Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—
Tập I – Chương 3 – Phẩm thứ ba
Bài kinh số 2 – Tổ Mẫu (S.i,96) | Ayyaka
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Thế Tôn nói với vua Pasenadi nước Kosala đang ngồi một bên:
— Ðại vương đi từ đâu lại, giữa trưa như thế này?
3) — Bạch Thế Tôn, tổ mẫu của con mệnh chung, già nua, tuổi tác, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đạt đến tuổi thọ, đã mệnh chung, được một trăm hai mươi tuổi.
4) Bạch Thế Tôn, con rất ái luyến và quý mến tổ mẫu. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một voi báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho voi báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một ngựa báu, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho ngựa báu để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con được cho một thôn làng tốt đẹp, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho thôn làng tốt đẹp để tổ mẫu con khỏi chết. Bạch Thế Tôn, nếu con có thể được cho một quốc độ, hay để tổ mẫu con khỏi chết, con sẽ cho quốc độ để tổ mẫu con khỏi chết.
5) — Tất cả chúng sanh, thưa Ðại vương, đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
6) — Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, Thế Tôn đã khéo nói: “Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.”
7) — Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Như vậy là phải, thưa Ðại vương. Tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết. Ví như, thưa Ðại vương, tất cả đồ gốm do người thợ gốm làm ra, chưa nung chín hay đã nung chín, tất cả đồ gốm ấy đều phải bể, đều kết thúc trong sự bể, đều không vượt qua sự bể. Cũng vậy, thưa Ðại vương, tất cả chúng sanh đều phải chết, đều kết thúc trong sự chết, đều không vượt qua sự chết.
8)
Mọi chúng sanh sẽ chết,
Mạng sống, chết kết thúc,
Tùy nghiệp, họ sẽ đi,
Nhận lãnh quả thiện ác,
Ác nghiệp, đọa địa ngục,
Thiện nghiệp, lên Thiên giới.
Do vậy hãy làm lành,
Tích lũy cho đời sau,
Công đức cho đời sau,
Làm hậu cứ cho người.
—o0o—
Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu