Primary Menu

Những bài kinh trong KINH TẬP dành cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh | Khuddaka Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Kinh Tập | Sutta Nipata

Chương Một – Phẩm Rắn Uragavagga

(II) Kinh Dhaniya (Sn 3)

Dhaniya:

18. Cơm ta, nấu đã chín,
Sữa uống, ta vắt xong,
Mục đồng Dhaniya,
Ðã nói lên như vậy.
Trên bờ sông Mahì,
Ta chung sống đồng cư,
Chòi lá được khéo lợp,
Lửa đốt được cháy đỏ.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

19. Ta đoạn được phẫn nộ,
Tâm hoang vu không còn,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Trên bờ sông Mahì,
Ta chỉ sống một đêm,
Chòi lá được rộng mở,
Lửa đốt được tịch tịnh.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

20. Ruồi lằn và muỗi mòng,
Ở đây không tìm thấy,
Mục đồng Dhaniya,
Ðã nói lên như vậy.
Trên cánh đồng cỏ mọc,
Ðàn bò đi ăn cỏ,
Dầu cơn mưa có đến,
Chúng có thể chịu đựng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

21. Các bè đã được cột,
Khéo tác thành tốt đẹp,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Ai qua được bờ kia,
Nhiếp phục dòng nước mạnh,
Lợi ích của chiếc bè,
Ðâu còn thấy cần thiết.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

22. Vợ ta khéo nhu thuận,
Không có tham dục gì,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Ðã lâu ngày chung sống,
Vừa đẹp ý đẹp lòng,
Ta không nghe điều gì,
Thuộc ác hạnh về nàng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

23. Tâm Ta khéo nhu thuận,
Ðược giải thoát, mở rộng,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Lâu ngày tu viên mãn,
Khéo nhiếp phục chế ngự,
Trong Ta các pháp ác,
Không còn được tìm thấy.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

24. Với lợi tức thâu hoạch,
Ta tự nuôi sống ta,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy,
Con ta và cả ta,
Sống chung không bệnh hoạn,
Ta không nghe điều gì,
Thuộc ác hạnh về chúng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

25. Ta không có làm mướn,
Cho một ai ở đời,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy
Với điều được chứng đắc,
Ta du hành thế giới,
Về tiền công cần thiết,
Không thể có nơi Ta.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

26. Ðây có các bò cái,
Ðây có các bò con,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Ðây có những bò mẹ,
Mang thai, nối giống dòng,
Ðây có những bò đực,
Những con chúa đầu đàn.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

27. Ðây không có bò cái,
Ðây không có bò con,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Ðây không có bò mẹ,
Mang thai, nối giống dòng,
Ðây không có bò đực,
Những con chúa đầu đàn.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Dhaniya:

28. Cây cột được đóng sâu,
Không còn bị dao động,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Các dây bằng cây lau,
Ðược bện lại mới chắc,
Và các con bò con,
Không thể nào giật đứt.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

Thế Tôn:

29. Giống như con bò đực,
Giật đứt các trói buộc,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Như voi làm bựt đứt
Các giây leo héo mục,
Ta không còn đi đến,
Chỗ thai tạng tái sanh.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.

30. Rồi mưa lớn đổ xuống,
Làm đầy tràn đất trũng,
Làm tràn ngập đất cao,
Nghe trời gầm, mưa, thét,
Mục đồng Dhaniya,
Nói lên lời như sau:

Dhaniya:

31. Lợi thay cho chúng ta,
Ðâu phải là lợi nhỏ,
Chúng ta được chiêm ngưỡng,
Bậc Chánh Giác, Thế Tôn.
Ôi! Kính bậc Pháp nhãn,
Con xin quy y Ngài,
Kính bậc Ðại ẩn sĩ,
Hãy là Thầy chúng con.

32. Vợ con và cả con,
Là những người nhu thuận,
Xin sống đời Phạm hạnh,
Dưới chân bậc Thiện Thệ.
Ðược đến bờ bên kia,
Vượt khỏi sanh già chết,
Chúng con sẽ trở thành
Người đoạn tận đau khổ.

Màra:

33. Ai có các con trai,
Hoan hỷ với con trai,
Ðây là lời Ác ma,
Ðã nói lên như vậy
Người chủ các con bò,
Hoan hỷ với con bò.
Còn người thì hoan hỷ,
Ðối với sự sanh y,
Ai không có sanh y,
không thể có hoan hỷ.

Thế Tôn:

34. Ai có các con trai,
Sầu muộn với con trai,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác,
Ðã nói lên như vậy.
Người chủ các con bò,
Sầu muộn với con bò;
Sầu muộn của con người,
Chính do sự sanh y,
Ai không có sanh y,
Không thể có sầu muộn.

(IV) Kinh Bhàradvàja, Người Cày Ruộng (Sn 12)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn:

– Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!

– Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.

– Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: “Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn “.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn bài kệ:

Bhàradvàja:

76. Người tự nhận Người cày,
Ta không thấy Người cày,
Hãy trả lời chúng tôi,
Ðã hỏi về Người cày,
Chúng tôi muốn rõ biết,
Người cày như thế nào?

Thế Tôn:

77. Lòng tin là hột giống,
Khổ hạnh là cơn mưa,
Trí tuệ đối với Ta
Là ách và lưỡi cày,
Xấu hổ là cán cày,
Ý là sợi dây buộc,
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc.

78. Với thân khéo phòng hộ,
Với lời khéo phòng hộ,
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Ta tác thành chơn thực,
Ðể cắt dọn cỏ rác,
Sự giải thoát của Ta
Thật hiền lành nhu thuận.

79. Với tinh cần tinh tấn,
Ta gánh chịu trách nhiệm,
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới,
Không trở ngại thối lui,
Chỗ nào Ta đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.

80. Cày bừa là như vậy,
Ðược quả là bất tử,
Sau cày bừa như vậy,
Mọi khổ được giải thoát.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng đức Phật và thưa:

– Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!

Thế Tôn:

81. Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là pháp,
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ,
Tụng hát các bài kệ,
Khi pháp có hiện hữu,
Truyền thống là như vậy.

82. Hỡi này Bà-la-môn,
Người cần phải cúng dường,
Ðồ ăn vật uống khác,
Bậc đại sĩ toàn diện,
Ðã đoạn các lậu hoặc,
Ðã lắng dịu dao động,
Ta chính là thửa ruộng,
Cho những ai cầu phước.

– Vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho ai cháo sữa này?

– Này Bà-la-môn, Ta không thấy ai ở thế giới, với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, hay trên đời này với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sau khi ăn, tiêu hóa được món cháo sữa này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Vậy, này Bà-la-môn, Ông hãy đổ cháo sữa này trên chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước không có sinh vật.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.

Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa “. Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán.

(V) Kinh Cunda (Sn 16)

83. Người thợ rèn Cunda,
Nói lên lời như sau:
Con hỏi bậc Ðại sĩ,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Ðấng Giác ngộ, Pháp chủ,
Ðã đoạn tận khát ái,
Bậc tối thượng hai chân,
Bậc đánh xe tối thắng,
Xin Ngài nói ở đời,
Có bao nhiêu Sa-môn?

Thế Tôn:

84. Chỉ có bốn Sa-môn,
Không có hạng thứ năm,
Thế Tôn đáp Cunda,
Này Cunda, là vậy.
Ta tỏ bày cho Ông,
Ðược hỏi điều tự thấy,
Bậc chiến thắng con đường,
Bậc thuyết giảng con đường,
Bậc sống trên con đường,
Kẻ làm ô uế đạo.

Cunda:

85. Người thợ rèn Cunda,
Liền bạch với Thế Tôn:
Chư Phật nói thế nào,
Bậc chiến thắng con đường,
Bậc thiền định con đường,
Sao gọi không ước lường?
Con hỏi xin trả lời,
Vị sống đúng con đường?
Xin trình bày cho con,
Kẻ làm đường ô uế.

Thế Tôn:

86. Ai vượt khỏi nghi hoặc,
Vị thoát khỏi mũi tên,
Ưa thích cảnh Niết-bàn,
Không tham đắm vật gì,
Bậc lãnh đạo thế giới,
Chư Thiên và loài Người,
Chư Phật gọi vị ấy,
Bậc chiến thắng con đường.

87. Ai ở đời biết được,
Pháp tối thượng, tối thượng,
Nói lên và phân tích,
Pháp ở đây là vậy.
Vị chặt đứt nghi hoặc,
Bậc ẩn sĩ, không dục,
Bậc Tỷ-kheo thứ hai
Ðược gọi thuyết con đường.

88. Ai sống trên con đường,
Con đường pháp khéo giảng,
Sống chế ngự chánh niệm,
Bước đường không lỗi lầm,
Tỷ-kheo thứ ba này
Ðược gọi sống trên đường.

89. Ai sống ưa che đậy,
Dưới hình thức giới cấm,
Xông xáo, nhớp gia đình,
Bạt mạng và man trá,
Không chế ngự nhiếp phục,
Sống lắm mồm lắm miệng.
Người sở hành như vậy
Là kẻ ô uế đạo.

90. Vị cư sĩ thâm hiểu
Các hạng người như vậy,
Thánh đệ tử, nghe nhiều,
Có trí tuệ thông hiểu,
Sau khi rõ biết chúng,
Tất cả là như vậy.
Thấy vậy, vững lòng tin,
Không có bị sút giảm
Làm sao lại lẫn lộn,
Kẻ ác với người thiện,
Làm sao xem giống nhau,
Bậc tịnh, kẻ không tịnh.

(VI) Kinh Bại Vong (Paràbhava) (Sn 18)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhơn, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn với những bài kệ:

Thiên nhân:

91. Về bại vong con người,
Con hỏi Gotama,
Con đến hỏi Thế Tôn,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

92. Thật dễ hiểu thành công,
Thật dễ hiểu bại vong,
Ưa mến pháp, thành công,
Thù ghét pháp bại vong.

Thiên nhân:

93. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ nhất về bại vong,
Thứ hai, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

94. Ai mến kẻ bất thiện,
Không ái luyến bậc thiện,
Thích pháp kẻ bất thiện,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

95. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ hai về bại vong,
Thứ ba, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

96. Người tánh ưa thích ngủ,
Thích hội chúng, thụ động,
Biếng nhác, thường phẫn nộ,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

97. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ ba về bại vong.
Thứ tư, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

98. Ai với mẹ hay cha,
Già yếu, tuổi trẻ hết,
Tuy giàu không giúp đỡ,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

99. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ tư về bại vong.
Thứ năm, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

100. Ai nói dối lường gạt,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Hay các khất sĩ khác,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

101. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ năm về bại vong.
Thứ sáu, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

102. Người giàu có tài sản,
Có vàng bạc thực vật,
Hương vị ngọt một mình,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

103. Như vậy, chúng con rõ
Thứ sáu về bại vong.
Thứ bảy, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

104. Người tự hào về sanh,
Về tài sản dòng họ,
Khinh miệt các bà con,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

105. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ bảy về bại vong,
Thứ tám, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

106. Người đắm say nữ nhân,
Ðắm say rượu, cờ bạc,
Hoang phí mọi lợi đắc,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

107. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ tám về bại vong.
Thứ chín, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

108. Không vừa đủ vợ mình,
Ðược thấy giữa dâm nữ,
Ðược thấy với vợ người,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

109. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ chín về bại vong.
Thứ mười, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

110. Người tuổi trẻ đã qua,
Cưới cô vợ vú tròn,
Ghen nàng không ngủ được,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

111. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ mười về bại vong.
Thứ mười một, xin nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

112. Ðàn bà, hay đàn ông,
Rượu chè, tiêu hoang phí,
Ðược địa vị quyền thế,
Chính cửa vào bại vong.

Thiên nhân:

113. Như vậy, chúng con biết,
Thứ mười một bại vong.
Thứ mười hai, xin nói,
Cửa vào của bại vong?

Thế Tôn:

114. Tài sản ít, ái lớn,
Sanh gia đình hoàng tộc,
Ở đây muốn trị vì,
Chính cửa vào bại vong.

115. Bại vong này ở đời,
Bậc trí khéo quán sát,
Ðầy đủ với chánh kiến,
Sống hạnh phúc ở đời.

(VII) Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttam) (Sn 21)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, tại trú xứ của Bà-la-môn Aggikabhàradvàja, lửa tế lễ được đốt cháy, đồ cúng dường được dâng cao. Rồi Thế Tôn, trong khi thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggibhàradvàja. Bà-la-môn Aggibhàradvàja thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy bèn nói với Thế Tôn:

– Ở đây kẻ trọc đầu, ở đây kẻ Sa-môn ti tiện, ở đây kẻ bần tiện, hãy đứng lại.

Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Aggibhàradvàja:

– Này Bà-la-môn, Người có biết người bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện không?

– Này Tôn giả Gotama, tôi không biết kẻ bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp như thế nào cho tôi, để tôi được biết về kẻ bần tiện hay các pháp tạo thành kẻ bần tiện.

– Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả!

Bà-la-môn Aggibhàradvàja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

116. Người phẫn nộ, hiềm hận,
Ác nhân, gièm pha người,
Ác tà kiến, man trá,
Ðược biết là bần tiện.

117. Ai ở đây hại vật,
Một sanh, hoặc hai sanh,
Không thương xót hữu tình,
Ðược biết là bần tiện.

118. Ai làm hại vây hãm,
Các làng, các thị trấn,
Kẻ cướp đoạt có tiếng,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

119. Tại làng hay tại rừng,
Vật sở hữu của người,
Lấy trộm của không cho,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

120. Ai vay nợ của người,
Bị đòi liền trốn tránh,
Ta đâu mắc nợ ngươi,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

121. Ai vì ham vật mọn,
Kẻ đang đi trên đường,
Giết hại cướp vật mọn,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

122. Ai vì mình, vì người,
Hay vì nhân tài sản,
Làm nhân họ nói láo,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

123. Ai được thấy giữa vợ
Của bà con, bạn thân,
Ép buộc hay ưng thuận,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

124. Ai với mẹ hay cha,
Già yếu, tuổi trẻ qua,
Tuy giàu không giúp đỡ,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

125. Ai với mẹ hay cha,
Với anh chị, nhạc mẫu,
Làm hại, dùng lời mắng,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

126. Ai được hỏi mục đích,
Lại khuyên lời trái đích,
Khuyên bảo nên che đậy,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

127. Ai làm các nghiệp ác,
Muốn không biết mình làm,
Ai làm hạnh che đậy,
Ðược biết là kẻ bần tiện.

128. Ai đến nhà người khác,
Ăn món ăn ngon lành,
Lại không đáp lễ lại,
Ðược biết là bần tiện.

129. Ai nói dối lường gạt,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Hay các người nghèo khác,
Ðược biết là bần tiện.

130. Dùng lời mắng, không cho,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Khi thời ăn uống đến,
Ðược biết là bần tiện.

131. Ở đời nói không thật,
Bị si mê che đậy,
Tham cầu chút lợi nhỏ,
Ðược biết là bần tiện.

132. Ai đề cao tự ngã,
Khi miệt giá trị người,
Hạ mình với tự cao,
Ðược biết là bần tiện.

133. Ai gây hấn, hà tiện,
Ác dục và xan tham,
Xảo quyệt, không tàm quí,
Ðược biết là bần tiện.

134. Ai phỉ báng đức Phật,
Hay đệ tử của Ngài,
Hàng xuất gia, tại gia,
Ðược biết là bần tiện.

135. Ai không phải La-hán,
Tự nhận là La-hán,
Kẻ trộm Phạm thiên giới,
Chính tối hạ bần tiện.
Những hàng bần tiện này,
Ta nói rõ cho Ông.

136. Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành, thành Phạm chí.

137. Do đây, nên hiểu biết,
Như Ta trình bày rõ,
Màtanga được danh,
Bần tiện, ăn thịt chó.

138. Danh tối thượng khó đạt,
Màtanga đạt được,
Nhiều Sát-ly, Phạm chí,
Ðến hầu hạ vị ấy.
139. Vị ấy leo thiên xa,
Trên đường lớn không bụi,
Từ bỏ mọi dục tham,
Ðạt được Phạm thiên giới,
Thọ sanh không ngăn chận,
Vị ấy sanh Phạm thiên.

140. Có những Bà-la-môn,
Sanh gia đình Ðạo sư,
Hay sanh những gia đình
Quyến thuộc với bùa chú,
Họ vẫn thường được thấy,
Làm các điều ác nghiệp,

141. Hiện tại bị khinh miệt,
Ðời sau sanh ác thú,
Thọ sanh không ngăn chận,
Sanh ác thú đáng khinh.

142. Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành thành bần tiện,
Do hành thành Phạm chí.

Khi được nói vậy, Bà-la-môn Bhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con nay qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng.

(VIII) Kinh Từ Bi (Metta Sutta) (Sn 25)

143. Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng, trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.

144. Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thật trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.

145. Các sở hành của mình,
Không nhỏ nhen vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích.
Mong mọi loài chúng sanh,
Ðược an lạc, an ổn,
Mong họ chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.

146. Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.

147. Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc.

148. Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.

149. Như tấm lòng người mẹ,
Ðối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.

150. Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy, cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.

151. Khi đứng, hay khi đi,
Khi ngồi, hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Ðược đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.

152. Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giới, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Ðối với các dục vọng,
Không còn phải tái sanh,
Ði đến thai tạng nữa.

Chương Hai – Tiểu Phẩm

(I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)

222. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.

223. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.

224. Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

225. Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

226. Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

227. Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

228. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

229. Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

230. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

231. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

232. Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

233. Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

234. Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

235. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.

236. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

237. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

238. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.

(II) Kinh Hôi Thối (Amagandha) (Sn 42)

Bà-la-môn:

239. Các bậc Thiện chơn chánh,
Ăn hạt giống cây thuốc,
Ăn đậu đũa, đậu rừng,
Ăn lá, ăn rễ cây,
Ăn trái các dây leo,
Nhận được thật đúng pháp.
Vị ấy không nói láo,
Vì các dục thúc đẩy.

240. Ôi ngài Kassapa,
Ai ăn các món ăn,
Do người khác bố thí,
Khéo làm, khéo chưng dọn,
Trong sạch và thù thắng;
Ăn lúa gạo thơm ngon.
Ai ăn uống như vậy
Là ăn thịt hôi thối.

241. Này bà con Phạm thiên,
Chính Ngài tuyên bố rằng:
Ta không ăn đồ thối,
Ðể nuôi sống thân Ta.
Nhưng Ngài ăn món ăn
Bằng lúa gạo thơm ngon,
Ăn thịt các loài chim,
Nấu ăn thật khéo léo
Ta hỏi Kassapa:
Ý nghĩa sự kiện này,
Ngài định nghĩa thế nào,
Là ăn đồ hôi thối?

Ðức Phật Kassapa:

242. Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
Ðây là đồ ăn thối,
Ăn thịt không phải thối.

243. Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

244. Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

245. Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

246. Ác giói, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.

247. Ở đời đối hữu tình,
Người không biết kiềm chế,
Lấy cướp sở hữu người,
Chú tâm làm hại người,
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

248. Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,

249. Không phải do cá thịt,
Cùng các loại nhịn ăn,
Không phải do lõa thể,
Ðầu trọc và bện tóc,
Không do tro trét mình,
Mặc da thú khô cứng,
Không phải do săn sóc,
Nuôi dưỡng lửa tế tự,
Không do nhiều khổ hạnh,
Ðể được chứng bất tử,
Không bùa chú tế tự,
Các tế đàn thời tiết,
Làm con người trong sạch,
Nếu nghi hoặc chưa đoạn.

250. Do sống hộ trì căn,
Với các căn nhiếp phục,
Vững trú trên Chánh pháp,
Thích chân trực, hiền hòa,
Vượt khỏi các tham ái,
Ðoạn tận mọi khổ đâu,
Bậc trí không nhiễm dính,
Ðiều được thấy, được nghe.

251. Nhiều lần, Thế Tôn thuyết,
Ý nghĩa lời dạy này,
Bậc bác học kệ chú,
Thâm hiểu ý nghĩa ấy.
Bậc ẩn sĩ nói lên,
Với những kệ tuyệt diệu,
Bậc không ăn đồ thối,
Ðộc lập, khó hướng dẫn.

252. Nghe xong những lời dạy,
Lời Thế Tôn khéo nói,
Chấm dứt ăn đồ thối,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Vị ấy đảnh lễ Phật,
Với tâm ý nhún nhường,
Thỉnh cầu được cho pháp,
Xuất gia tại nơi đây.

(IV) Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc – Mahamangala Sutta) (Sn 46)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn:

Thiên nhân:

258. Nhiều Thiên nhân và Người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng.

Thế Tôn:

259. Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.

260. Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tụ tâm,
Là điều lành tối thượng.

261. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng.

262. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi dưỡng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng.

263. Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng.

264. Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng.
265. Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Ðúng thời, nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.

266. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận pháp,
Là điềm lành tối thượng.

267. Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả Niết bàn
Là điềm lành tối thượng.

268. Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.

269. Làm sự việc như vậy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.

(VII) Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn 50)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nhiều Bà-la-môn đại phú ở Kosala già yếu, cao niên, trưởng lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, hiện nay còn có những Bà-la-môn nào được thấy là theo pháp Bà-la-môn của những Bà-la-môn thời xưa?

– Này các Bà-la-môn, hiện nay không còn thấy các Bà-la-môn theo pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa?

– Lành thay, Tôn giả Gotama hãy nói cho pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa. Nếu Tôn giả Gotama không thấy gì phiền phức.

– Vậy này các Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.

– Thưa vâng, Tôn giả.

Các Bà-la-môn đại phú ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

284. Các ẩn sĩ thời xưa,
Chế ngự, sống khắc khổ,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Hành lý tưởng tự ngã.

285. Phạm chí, không gia súc,
Không vàng bạc lúa gạo,
Học hỏi là tài sản,
Họ che chở hộ trì,
Kho tàng tối thượng ấy.

286. Ðồ ăn được sửa soạn,
Ðược đặt tại ngưỡng cửa,
Với lòng tin, họ soạn
Ðể cúng bậc Thánh cầu.

287. Với vải mặc nhiều màu,
Với giường nằm trú xứ,
Từ quốc độ giàu có,
Họ đảnh lễ Phạm chí.

288. Không bị ai xâm phạm
Là Phạm chí thời ấy,
Không bị ai chiến hại,
Họ được pháp che chở,
Không ai ngăn chận họ,
Tại ngưỡng cửa gia đình.

289. Từ trẻ đến bốn tám,
Các Phạm chí thời xưa,
Họ sống hành Phạm hạnh,
Tầm cầu minh và hạnh.

290. Các vị Bà-la-môn,
Không đến giai cấp khác,
Không mua người làm vợ,
Chung sống trong tình thương,
Họ đi đến với nhau,
Trong niềm hoan hỷ chung.

291. Ngoại trừ thời gian ấy,
Thời có thể thụ thai,
Là người Bà-la-môn,
Không đi đến giao cấu.

292. Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới, học thức, nhu hòa,
Khắc khổ và hòa nhã,
Bất hại và nhẫn nhục.

293. Vị tối thắng trong họ,
Là Phạm thiên, nỗ lực,
Vị ấy không giao hợp,
Cho đến trong cơn mộng.

294. Ở đời, bậc có trí,
Học theo hạnh vị ấy,
Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới đức và nhẫn nhục.

295. Họ xin cơm, sàng tọa,
Vải mặc, bơ và dầu,
Thâu nhiếp thật đúng pháp,
Họ tổ chức tế tự,
Trong lễ tế tự ấy,
Họ không giết bò cái.

296. Như mẹ và như cha,
Như anh, như bà con,
Bò là bạn tối thượng,
Từ chúng, sanh được vị.

297. Bò cho ăn, cho sức,
Cho dung sắc, cho lạc
Biết được lợi ích này,
Họ không giết hại bò.

298. Họ đoan trang thân lớn,
Có dung sắc, danh xưng,
Bản tánh là nhiệt tình,
Trong hành thiện dứt ác,
Họ còn sống ở đời,
Dân chúng hưởng an lạc.

299. Giữa họ có đảo lộn,
Họ thấy vật nhỏ nhen.
Thấy huy hoàng nhà vua,
Thấy trang sức phụ nữ.

300. Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.
Các trú xứ phòng ốc,
Khéo chia, khéo ngăn cách.

301. Ðàn bà mập vây quanh,
Chúng người đẹp hầu hạ,
Bà-la-môn tham đắm,
Tài sản lớn của người.

302. Ðọc các bài kệ tụng,
Họ đến Okkàla,
Ngài được tài sản lớn,
Ngài được lúa gạo nhiều.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn.

303. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Về ngựa và về người,
Quăng con nêm, nước thánh,
Với các cửa then cài.
Lễ tế đàn này xong,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều loại tài sản.

304. Bò, giường nằm, áo mặc,
Nữ nhân trang sức đẹp,
Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.

305. Các trú xứ đẹp đẽ,
Khéo chia, khéo ngăn cách,
Ðầy các loại lúa gạo,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều là tài sản.

306. Ở đây, được tài sản,
Phạm chí thích cất chứa,
Lòng dục chúng thỏa mãn,
Khát ái càng tăng trưởng,
Họ lại đọc kệ tụng,
Họ đến Okkàka.

307. Như nước, đất và vàng,
Tài sản và lúa gạo,
Cũng vậy là các bò,
Ðối với các loài, người.
Chúng là những vật dụng,
Cần thiết cho hữu tình.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn?

308. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn,
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Trăm ngàn bò bị giết

309. Không phải với bàn chân,
Cũng không phải với sừng.
Con bò hại một ai,
Chúng được khéo nhiếp phục
Như con dê, con cừu,
Chúng cho nhiều ghè sữa,
Tuy vậy, vua ra lệnh,
Nắm sừng bắt lấy chúng,
Giết chúng bằng dao gươm.

310. Rồi chư Thiên, Tổ tiên,
Ðế Thích, A-tu-la,
Với các hàng Dạ-xoa,
Ðồng thanh cùng la lớn,
Như vậy là phi pháp,
Khi gươm giết hại bò.

311. Trước đã có ba bệnh,
Dục, ăn không đủ già,
Do giết hại muôn thú,
Chúng lên đến chín tám.

312. Trượng phạt phi pháp này,
Từ xưa truyền đến nay,
Vật vô tội bị giết,
Còn người lễ tế đàn,
Thối thất khỏi Chánh pháp,

313. Vậy tùy pháp cổ này,
Bị bậc trí khiển trách,
Chỗ nào lễ tế đàn,
Như vậy, được xem thấy,
Quần chúng liền chỉ trích,
Các vị lễ tế đàn.

314. Như vậy, pháp bị hoại,
Hạng Thủ-đà, Phệ-xá,
Bị phân ly chia rẽ,
Các hạng Sát-đế-lị
Bị chia năm, chẻ bảy
Còn vợ khinh rẽ chồng.

315. Các Sát-lị hoàng tộc,
Các bà con Phạm thiên,
Cùng với hạng người khác,
Ðược gia tộc che chở,
Họ bỏ quên sanh chủng,
Họ rơi vào các dục.

Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn;

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, trình bày rõ những gì bị che kín chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối đễ những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama với nhiều pháp môn trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.

(IX) Kinh Thế Nào là Giới (Sn 56)

324. Thế nào là giới đức?
Thế nào là chánh hạnh?
Cần phải làm tăng trưởng.
Thân khẩu ý nghiệp nào?
Ðể người chánh nhập cuộc,
Ðạt được đích tối thượng?

325. Kính lễ bậc trưởng thượng,
Không ganh tị một ai,
Cần phải biết thời gian,
Ðể yết kiến Ðạo sư,
Biết được đúng thời khắc,
Thuyết pháp bắt đầu giảng,
Hãy cẩn thận lắng nghe,
Lời giảng được khéo nói.

326. Hãy đi đến đúng thời,
Trước mặt vị Ðạo Sư,
Từ bỏ tánh cứng đầu,
Với thái độ khiêm tốn,
Hãy nhớ nghĩ ức niệm,
Hãy chơn chánh hành trì,
Mục đích và Chánh pháp,
Chế ngự và Phạm hạnh

327. Vui thích trong Chánh Pháp
Hoan hỷ trong Chánh Pháp,
An trú trên Chánh pháp,
Biết phân tích Chánh pháp,
Sở hành không làm gì,
Có lời uế nhiễm pháp,
Chịu hướng dẫn lãnh đạo,
Lời trung thực khéo nói.

328. Bỏ cười đùa, lắm miệng,
Khóc than và sân hận,
Làm những điều man trá,
Lừa đảo, tham, kiêu mạn,
Bồng bột và bạo ngôn,
Cứng rắn và đam mê,
Sống từ bỏ tất cả,
Ly say đắm, kiên trì.

329. Thức tri được cốt lõi,
Những lời đươc khéo nói,
Ðươc nghe khéo thức tri,
Cốt lõi của thiền định,
Với con người hấp tấp,
Lại phóng dật buông lung,
Trí tuệ, đều được nghe,
Không có thể tăng trưởng.

330. An vui thích Chánh pháp,
Do bậc Thánh tuyên thuyết,
Họ trở thành vô thượng,
Về lời ý và nghiệp,
Họ an tịnh nhu hòa,
An trú trên thiền định,
Chứng đạt được cốt lõi,
Pháp được nghe, trí tuệ.

(XIII) Kinh Chánh xuất gia (Sn 63)

Người hỏi:

359. Tôi hỏi bậc ẩn sĩ,
Có trí tuệ rộng lớn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Tịch tịnh, tự an trú.
Làm sao một Tỷ-kheo,
Bỏ nhà, bỏ các dục,
Lại có thể chơn chánh
Du hành ở trên đời?

Thế Tôn:

360. Ai nhổ lên điềm lành,
Như vậy, Thế Tôn đáp
Các sao băng mộng mị,
Và các tướng lành dữ,
Vị ấy đoạn trừ được,
Các lỗi lầm điềm lành;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

361. Tỷ-kheo nhiếp phục tham,
Ðối với các dục vọng,
Tại thiên giới, nhân giới,
Vượt hữu, chứng tri pháp;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

362. Tỷ kheo bỏ hai lưỡi,
Bỏ phẩn nộ, xan tham,
Với tùy thuộc chống đối,
Ðoạn tận thật hoàn toàn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

363. Sau khi đã từ bỏ,
Cả ái và phi ái,
Không chấp thủ một ai,
Không y chỉ chỗ nào,
Giải thoát được hoàn toàn
Các kiết sử trói buộc,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

364. Ai không tìm lõi cây,
Ðối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Ðối với các chấp thủ,
Vị ấy không y chỉ,
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

365. Với lời và với ý,
Và với cả nghiệp làm,
Không chống đối một ai,
Chơn chánh biết diệu pháp,
Thường cố gắng hướng đến,
Ðường Niết bàn tịch tịnh,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

366. Tỷ-kheo không tự cao,
Khi người đảnh lễ mình,
Dầu có bị nhiếc mắng,
Không khởi tâm tức tối,
Ðược đồ ăn của người,
Không có sự tham đắm,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

367. Tỷ-kheo sau khi đoạn,
Tham dục và sanh hữu,
Từ bỏ, không làm hại,
Không trói buộc một ai,
Vị ấy vượt nghi hoặc,
Ðã rút ra mũi tên,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

368. Tỷ-kheo sau khi biết,
Ðiều thích đáng cho mình,
Không làm hại một ai,
Có mặt ở trên đời,
Sau khi đã biết pháp
Như thật, như thế nào,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

369. Với ai, các tuỳ miên,
Không còn có tồn tại,
Và cội gốc bất thiện,
Ðược nhổ lên tận trừ,
Vị ấy không tham dục,
Không có hy cầu gì.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

370. Ai đoạn tận lậu hoặc,
Ðoạn trừ cả kiêu mạn,
Mọi con đường tham dục,
Ðược chế ngự nhiếp phục,
Ðược nhiếp phục tịch tịnh,
Tự ngã được an lập,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

371. Có lòng tin, nghe pháp,
Thấy được quyết định tánh,
Bậc hiền không phe phái,
Giữa rất nhiều phe phái,
Có thể nhiếp phục được,
Tham, sân và hận thù,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

372. Thanh tịnh và chiến thắng,
Kéo lên màn che kín,
Tự tại trong các pháp,
Ðến bờ kia, bất động,
Ðoạn diệt các sở hành,
Thiện xảo trong chánh trí,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

373. Trong những thời quá khứ,
Trong những thời vị lai,
Vượt qua các chủ thuyết,
Trí tuệ thật thanh tịnh,
Với tất cả mọi xứ,
Ðược hoàn toàn giải thoát.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

374. Rõ biết được Pháp cú,
Chứng tri được Chánh pháp,
Thấy được sự mở rộng,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðối tất cả sanh y,
Ðược trừ diệt hoàn toàn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

Người hỏi:

375. Bạch Thế Tôn, chắc chắn,
Thực sự là như vậy,
Tỷ-kheo được chế ngự,
Ðã an trú như vậy,
Ðã nhiếp phục hoàn toàn,
Tất cả các kiết sử,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.

(XIV) Kinh Dhammika (Sn 66)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:

Dhammika:

376. Kính thưa Gotama,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con xin kính hỏi Ngài,
Vấn đề đặc biệt này:
Với vị đệ tử Ngài,
Làm thế nào là thiện?
Nếu là vị xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Hay là vị có nhà,
Sống đời nam cư sĩ?

377. Ngài rõ biết đường đi,
Cùng mục đích tối hậu,
Của Thế Tôn đời này,
Và thế giới chư Thiên.
Không ai so sánh Ngài,
Bậc thấy nghĩa thù diệu,
Chính Ngài được tôn xưng,
Là đức Phật thù thắng.

378. Ngài biết tất cả trí,
Ngài trình bày Chánh pháp,
Vì lòng thương, từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Ngài mở rộng bức màn,
Bậc có mắt mọi nơi
Không cấu uế, thanh tịnh,
Ngài chói toàn thế giới.

379. Vị vua loài Nàgà
Tên Eràvano,
Ðã đến gần bên Ngài,
Ðược nghe: Ngài chiến thắng.
Vị ấy tìm đến Ngài,
Ðể nghe lời khuyên nhủ,
Sau khi nghe, thích thú
Nói lên lời: Lành thay!.

380. Vua Vessavana,
Kuvera đến Ngài,
Tìm hiểu hỏi han Ngài
Về vấn đề diệu pháp,
Ðược hỏi, ôi bậc trí,
Hãy nói lên cho vua!
Sau khi nghe, vị ấy,
Cũng thích thú, ưa thích.

381. Các bậc ngoại đạo này
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Các tà mạng ngoại đạo,
Hay các Ni-kiền Tử,
Tất cả không vượt qua,
Hơn thắng trí của Ngài,
Như người đang đứng lại,
Không thắng kẻ đi mau.

382. Các Bà-la-môn này,
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Có những bậc Phạm-chí,
Ðã đến tuổi trưởng thượng,
Tất cả đều trói buộc,
Bởi tư tưởng của Ngài,
Kể cả những hạng người,
Tự phụ nói khoe khoang.

383. Pháp này là tế nhị,
Ðem lại nguồn an lạc,
Ðã được bậc Thế Tôn
Khéo nói, khéo thuyết giảng,
Tất cả mọi hạng người,
Ðều thích thú ưa nghe,
Ðược hỏi, hãy nói lên,
Ôi đức Phật tối thượng.

384. Các vị Tỷ-kheo này,
Ðang ngồi đây tất cả,
Kể cả nam cư sĩ,
Tất cả đều chờ nghe,
Hãy để họ nghe pháp,
Bậc Vô uế Giác ngộ,
Như chư Thiên nghe lời,
Vàsava khéo nói!

Thế Tôn:

385. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta,
Ta khiến các Thầy nghe,
Pháp đoạn trừ điều ác,
Tất cả hãy trọ trì,
Với ai thấy ý nghĩa,
Nghĩ ngợi có suy tư,
Hãy sống theo chánh hạnh,
Thích hợp với xuất gia.

386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
Trong thời gian phi thời,
Hãy vào làng khất thực,
Ðúng thời, thì hãy đi,
Ai đi đứng phi thời,
Bị bẫy sập trói buộc.
Do vậy các đức Phật,
Không có đi phi thời.

387. Các sắc và các tiếng,
Các vị, hương và xúc,
Chính những loại pháp ấy
Làm mê hoặc chúng sanh.
Hãy nhiếp phục, lòng dục,
Ðối với các pháp ấy,
Hãy vào cho đúng thời,
Ðể dùng buổi ăn sáng.

388. Tỷ-kheo được đúng thời,
Các đồ ăn khất thực,
Hãy đi về một mình,
Ngồi tại chỗ an tịnh,
Suy tư hướng nội tâm,
Ý không chạy ra ngoài,
Làm cho thoát ra khỏi,
Mọi chấp thủ tự ngã.

389. Nếu vị ấy có nói,
Với một vị đệ tử,
Hay nói với một vị
Một Tỷ-kheo nào khác,
Hãy nói cho vị ấy,
Sự thù diệu Chánh pháp,
Không có nói hai lưỡi,
Không bài xích một ai,

390. Nhưng có những hạng người,
Dùng khẩu chiến bằng lời,
Những hạng người tuệ nhỏ,
Chúng ta không tán thán,
Triền phược trói buộc họ,
Từ chỗ này chỗ kia,
Ở đây họ dẫn tâm,
Ðưa tâm đi quá xa.

391. Ðồ khất thực, tinh xá,
Cùng sàng tọa trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Sau khi nghe Chánh pháp,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc đệ tử thắng tuệ,
Quán sát, hãy dùng chúng.

392. Do vậy đồ khất thực,
Sàng tọa và trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Ðối với những pháp ấy,
Ðừng để cho dính nhiễm.
Tỷ-kheo như giọt nước,
Không dính trên lá sen.

393. Trách nhiệm của gia chủ,
Ta cũng nói các Ông,
Làm theo đúng như vậy,
Ðệ tử là tốt lành.
Pháp Tỷ-kheo toàn diện,
Khó thành tựu đầy đủ,
Vì là người gia chủ,
Phải làm nhiều việc đời.

394. Chớ giết loài hữu tình,
Chớ bảo người giết hại,
Hay chấp nhận kẻ khác,
Giết hại các người khác,
Ðối với mọi sanh loại,
Từ bỏ các hình phạt,
Ðối với kẻ mạnh bạo,
Như đối kẻ run sợ.

385. Rồi hãy quyết từ bỏ,
Lấy của không được cho,
Ðệ tử khéo sáng suốt,
Vật gì, vật của ai,
Chớ khiến người khác lấy,
Chớ chấp nhận lấy trộm.
Hãy từ bỏ, chấm dứt,
Mọi của cải không cho.

396. Hãy từ bỏ, tránh xa
Ðời sống phi Phạm hạnh,
Như bậc trí tránh né,
Lửa cháy hố than hừng.
Nếu tự mình bất lực,
Không thể sống Phạm hạnh,
Thời chớ có xâm phạm
Vợ của các người khác.

397. Khi đi đến hội chúng,
Hay đi đến đoàn chúng,
Hay một mình một người,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ khiến người nói láo,
Chớ chấp nhận nói láo,
Tất cả điều không thật,
Hãy tránh xa từ bỏ.

398. Chớ sống theo nếp sống,
Uống rượu và say rượu,
Với vị là cư sĩ,
Ðã chấp nhận pháp này,
Chớ khiến nguời uống rượu,
Chớ chấp thuận uống rượu
Sau khi biết uống rượu,
Cuối đường là điên cuồng.

399. Chỉ kẻ ngu say rượu,
Mới làm các điều ác,
Và khiến các người khác,
Sống buông lung phóng dật,
Hãy từ bỏ, tránh xa
Xứ phi công đức này,
Khiến điên cuồng si mê,
Làm kẻ ngu thỏa thích.

400. Chớ có giết hữu tình,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói láo không thật,
Chớ uống rượu say mê,
Từ bỏ phi Phạm hạnh,
Không hành trì dâm dục
Không có ăn ban đêm,
Không ăn lúc phi thời.

401. Chớ mang các vòng hoa,
Chớ dùng các nước thơm,
Hãy nằm trên mặt đất,
Trên thảm chiếu trải dài,
Tám hạnh này được gọi
Là hạnh ngày trai giới,
Do đức Phật giảng dạy,
Ðể chấm dứt khổ đau.

402. Từ nay ngày trai giới,
Chia nửa tháng hai phần,
Ngày mười bốn, mười lăm,
Hay ngày tám mỗi tháng,
Với tâm ý hoan hỷ,
Thực hành thần thông pháp
Gồm có đủ tám phần,
Khéo đầy đủ vẹn toàn.

403. Do vậy, vào buổi sáng,
Thực hành ngày trai giới,
Bậc có trí sáng suốt,
Với tâm tư tín thành,
Với tâm ý tùy hỷ,
Cúng dường Tỷ-kheo Tăng,
Với món ăn đồ uống,
Hợp với khả năng mình.

404. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
Hợp pháp và đúng pháp,
Và cũng đúng với pháp,
Hãy làm nghề buôn bán,
Người gia chủ như vậy,
Sở hành không phóng dật,
Ðược sanh làm Thiên nhân,
Tên là: “Tự chói sáng”.

Chương Ba – Ðại Phẩm

(I) Kinh Xuất Gia (Sn 72)

Ananda:

405. Xuất gia, tôi tán thán,
Như Pháp nhãn xuất gia,
Sau khi Ngài quán sát,
Chấp thuận hạnh xuất gia.

406.Trói buộc, sống gia đình,
Tụ hội mọi bụi đời,
Phóng khoáng, đời xuất gia,
Thấy vậy nên xuất gia.

407. Sau khi Ngài xuất gia,
Thân ác nghiệp Ngài tránh,
Từ bỏ lời nói ác,
Mạng sống Ngài thanh tịnh.

408. Phật đi đến Vương Xá,
Ðến chỗ núi bao vây,
Tại nước Ma-kiệt-đà,
Ngài sống hạnh khất sĩ,
Mang theo thật đầy đủ,
Các tướng tốt quang minh.

409. Bình Sa vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng,
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này:

410. Các Ông hãy chăm sóc
Người đẹp, lớn, thanh tịnh,
Thành tựu với hạnh đức,
Chỉ nhìn vừa một tầm.

411. Mắt nhìn xuống, chánh niệm,
Gia đình không hạ tiện,
Hãy cho sứ giả theo,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?

412. Ðược sai, sứ giả ấy
Ði theo sau lưng Ngài,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
Trú xứ sẽ chỗ nào?

413. Khất thực, từng nhà một,
Căn hộ trì chế ngự,
Bình bát được mau đầy,
Tỉnh giác và chánh niệm.

414. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ ra khỏi thành,
Leo lên Pandava,
Sẽ trú xứ tại đấy.

415. Thấy vị ấy đến chỗ,
Các sứ giả ngồi chờ,
Còn một vị đi về,
Kể lại chuyện vua hay.

416. Ðại vương, Tỷ-kheo ấy,
Phía đông Pandava,
Ngồi như cọp, bò chúa,
Như sư tử trong hang.

417. Nghe sứ giả, đức vua
Với cỗ xe thù thắng,
Vội vàng ra khỏi thành,
Ði đến Pandava.

418. Ði được, vua đi xe,
Rồi xuống xe đi bộ,
Ðức vua tiến lại gần,
Và vào chỗ Ngài ở.

419. Ngồi xuống, vua nói lên
Lời hỏi thăm chào đón,
Lời lẽ chào đón xong,
Vua nói lên nghĩa này.

420. Người thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Ðẹp cao được đầy đủ,
Thiện sanh dòng Sát-ly.

421. Trang hoàng binh đội ngũ,
Trước mắt cả binh đoàn,
Tài sản ta cho Người,
Hãy hưởng và trả lời
Về vấn đề thọ sanh.

Thế Tôn:

422. Trên sườn núi Tuyết sơn,
Sống dân tộc đoạn trực,
Tài sản nghị lực đủ,
Ở xứ Kosala.

423. Dòng họ thuộc mặt trời,
Sanh tộc là Thích-ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua, Ta xuất gia,
Ta không có tha thiết,
Ðối với các loại dục.

424. Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn,
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta, được hoan hỷ.

(IV) Kinh Sundarika Bhàradvàja (Sn 80)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: “Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?”.

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: “Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này”, và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: “Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh”. Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn:

– Thọ sanh của Tôn giả là thế nào?

Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ:

Thế Tôn:

455. Ta không phải Phạm chí,
Cũng không phải con vua,
Cũng không phải buôn bán,
Không phải là ai hết,
Do liễu tri giai cấp,
Của các hàng phàm phu,
Ta kẻ trí ở đời,
Bộ hành, không sở hữu.

456. Mang áo Tăng-già-lê,
Ta sống, không gia đình,
Với tóc được cạo sạch,
Tự ngã được an tịnh,
Ở đời Ta không nhiễm,
Với các thiếu niên nào,
Không xứng đáng, Ông hỏi,
Hỏi Ta về thọ sanh.

Bà-la-môn:

457. Thật sự, thưa Tôn giả,
Các vị Bà-la-môn
Thường hỏi Bà-la-môn,
Có phải người Phạm chí?

Thế Tôn:

Nếu Ông nói lên rằng:
Ông là Bà-la-môn,
Và nếu Ông hỏi Ta
Không phải Bà-la-môn,
Vậy Ta sẽ hỏi Ông
Về Sàvitti này,
Gồm có mười hai câu,
Và hai mươi bốn chữ.

Bà-la-môn:

458. Do y tựa vào gì,
Các ẩn sĩ, loài Người,
Sát-đế-lị Phạm chí,
Ðã tổ chức tế đàn,
Cho các hàng chư Thiên,
Rộng rãi trong đời này?

Thế Tôn:

Vị nào đạt cứu cánh,
Vị nào hiểu Vệ-đà,
Trong lễ tế đàn này,
Thọ hưởng đồ cúng dường,
Ta tuyên bố, nói rằng
Lễ ấy được tăng thịnh.

Bà-la-môn:

459. Chắc chắn tế đàn ấy,
Cúng dường được tăng thịnh.
Vì chúng ta thấy được,
Vị am hiểu Vệ-đà,
Nếu chúng ta không thấy,
Ðược một ngưòi như Ông,
Một người khác thọ hưởng
Ðồ cúng dường tế đàn.

Thế Tôn:

460. Vì Ông, này Phạm chí,
Ðến Ta vì cần thiết,
Với mục đích rõ ràng,
Vậy nay Ta hỏi Ông,
Ông có thể tìm được
Một bậc trí ở đây,
An tịnh, không sân hận,
Không khổ, không tầm cầu?

Bà-la-môn:

461. Tôi vui trong tế đàn,
Tôn giả Gotama,
Tôi tha thiết ao ước,
Ðược cúng dường tế đàn,
Nhưng tôi không được biết,
Tôn giả hãy dạy tôi!
Hãy nói lên cho tôi,
Chỗ cúng dường tăng thịnh.

Thế Tôn:

Vậy này Bà-la-môn,
Hãy lắng tai mà nghe,
Ta nay sẽ vì Ông,
Tuyên thuyết pháp vi diệu.

462. Chớ hỏi về thọ sanh,
Hãy hỏi về hạnh đức,
Thật vậy, từ củi gỗ,
Một ngọn lửa được sanh,
Từ gia đình thấp kém,
Bậc ẩn sĩ, có trí,
Ðược huấn luyện thuần thục,
Ðược xấu hổ chế ngự.

463. Ðược chân thật huấn luyện,
Ðược nhiếp phục chế ngự,
Bậc đạt đến hiểu biết,
Phạm hạnh được viên thành,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.

464. Những vị nào, bỏ dục,
Du hành, không gia đình,
Khéo chế ngự nhiếp phục,
Như con thoi trực chỉ.
Ðúng thời đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chỉ cầu phước,
Hãy bố thí như vậy,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.

465. Những vị đã ly tham,
Các căn khéo định tĩnh,
Như trăng được giải thoát,
Khỏi nanh vuốt Ràhu,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy,
Vậy vị Phạm hạnh nào,
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.

466. Không tham dính vật gì,
Họ du hành ở đời,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Từ bỏ ngã sở kiến,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào,
Muốn cầu nguyện công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.

467. Ai từ bỏ các dục,
Tự nhiếp phục, du hành.
Ai biết sự chấm dứt,
Của sanh và sự chết,
Tịch tịnh và mát lạnh.
Mát lạnh như nước hồ.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

468. Bình đẳng kẻ bình đẳng,
Xa lánh không bình đẳng,
Như Lai chứng đạt được,
Trí tuệ không giới hạn,
Không bị dính, uế nhiễm,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

469. Trong ai không man trá,
Không sống với kiêu mạn,
Ai không có tham dục,
Không của ta, không cầu,
Phẫn nộ được đoạn trừ,
Tự ngã thật tịch tịnh,
Vị Bà-la-môn ấy,
Cấu uế, sầu muộn đoạn,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

470. Ai đoạn diệt hoàn toàn
Mọi trú xứ của ý,
Không còn có nắm giữ,
Sự vật gì ở đời,
Không còn có chấp thủ,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

471. Tâm ai thật định tĩnh,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Rõ biết được Chánh pháp,
Với tri kiến tối thượng,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Mang thân này tối hậu.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

472. Với ai, các hữu lậu,
Và lời nói thô ác,
Ðược đoạn tận chấm dứt,
Không còn có tồn tại,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Giải thoát mọi khía cạnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

473. Giữa những người nhiễm trước,
Vị ấy không nhiễm trước,
Giữa chúng sanh kiêu mạn,
Vị ấy không kiêu mạn,
Liễu tri được đau khổ,
Kể cả ruộng và đất.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

474. Không dựa vào ước vọng,
Vị ấy thấy viễn ly,
Vượt qua sự hiểu biết,
Cùng tri kiến người khác,
Ðối với mọi sở duyên,
Vị ấy đều không có,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

475. Vị ấy chứng tri được
Các pháp gần hay xa,
Ðược đoạn trừ, chấm dứt,
Không còn có hiện hữu,
An tịnh, không chấp thủ,
Ðược hoàn toàn giải thoát
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

476. Thấy được sự đoạn tận,
Sanh diệt các kiết sử,
Trừ được đường tham dục,
Không còn lại dư tàn.
Thanh tịnh, không lỗi lầm,
Không cấu uế, không nhiễm.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

477. Ai không thấy tự ngã,
Với tự ngã của mình,
Ðịnh tâm và chánh trực,
Kiên trì không dao động,
Vị ấy không có dục,
Không cứng cỏi, phân vân.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

478. Với ai không còn nữa,
Nguyên nhân của si mê,
Biết rõ và thấy rõ,
Ðối với hết thảy pháp,
Và mang nặng thân này,
Thân này thân cuối cùng.
Chứng đạt Chánh Ðẳng Giác,
Vô thượng an ổn xứ,
Ðạt cho đến như vậy,
Bậc Dạ-xoa thanh tịnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.

Bà-la-môn:

479. Ðây đồ con cúng dường,
Ðồ cúng dường chân thật,
Con đã tìm thấy được,
Bậc trí đức như vậy,
Phạm thiên hãy chứng giám,
Thế Tôn hãy chấp nhận,
Thế Tôn hãy thọ hưởng,
Ðồ cúng dường của con.

Thế Tôn:

480. Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí,
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ,
Chỗ nào pháp an trú,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðấy chính là truyền thống.

481. Ông cần phải cúng dường,
Ðồ ăn, đồ uống khác,
Bậc Ðại sĩ toàn vẹn,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðã đoạn tận trao hối,
Không còn bị dao động,
Ngài chính là thửa ruộng,
Cho người cầu công đức.

Bà-la-môn:

482. Thế Tôn, con muốn biết,
Người có tin như con,
Ai có thể hưởng thọ,
Ðồ cúng dường của con,
Trong khi lễ tế đàn,
Con phải tìm đến ai?
Lời Ngài dạy thế nào,
Con sẽ đạt cho được.

Thế Tôn:

483. Với ai, không xông xáo,
Với ai, tâm không động,
Giải thoát khỏi các dục,
Với ai bỏ hôn trầm,

484. Lãnh đạo kẻ biên giới,
Thiện xảo trong sanh tử,
Ẫn sĩ đầy đủ tuệ,
Ðã đến lễ tế đàn.

485. Nhiếp phục kiêu ngạo xong,
Hãy chắp tay đảnh lễ,
Cúng dường đồ ăn uống,
Cúng dường vậy tăng trưởng.

Bà-la-môn:

486. Ngài là bậc Giác Ngộ,
Xứng đáng được cúng dường,
Ngài là ruộng phước đức,
Vô thượng, không gì hơn,
Vị tiếp nhận cúng dường,
Xứng đáng toàn thế giới.
Bố thí cho Tôn giả,
Kết quả thật to lớn.

Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới.

Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja… trở thành một vị A-la-hán.

(V) Kinh Màgha (Sn 86)

Như vầy tôi nghe:

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không?

– Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người… cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức.

Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ:

Thanh niên Màgha:

487. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Con hỏi bậc Hiền hòa,
Mặc cà sa không nhà,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước.
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Tại đâu nên bố thí,
Ðể đồ cúng được tịnh.

Thế Tôn:

488. Thế Tôn bèn trả lời:
Này thanh niên Màgha,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Người ấy cần phải thí,
Người xứng đáng cúng dường.

Màgha:

489. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con
Nên cúng dường cho ai?

Thế Tôn:

490. Những ai sống ở đời,
Thật sự không nhiễm trước,
Hoàn toàn không sở hữu,
Tự ngã được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

491. Những ai đã chặt đứt,
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không dao động, mong cầu.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

492. Những ai đã giải thoát
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không khổ, không mong cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

493. Vị nào đã đoạn tận,
Tham, sân và cả si,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

494. Ai sống không man trá,
Và không có kiêu mạn,
Những vị sống không tham,
Không ngã sở, không cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

495. Những ai đối với ai,
Không rơi vào hệ lụy,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Du hành không ngã sở,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

496. Với ai không tham ái,
Một vật gì ở đời,
Không ái hữu, phi hữu,
Ðời này hay đời sau,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

497. Những ai từ bỏ dục,
Sống không có gia đình,
Khéo léo biết chế ngự,
Như con thoi, chính trực,
Ðúng thời, đối vị ấy.
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

498. Những ai, ly tham ái,
Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Nanh vuốt của Ràhu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

499. Những ai được an tịnh,
Ly tham, ly phẩn nộ,
Sau khi bỏ đời này,
Không còn có sanh thú,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

500. Ðoạn sanh tử đã xong,
Không còn chút dư tàn,
Nghi ngờ và phân vân,
Tất cả được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

501. Những ai sống ở đời
Tự mình làm hòn đảo,
Không có vật sở hữu,
Giải thoát được trọn vẹn,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

502. Những ai ngay đời này,
Như thật rõ biết được,
Ðây đời sống cuối cùng,
Không còn có tái sanh,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

503. Ai đạt tuệ tối thượng,
Ưa thiền, giữ chánh niệm,
Ðạt được sự giác ngộ,
Chỗ quy ngưỡng nhiều người.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.

Màgha:

504. Thật sự câu con hỏi,
Không trống không, vô ích,
Thế Tôn nói cho con,
Những ai đáng cúng dường.
Ở đây Ngài đã biết,
Sự thật như thế nào.
Như vậy chính là pháp,
Ngài được biết như vậy.

505. Rồi thanh niên Màgha,
Lại thưa thêm như sau:
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con,
Pháp tế tự hoàn toàn.

Thế Tôn:

506. Thế Tôn nói Màgha,
Hãy tế đàn, tế tự,
Phải làm cho trong sạch,
Hoàn toàn mọi tâm tư,
Ðối người lễ tế đàn,
Ðối tượng là đồ cúng,
Hãy an trú ở đây,
Từ bỏ sự sân hận.

507. Vị ấy đoạn tận tham,
Nhiếp phục cả sân hận,
Tu tập tâm từ bi,
Vô lượng khắp tất cả,
Với hạnh không phóng dật,
Ngày đêm luôn tu tập,
Cùng khắp mọi phương hướng,
Biến mãn vô lượng tâm.

Màgha:

508. Ai trong sạch, giải thoát,
Ai còn bị trói buộc,
Ai với tự thân mình,
Ði đến Phạm Thiên giới?
Vì không biết, con hỏi.
Hãy nói lên, ẩn sĩ,
Mong Thế Tôn chứng giám,
Cho con ngày hôm nay,
Con được thấy Phạm thiên,
Ngài đối với chúng con,
Thật sự Ngài ngang bằng,
Với Phạm thiên không khác,
Ôi! Bậc chói hào quang,
Làm thế nào được sanh,
Lên cảnh giới Phạm thiên?

Thế Tôn:

509. Thế Tôn đáp Màgha:
Ai tổ chức tế đàn,
Ðầy đủ cả ba phần,
Tế đàn ấy tăng thịnh,
Với những người được cúng.
Xứng đáng được cúng dường.
Tế đàn như vậy xong,
Chơn chánh muốn được cầu,
Ta nói vị ấy sanh,
Tại cảnh giới Phạm thiên.

Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!.

Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!… Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(VII) Kinh Sela (Sn 102-112)

(Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II)

(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)

(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)

Chương Bốn – Phẩm Tám

(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)

Thế Tôn:

835. Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Ðối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.

Màgandiya:

836. Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.

Thế Tôn:

837. Thế Tôn liền trả lời,
Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.

Màgandiya:

838. Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?

Thế Tôn:

839. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.

Màgandiya:

840. Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.

Thế Tôn:

841. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Ði đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.

842. Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.

843. Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: “Ðây sự thật “,
Ðây chính là nói láo,
Ðể gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.

844. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
Ẩn sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.

845. Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn,
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.

846. Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Ði đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.

847. Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.

(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)

Thế Tôn:

935. Từ người cầm các trượng,
Sợ hãi được sanh ra,
Hãy xem các loài người,
Trong khi đấu tranh nhau,
Ta sẽ nói sợ hãi,
Như Ta đã được biết.

936. Thấy loài, người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ chống đối nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.

937. Ðời toàn không lõi cây,
Mọi phương đều dao động
Muốn cho mình ngôi nhà,
Ta không thấy nhà ở.

938. Cuối cùng là xung đột,
Thấy vậy Ta chán ngắt,
Ðây Ta thấy mũi tên,
Khó thấy, gắn vào tim.

939. Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.

940. Ở đây sự học tập,
Ðã được nói rõ lên,
Phàm triền phược ở đời,
Chớ liên hệ với chúng,
Ðâm thủng dục hoàn toàn,
Tự học tập Niết-bàn.

941. Chân thật không xông xáo,
Không man trá, hai lưỡi,
Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
Vượt tham ác, xan tham.

942. Người nghĩ đến Niết-bàn,
Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
Không sống với phóng dật,
Không an trú, quá mạn.

943. Không rơi vào nói láo,
Không tham ái các sắc,
Cần liễu tri quá mạn,
Sống từ bỏ bạo ác.

944. Không hoan hỷ việc cũ,
Không nhẫn chịu sự mới,
Trong tổn giảm không sầu,
Không liên hệ tham ái,

945. Ái, Ta gọi bộc lưu,
Mong cầu gọi bọt nước,
Sở duyên gọi biến kể,
Bùn dục khó vượt qua.

946. ẩn sĩ không rời chân,
Phạm chí trú đất liền,
Vị từ bỏ tất cả,
Thật được gọi an tịnh.

947. Biết vậy, gọi người biết,
Biết rồi không y pháp,
Chơn chánh sống ở đời,
Không tham ái một ai.

948. Ai ở đây vượt dục,
Ái khó vượt ở đời,
Không sầu, không tham muốn,
Cắt dòng không trói buộc.

949. Trước Ông làm khô cạn
Sau Ông không vật gì,
Ở giữa không nắm giữ,
Ông sẽ sống an tịnh.

950. Toàn diện đối danh sắc,
Không gì nghĩ “của ta”
Không có gì không sầu,
Không có già ở đời.

951. Không nghĩ “đây của tôi “,
Không nghĩ “đây của người “,
Người không có tự ngã,
Không sầu vì không ngã.

952. Không tàn bạo, không tham,
Không dục, thường đồng đẳng,
Ðược hỏi Ta nói lên,
Lợi ích bậc bất động.

953. Bậc ly dục rõ biết,
Vị ấy không sở hành,
Thoát ly, không tinh cần,
Thấy an ổn khắp nơi.

954. Bậc ẩn sĩ, không nói,
Bằng nhau, thua, hơn nhau,
An tịnh, ly xan tham,
Không nhận, không bác bỏ.
Thế Tôn giảng như vậy.

Add Comment