc trình bày về lý thuyết Duyên khởi (S. II. 25), Tương ưng này cũng đề cập đến những nội dung quan trọng như bốn loại thức ăn (S. II. 11-12), mười lực (S. II. 27), bốn vô sở úy (S. II. 28), cùng các khái niệm quan trọng về tâm, ý, thức (S. II. 94-95). Liên quan đến quan điểm của Phật giáo về vấn đề ăn uống, Tương ưng này cũng đưa ra ví dụ về việc ăn thịt đứa con rất sống động (S. II. 97).
Thứ hai, Tương ưng Minh kiến (Abhisamayasaṃyutta) chỉ cho sự thấy biết rõ ràng và đầy đủ về giáo pháp (dhammābhisamaya), có ý nghĩa to lớn như là chứng đắc Pháp nhãn (S. II. 133), và một khi thành tựu minh kiến sẽ đoạn tận khổ đau. Những ẩn dụ như đất trên móng tay và quả đất (S. II. 133), hòn sỏi và ngọn núi (S. II. 139)… là những so sánh sinh động nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa sâu rộng của minh kiến.
Thứ ba, Tương ưng Giới (Dhātusaṃyutta) đề cập đến cảnh giới, phạm vi, yếu tố, tính chất, chủng loại của nhiều sự vật, hiện tượng và kể cả con người cùng những thuộc tính của chúng. Đơn cử: “Này các Tỷ-kheo, tùy thuộc theo giới, các chúng sanh cùng hòa hợp, cùng đi với nhau. Chúng sanh liệt ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh liệt ý chí. Chúng sanh thiện ý chí cùng hòa hợp, cùng đi với chúng sanh thiện ý chí” (S. II. 154).
Thứ tư, Tương ưng Vô thỉ (Anamataggasaṃyutta) đề cập đến sự luân hồi không có đầu mối của chúng sanh (S. II. 178). Trong mênh mang luân hồi đó, khó có thể tìm thấy một ai chưa từng là người thân thuộc của mỗi chúng sanh (S. II. 189-90). Ngay như ngọn núi Vepulla (Tỳ-phú-la) ở Rājagaha (Vương Xá) này, ngoài tên gọi như đã biết thì còn có sáu tên gọi khác ở trong quá khứ xa xưa (S. II. 190).
Thứ năm, Tương ưng Kassapa (Kassapasaṃyutta) và thứ bảy là Tương ưng Rāhula (Rāhulasaṃyutta) đề cập về công hạnh riêng biệt của hai vị Thánh Tăng này. Với Kassapa, vị Thánh Tăng luôn biết đủ và kham khổ trong tứ sự cần dùng (S. II. 194). Đặc biệt, đức Phật đã từng ban y phấn tảo cho Tôn giả Kassapa và Tôn giả đã vô cùng quý trọng đặc ân này (S. II. 217). Với Tôn giả Rāhula, việc cần cầu học hỏi chính là mong mỏi thường trực của Tôn giả. Nhờ nhận thức và thực tập: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”, nên Tôn giả Rāhula đã thành tựu quả vị giải thoát (S. II. 253).
Thứ sáu, Tương ưng Lợi đắc, cung kính (Lābhasakkārasaṃyutta) trình bày những đớn đau, khổ lụy do bị chi phối bởi lợi đắc, cung kính, danh vọng (S. II. 225). Ẩn dụ trùng ăn phân là một ẩn dụ có khả năng chấn động tâm thức (S. II. 228). Theo lời đức Phật, có kẻ không hề nói láo dù bị mua chuộc từ một đồng Nikkha cho đến một trăm đồng Nikkha, nhưng sẽ nói láo khi bị lợi đắc, cung kính, danh vọng chi phối. Hình ảnh cây chuối, cây tre, cây lau, con lừa sau khi sanh sản đều bị diệt vong là những ví dụ sinh động chỉ cho những chúng sanh bị cột trói bởi lợi đắc, cung kính và danh vọng (S. II. 241). Những ví dụ này cũng có mặt trong Luật tạng Pāli, chương bảy, Cullavagga.
Thứ tám, Tương ưng Lakkhaṇa (Lakkhaṇasaṃyutta) thuật lại những bài pháp thoại của Tôn giả Mahāmoggallāna (Đại Mục-kiền-liên) với Tôn giả Lakkhaṇa. Nội dung chính của những bài kinh này liên quan đến cảnh giới khổ đau của loài ngạ quỷ và Tôn giả Mahāmoggallāna đã chỉ ra do nguyên nhân gì phải thọ nhận khổ đau như vậy. Theo thống kê, có tất cả 21 loài khổ quỷ do Tôn giả Mahāmoggallāna trông thấy và đã kể lại với Tôn giả Lakkhaṇa.
Thứ chín, Tương ưng Thí dụ (Opammasaṃyutta) đề cập đến những ví dụ sinh động như ngôi nhà có nóc nhọn với hạnh không phóng dật (S. II. 262). Tương ưng này cũng ghi nhận về câu chuyện cái chốt trống Ānaka và sự pha trộn những yếu tố ngoại lai vào giáo pháp Phật (S. II. 266). Thậm chí hình ảnh con dã can còn được dùng làm ví dụ để chỉ cho vị Tỷ-kheo mê ngủ (S. II. 271). Đức Phật dạy rằng: “Đây là sự chết, này các Tỷ-kheo, trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục” (S. II. 270).
Thứ mười, Tương ưng Tỷ-kheo (Bhikkhusaṃyutta) là Tương ưng cuối cùng trong Thiên Nhân duyên (Nidānavagga). Ở Tương ưng này, một vài hành trạng của các vị đệ tử như Kolita (Mahāmoggallāna), Upatissa (Sāriputta), Nanda… đã được đề cập với nhiều chi tiết đặc thù. Đơn cử như: “Đối với Tôn giả Sāriputta, dầu cho bậc Đạo sư có biến hoại, trạng huống có đổi khác, cũng không khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não” (S. II. 274).
2.3 Thiên Uẩn (Khandhavagga)
Thiên này có 13 Tương ưng, khởi đầu là Tương ưng Uẩn (Khandhasaṃyutta), là một trong những Tương ưng dài nhất của Tương ưng bộ. Tương ưng Uẩn chủ yếu đề cập đến năm uẩn và những liên hệ xung quanh năm uẩn này. Theo đức Phật, thân ngũ uẩn là gánh nặng (S. III. 25), là bất toàn, là khổ não: “Ai mang cái thân này, lại tự cho là không bệnh, dầu chỉ trong một giây phút, người ấy phải là người ngu” (S. III. 1). “Năm thủ uẩn này lấy dục làm căn bản” (S. III. 100). Vì vậy, không có gì tốt đẹp khi cố níu kéo, chấp giữ thân năm uẩn này: “Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị ma trói buộc, ai không chấp trước, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma” (S. III. 73).
Thứ hai, Tương ưng Rādha (Rādhasaṃyutta). Trong Tương ưng này, đức Phật đã dùng nhiều phương cách, nhiều ví dụ để dạy cho Tôn giả Rādha đi từ chánh quán cho đến Niết-bàn (S. III. 188). Tương ưng này nêu dẫn định nghĩa về chúng sanh (S. III. 189) cũng như về sợi dây tái sanh (bhavanetti) (S. III. 190). Các pháp như vô thường, khổ, vô ngã… cũng được đức Phật tuần tự giảng cho Tôn giả Rādha.
Thứ ba, Tương ưng Kiến (Diṭṭhisaṃyutta) đề cập đến các loại kiến chấp của ngoại đạo. Điều đặc biệt nhất trong Tương ưng này là đã nêu dẫn quan điểm triết học về bảy thân (sattime kāyā) của Pakudha Kaccāyana (Bà-phù-đà Ca-chiên-diên), vị giáo chủ của một trong sáu trường phái triết học ở thời đức Phật (S. III. 211).
Thứ tư, Tương ưng Nhập (Okkantasaṃyutta). Nhập ở đây mang nghĩa là đi vào, được sanh vào. Ở đây, những ai có lòng tin, có tín giải, biết chắc rằng sáu căn đều vô thường, biến hoại thì “Vị ấy được gọi là tùy tín hành, đã nhập chánh tánh, đã nhập chân nhân địa, đã vượt phàm phu địa. Vị ấy không có thể làm những hành động gì, do làm hành động ấy phải sanh vào địa ngục, bàng sanh, ngạ quỷ; một vị không có thể mệnh chung mà không chứng quả Dự lưu” (S. III. 225). Các kinh trong Tương ưng này chỉ là sự mở rộng về sáu trần, sáu thức, sáu xúc, sáu thọ…
Thứ năm, Tương ưng Sanh (Uppādasaṃyutta). Sanh (uppāda) nghĩa là sự sanh, sự trú, sự thành, sự xuất hiện… được trình bày theo nguyên tắc duyên sanh. Cụ thể như: “Này các Tỷ-kheo, sự sanh, sự trú, sự thành, sự xuất hiện của mắt là sự sanh của khổ, sự trú của bệnh hoạn, sự xuất hiện của già chết” (S. III. 228). Sự sanh khởi của các căn còn lại cũng tương tự như vậy.
Thứ sáu, Tương ưng Phiền não (Kilesasaṃyutta). Tương ưng này định danh tùy phiền não và các phương diện khác của tùy phiền não (S. III. 232).
Thứ bảy, Tương ưng Sāriputta (Sāriputtasaṃyutta) mô tả quá trình tuần tự nhập và xuất chín định thứ đệ, từ Sơ thiền cho đến Diệt thọ tưởng định của Tôn giả Sāriputta (S. III. 235-238). Cũng trong Tương ưng này, nữ du sĩ Sūcimukhī đã cật vấn Tôn giả Sāriputta về mười cách ăn và được Tôn giả giải thích đầy đủ (S. III. 238).
Bốn Tương ưng như Tương ưng Loài rồng (Nāgasaṃyutta), Tương ưng Kim Sí điểu (Supaṇṇasaṃyutta), Tương ưng Càn-thát-bà (Gandhabbakāyasaṃyutta) và Tương ưng Thần mây (Valāhakasaṃyutta) trình bày về những cách sinh ra, sự khác biệt giữa các chúng sanh đặc thù này, cũng như do nhân duyên gì để sanh về các loài ấy. Trong những Tương ưng này, bên cạnh lời dạy của đức Phật còn chuyên chở những thông tin thuộc tín niệm văn hóa, triết học của xã hội Ấn Độ cổ đại.
Thứ mười hai, Tương ưng Vacchagotta (Vacchagottasaṃyutta) nêu dẫn các kiến chấp về thế giới và con người của du sĩ ngoại đạo Vacchagotta với những câu hỏi như: “Thế giới là thường còn” hay “Thế giới là không thường còn”; “Thế giới hữu biên” hay “Thế giới vô biên”; “Sinh mạng và thân thể là một” hay “Sinh mạng và thân thể là khác”; “Như Lai có tồn tại sau khi chết” hay “Như Lai không tồn tại sau khi chết”; “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết” hay “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết” (S. III. 257). Thật ra, Tương ưng Vacchagotta có nhiều điểm tương đồng với Tương ưng Không thuyết (Abyākatasaṃyutta) ở Thiên Sáu xứ (Saḷāyatanavagga).
Tương ưng cuối cùng của Thiên Uẩn là Tương ưng Thiền (Jhānasaṃyutta). Trong Tương ưng này đã khéo phân biệt giữa thiền định và thiền chứng (samādhimūlakasamāpatti) thông qua bốn hạng người tu tập (S. III. 265). Đồng thời, Tương ưng Thiền cũng chỉ rõ thế nào là thiện xảo về chỉ trú trong thiền định (samādhimūlakaṭhiti), thiện xảo về xuất khởi trong thiền định (samādhimūlakavuṭṭhāna), thiện xảo về sự thuần thục trong thiền định (samādhimūlakakallita).
2.4 Thiên Sáu xứ (Saḷāyatanavagga)
Thiên này có 10 Tương ưng với Tương ưng đầu tiên là Tương ưng Sáu xứ (Saḷāyatanasaṃyutta). Đây là Tương ưng dài thứ hai trong Tương ưng bộ. Nội dung của Tương ưng này đề cập đến tính chất vô thường, khổ, vô ngã trong mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Đức Phật nói rằng: “Ai ưa thích mắt, này các Tỷ-kheo, người ấy ưa thích khổ. Ai ưa thích khổ, Ta nói người ấy không thoát khỏi khổ” (S. IV. 13). “Do duyên mắt và các sắc khởi lên nhãn thức” (S. IV. 67). Chính vì vậy, cần phải hộ trì các căn, tiết độ trong ăn uống và chú tâm cảnh giác, ngay trong hiện tại sống được an lạc, hoan hỷ và tạo nguyên nhân bắt đầu đoạn tận các lậu hoặc (S. IV. 175). Hình ảnh khúc gỗ trôi sông, nếu như không tấp vào bờ này hay bờ kia, không bị mục nát, không bị phi nhân nhặt lấy… tất sẽ trôi ra biển lớn. Cũng vậy, vị Tỷ-kheo không bị dính mắc bởi sáu nội xứ và sáu ngoại xứ, tâm không chấp thủ… sẽ xuôi về Niết-bàn (S. IV. 179).
Thứ hai, Tương ưng Thọ (Vedanāsaṃyutta) đề cập đến ba thọ, gồm lạc thọ, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ. “Ba thọ này, do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên” (S. IV. 215). Đức Phật khẳng định rằng: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ” (S. IV. 216).
Thứ ba, Tương ưng Nữ nhân (Mātugāmasaṃyutta) đề cập đến những đức tánh khả ý và không khả ý của người phụ nữ (S. IV. 238), những điểm đặc thù chỉ riêng có ở phụ nữ (S. IV. 239) và cả những tật xấu của phụ nữ như phẫn nộ, sân hận, tật đố, xan tham, biếng nhác… Ngoài ra, Tương ưng này cũng đề cập đến những tăng trưởng tốt đẹp dành cho phụ nữ (S. IV. 250). Tương ưng Nữ nhân đã chuyên chở một vài chi tiết không phải lời Phật dạy mà là những quan niệm, những định kiến của xã hội Ấn Độ cổ đại đối với phụ nữ.
Thứ tư, Tương ưng Jambukhādaka (Jambukhādakasaṃyutta) và thứ năm, Tương ưng Sāmaṇḍaka (Sāmaṇḍakasaṃyutta) ghi lại những lời dạy của Tôn giả Sāriputta với du sĩ ngoại đạo Jambukhādaka và Sāmaṇḍaka về những vấn đề như Niết-bàn và con đường dẫn đến Niết-bàn (S. IV. 251); thế nào là vị A-la-hán và con đường dẫn đến quả vị A-la-hán (S. IV. 251); phương cách điều hòa hơi thở và đạt đến điều hòa hơi thở tối thượng (S. IV. 254); thế nào là thọ (S. IV. 255); thế nào là lậu hoặc, vô minh, khát ái, bộc lưu, chấp thủ (S. IV. 256-58)… đã được Tôn giả Sāriputta giảng giải thỏa đáng.
Thứ sáu, Tương ưng Moggallāna (Moggallānasaṃyutta) đề cập đến tứ thiền và tứ vô sắc định do Tôn giả Mahāmoggallāna giảng thuyết cho chúng Tỷ-kheo (S. IV. 262-68). Ngoài ra, Tương ưng này cũng ghi nhận sự kiện Tôn giả Mahāmoggallāna lên cõi trời Tāvatiṃsa (Tam Thập Tam thiên) thuyết pháp cho chư thiên (S. IV. 269-80).
Thứ bảy, Tương ưng Citta (Cittasaṃyutta). Citta (Tâm) là tên riêng của một vị cư sĩ tại gia của đức Phật, có nhiều điều đặc dị, phi phàm. Vị cư sĩ này có những nét tương đồng với cư sĩ Duy-ma-cật trong kinh văn Hán tạng. Trước hết, sau khi đảnh lễ chư Tăng, cư sĩ Citta đã thuyết pháp cho chúng Tỷ-kheo (S. IV. 281). Có trường hợp, cư sĩ Citta đã giải thích bài kệ cho Trưởng lão Kāmabhu (S. IV. 291). Trong trường hợp khác, cư sĩ Citta đã luận biện với các vị Nigaṇṭha (S. IV. 297). Ở đây, sở dĩ có khả năng như thế vì cư sĩ Citta đã chứng đắc Tứ thiền (S. IV. 300). Ngay cả trong lúc lâm chung, vị cư sĩ này còn an ủi ngược lại những người thăm bệnh mà trong số đó có cả chư thiên ở rừng, ở cây và khiến cho tất cả thính chúng được giải thoát (S. IV. 302). Tương ưng này cũng ghi nhận về năng lực thuyết giảng và sức mạnh thần thông của hai vị Tỷ-kheo trẻ mới tu. Vị thứ nhất tên là Isidatta có khả năng thuyết pháp cho các vị Tỷ-kheo trưởng lão (S. IV. 285) và vị thứ hai là Tỷ-kheo Mahaka đã thực hành thần thông, khiến mưa rơi xuống để cúng dường sự mát mẻ đến các bậc Trưởng lão (S. IV. 288).
Thứ tám, Tương ưng Thôn trưởng (Gāmaṇisaṃyutta). Trong Tương ưng này, đức Phật hóa giải những định kiến sai lầm cho các vị thôn trưởng về các quan niệm như tàn bạo và hiền lành (S. IV. 305). Người làm kẻ khác loạn tâm, đam mê chơi bời sẽ bị đọa vào địa ngục Hý Tiếu (Pahāsa) (S. IV. 306). Đặc biệt, Tương ưng này nêu rõ sự khác biệt giữa cầu siêu theo quan điểm của Bà-la-môn và cầu siêu theo quan điểm của Phật giáo (S. IV. 311).
Thứ chín, Tương ưng Vô vi (Asaṅkhatasaṃyutta) định nghĩa thế nào là vô vi và con đường dẫn đến vô vi (S. IV. 360). Tương ưng này cũng liệt kê những tên khác nhau chỉ cho vô lậu (S. IV. 370).
Tương ưng thứ mười của Thiên Sáu xứ là Tương ưng Không thuyết (Abyākatasaṃyutta). Tương ưng này đề cập đến những câu hỏi mà không được Như Lai trả lời vì chúng không thiết thực với đương cơ của người hỏi (S. IV. 388). Điểm đặc thù trong Tương ưng này ghi nhận về trường hợp Tỷ-kheo-ni Khema thuyết pháp cho Vua Pasenadi (S. IV. 374). Vị trí của bài kinh này nên được xếp vào trong Tương ưng Kosala hoặc Tương ưng Tỷ-kheo-ni thì thích hợp hơn.
2.5 Thiên Đại (Mahāvagga)
Thiên Đại (Mahāvagga) có 12 Tương ưng với Tương ưng Đạo (Maggasaṃyutta) là Tương ưng đầu tiên. Ở Tương ưng này, đức Phật giải thích một nửa Phạm hạnh và toàn bộ Phạm hạnh cho Tôn giả Ānanda (S. V. 1). Những bài kinh kế tiếp, đức Phật trình bày, giải thích những phương diện khác nhau của Thánh đạo tám ngành, từ chánh kiến cho đến chánh định. “Cái gì là giá chống đỡ cho tâm? Chính là Thánh đạo tám ngành” (S. V. 20).
Thứ hai, Tương ưng Giác chi (Bojjhaṅgasaṃyutta). “Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, được gọi là giác chi?” “Vì chúng đưa đến giác ngộ, này các Tỷ-kheo, do vậy nên chúng được gọi là giác chi” (S. V. 72). Nếu hành giả tu tập thuần thục theo bảy giác chi thì có thể đoạn trừ bệnh tật (S. V. 79-81). Vì sao vậy, vì bảy giác chi có khả năng đoạn trừ những cấu uế trong tâm cũng như muốn có vàng tinh luyện thì phải trừ sạch những cấu uế của vàng (S. V. 92). Như vậy: “Này các Tỷ-kheo, với mục đích thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, bảy giác chi cần phải tu tập” (S. V. 139).
Thứ ba, Tương ưng Niệm xứ (Satipaṭṭhānasaṃyutta). Tương ưng này đề cập đến pháp tu bốn niệm xứ gồm thân, thọ, tâm, pháp. Pháp môn bốn niệm xứ được đức Phật khẳng định rằng: “Có con đường độc nhất này, này các Tỷ-kheo, khiến cho các loài hữu tình được thanh tịnh, vượt qua được sầu bi, chấm dứt khổ ưu, chứng đạt chánh lý, chứng ngộ Niết-bàn” (S. V. 141). Bốn niệm xứ cũng là nội dung tu tập được đức Phật huấn thị trong kỳ an cư cuối cùng tại làng Beluva thuộc thành Vesāli (S. V. 152). Theo đức Phật, bốn niệm xứ được tu tập là điều kiện cơ bản để Chánh pháp được tồn tại lâu dài (S. V. 172).
Thứ tư, Tương ưng Căn (Indriyasaṃyutta). “Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn. Này các Tỷ-kheo những pháp này là năm căn” (S. V. 193). Hành giả khi tu tập, cần quán tín căn trong bốn chánh tín, tấn căn trong bốn chánh cần, niệm căn trong bốn niệm xứ, định căn trong bốn thiền, tuệ căn trong bốn Thánh đế (S. V. 196). Giữa căn và lực có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. “Cái gì là tín căn, này các Tỷ-kheo, cái ấy là tín lực. Cái gì là tín lực, cái ấy là tín căn… Cái gì là tuệ căn, cái ấy là tuệ lực. Cái gì là tuệ lực, cái ấy là tuệ căn” (S. V. 219).
Thứ năm, Tương ưng Chánh cần (Sammappadhānasaṃyutta), gồm có bốn: “Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với các ác, bất thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn không cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Đối với các ác, bất thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn đoạn tận, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Đối với các thiện pháp chưa sanh, khởi lên ý muốn làm cho sanh khởi, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Đối với các thiện pháp đã sanh, khởi lên ý muốn làm cho an trú, không cho vong thất, làm cho tăng trưởng, làm cho quảng đại, tu tập, làm cho viên mãn, tinh cần, tinh tấn, quyết tâm, cố gắng. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn chánh cần.” Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần” (S. V. 224). Như vậy: “Để thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, bốn chánh cần này cần phải tu tập” (S. V. 247).
Thứ sáu, Tương ưng Lực (Balasaṃyutta). “Có năm lực này, này các Tỷkheo. Thế nào là năm? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là năm lực” (S. V. 249). Nhờ tu tập năm lực này đến mức thuần thục sẽ hướng hành giả xuôi về Niết-bàn.
Thứ bảy, Tương ưng Như ý túc (Iddhipādasaṃyutta). “Ở đây, này các Tỷkheo, Tỷ-kheo tu tập như ý túc câu hữu với dục định tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tinh tấn định tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tâm định tinh cần hành; tu tập như ý túc câu hữu với tư duy định tinh cần hành. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là bốn như ý túc, được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa từ bờ bên này đến bờ bên kia” (S. V. 254). “Và do tu tập, do làm cho sung mãn bốn như ý túc này, Như Lai được gọi là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác” (S. V. 257).
Thứ tám, Tương ưng Anuruddha (Anuruddhasaṃyutta). Tương ưng này đề cập đến tư duy, sự thực hành và giảng thuyết của Tôn giả Anuruddha đối với bốn niệm xứ. Thậm chí gặp lúc bệnh tật, nhờ quán bốn niệm xứ nên khổ thọ về thân có khởi lên cũng không ảnh hưởng đến tâm (S. V. 302).
Thứ chín, Tương ưng Thiền (Jhānasaṃyutta). Tương ưng này đề cập về tứ thiền và những ví dụ liên quan nhằm làm sáng tỏ tứ thiền. Nhờ tu tập thuần thục và thành tựu tứ thiền nên năm thượng phần kiết sử được thắng tri, liễu tri, đoạn diệt, đoạn tận (S. V. 309).
Thứ mười, Tương ưng Hơi thở vô, hơi thở ra (Ānāpānasaṃyutta). Đây là pháp thiền tập với nhiều diệu dụng vì “ngay trong hiện tại có thể chứng đắc Chánh trí, nếu còn dư y thì chứng quả Bất lai” (S. V. 313). Duyên khởi pháp hành này bắt nguồn từ nhiều vị Tỷ-kheo sau khi tu pháp quán bất tịnh, đã nảy sinh sự chán ghét thân mình cùng cực nên có 30 vị Tỷ-kheo đã tự sát trong một ngày (S. V. 320). Từ thực tế đó, đức Phật đã dạy pháp hành này với sự khẳng định chắc chắn: “Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô, hơi thở ra này được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức” (S. V. 320). Không những vậy, trong một trường hợp khác, đức Phật tái khẳng định: “Này các Tỷkheo, ai muốn nói một cách chơn chánh, đây là Thánh trú, đây là Phạm trú, đây là Như Lai trú, người ấy nói một cách chơn chánh, phải nói định niệm hơi thở vô, hơi thở ra là Thánh trú, là Phạm trú, là Như Lai trú” (S. V. 325).
Thứ mười một, Tương ưng Dự lưu (Sotāpattisaṃyutta). Khi một hành giả thành tựu niềm tịnh tín bất động đối với Phật, Pháp, Tăng và giới, hành giả đó thành tựu quả vị Dự lưu (S. V. 342). Dự lưu là Thánh vị đầu tiên trong bốn Thánh quả. Đạt được quả vị này, hành giả có thể tự tuyên bố về mình: “Ta đã đoạn tận địa ngục, ta đã đoạn tận loài bàng sanh, ta đã đoạn tận cõi ngạ quỷ, ta đã đoạn tận ác xứ, ác thú, đọa xứ. Ta là bậc Dự Lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ” (S. V. 358). Cũng trong Tương ưng này, đức Phật đưa ra định nghĩa thế nào là người cư sĩ: “Ai quy y Phật, này Mahānāma, quy y Pháp, quy y chúng Tăng. Cho đến như vậy, này Mahānāma, là người cư sĩ” (S. V. 395).
Thứ mười hai là Tương ưng Sự thật (Saccasaṃyutta). Tương ưng này lược thuyết, quảng thuyết các phương diện khác nhau của bốn chân lý cao thượng, bao gồm cả bài pháp quan trọng đầu tiên gọi là Kinh Chuyển pháp luân (Dhammacakkappavattanasutta) (S. V. 420).
3. Kết luận
Để giữ gìn sự toàn vẹn kho tàng Chánh pháp, các bậc Thánh đệ tử của đức Phật đã vận dụng nhiều phương cách khác nhau. Một trong những phương cách tối ưu nhằm bổ trợ cho sự ghi nhớ, đó là việc sắp xếp các kinh theo các chủ đề, sự vật, hiện tượng, con người… chung một mối liên hệ với một trật tự nhất định. Nhờ vậy, người tu học sẽ dễ dàng lưu giữ nhiều vấn đề do tính liên hệ gợi mở của chúng, vì đây là một trong những quy luật cơ bản của tư duy. Việc tổ chức, sắp xếp những bài kinh có những thuộc tính giống nhau vào thành từng nhóm như trong Tương ưng bộ là việc làm có khoa học mà Phật giáo đã thực hiện từ rất sớm.
Nhờ tính chất đặc thù đó nên đã có những nội dung liên hệ đến giáo pháp, đến đức Phật được ghi nhận đầy đủ và trình bày hết sức phong phú, khó có thể tìm thấy trong bốn bộ Nikāya còn lại. Không những vậy, Tương ưng bộ này còn giữ gìn được những tư liệu cổ xưa liên quan đến phong tục tập quán và quan điểm triết học trong xã hội Ấn Độ cổ đại. Qua đó gián tiếp khẳng định rằng, có những tư liệu, những lời dạy của đức Phật mang tính cổ xưa hoặc gần với nguyên thủy đã có mặt trong Tương ưng bộ này. Bên cạnh đó, sự tương đồng về những bài kệ giữa Tương ưng bộ và Kinh Tập cũng như hai tác phẩm thuộc Luật tạng Pāli là Mahāvagga và Cullavagga, đã góp phần bổ sung tính chân thực và tương đồng về phương diện văn bản.
Dịch phẩm Tương ưng bộ của cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu đã trải qua ba lần tái bản. Trong ấn bản lần này, bộ kinh được bổ sung một số tiêu đề tương ứng với nguyên tác Pāli, một số phụ chú, trích dẫn tham chiếu Pāli, Hán văn, Anh văn và một vài nhuận sắc cần thiết, do các thành viên của Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam được phân công thực hiện. Chúng tôi tin tưởng rằng, đây là một dịch phẩm tiếng Việt Tương ưng bộ khá hoàn thiện tính đến thời điểm hiện nay.
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, ngày 19-9-2019
Cẩn chí
TT.TS. THÍCH MINH THÀNH
(Đồng Tổng Biên tập Tam tạng Thánh điển Phật giáo Việt Nam)