Primary Menu

[SN 10:05] Bài kinh Sanu – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập I – Chương 10
Bài kinh số 5 – Sanu (S.i,209) | Sanu

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, Jetavana, tại vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Sànu, con một nữ cư sĩ bị Dạ-xoa ám ảnh.

3) Nữ cư sĩ ấy than khóc, ngay lúc ấy nói lên bài kệ này:

Con ta là La-hán,
Ðối với ta là vậy,
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy.
Nay ta thấy Sànu,
Bị Dạ-xoa ám ảnh.
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và ngày tám nửa tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Khéo tu tám trai giới,
Tuân trì lễ Bố-tát.
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy,
Nay ta thấy Sànu,
Bị Dạ-xoa ám ảnh.
Ngày mười bốn, mười lăm,
Và ngày tám nửa tháng,
Cả ngày lễ đặc biệt,
Khéo tu tám trai giới,
Tuân trì lễ Bố-tát.
Những ai sống Phạm hạnh,
Dạ-xoa không ám ảnh,
Và chính ta được nghe,
Vị La-hán nói vậy.
Người nói với Sànu,
Có trí và sáng suốt,
Ðây là lời Dạ-xoa,
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật.
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Ông không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy,
Chạy một mạch, chạy dài.

4) (Sànu được khỏi ám ảnh):

Này mẹ, người ta khóc,
Là khóc cho người chết,
Hay khóc cho người sống,
Nhưng không được thấy mặt?
Này mẹ, chúng thấy con,
Hiện có mặt đang sống.
Vậy sao mẹ khóc con,
Này người mẹ thân yêu?

5) (Bà mẹ):

Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết.
Nay con được kéo ra,
Khỏi than hừng đỏ rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Nay con được thoát ra,
Khỏi địa ngục đau khổ,
Con còn muốn rơi vào,
Cõi địa ngục ấy chăng?
Hãy dong ruổi đời con,
Ta chúc con hạnh phúc,
Hãy sống như thế nào,
Không làm ai bực phiền.
Ðồ vật thoát lửa cháy,
Con muốn đốt lại chăng?

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment