Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—
Tập III – Phần A: Năm Mươi Kinh Căn Bản – Phẩm Nakulapità
Bài kinh số 4 – Hàliddikàni (Tạp 20.16 Kha-lê, Ðại 2,144c) (S.iii,12) | Nakulapita
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna sống giữa dân chúng Avanti, tại Kulaghara, bên bờ một vực núi.
2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna… rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni nói với Tôn giả Mahà Kaccàna:
4) — Thế Tôn đã nói trong tập Các Câu hỏi Của Sakka như vầy: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát với sự đoạn tận khát ái, những vị ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện, đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời, loài Người”. Với lời nói vắn tắt này của Thế Tôn, thưa Tôn giả, ý nghĩa cần phải hiểu một cách rộng rãi như thế nào?
5) — Ðối với sắc giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy miên; sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một cách hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.
6) Ðối với thọ giới, này Gia chủ…
7) Ðối với tưởng giới, này Gia chủ…
8) Ðối với hành giới, này Gia chủ…
9) Ðối với thức giới, này Gia chủ, cái gọi là dục, là tham, là hỷ, là khát ái, những gì thuộc chấp thủ, tâm trú trước, thiên chấp, tùy miên; sự đoạn tận chúng, ly tham, đoạn diệt, từ bỏ, từ khước chúng một cách hoàn toàn; như vậy gọi là tâm khéo giải thoát.
10) Như vậy, này Gia chủ, là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến trong tập Các Câu hỏi Của Sakka: “Những Sa-môn, Bà-la-môn nào được giải thoát với sự đoạn tận khát ái, những vị ấy đã hoàn toàn đạt được toàn thiện, đã hoàn toàn đạt được an ổn khỏi các khổ ách, đã hoàn toàn hành Phạm hạnh, đã hoàn toàn đạt được mục đích, là bậc tối thượng giữa loài Trời và loài Người”.
—o0o—
Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu