Primary Menu

[SN 41:1] Bài kinh Kiết Sử – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập IV – Tương Ưng 41
Bài kinh số 1 – I. Kiết Sử (S.iv,281) | Samyojana

1) Một thời, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão trú ở Macchikasanda, tại rừng Ambàtaka.

2) Lúc bấy giờ, một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên:

— Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?

3) Ở đây, một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời:

— Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ.

Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời:

— Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ.

4) Lúc bấy giờ, cư sĩ Citta đi đến Migapathaka để làm một số công việc phải làm.

5) Cư sĩ Citta được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa những vị này, câu chuyện sau đây được khởi lên: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ?” Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ”. Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này là đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ”.

6) Rồi cư sĩ Citta đi đến các Tỷ-kheo trưởng lão ấy; sau khi đến, đảnh lễ các Tỷ-kheo trưởng lão rồi ngồi xuống một bên.

7) Ngồi một bên, cư sĩ Citta thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:

— Bạch chư Thượng tọa, (chúng con) được nghe có một số đông Tỷ-kheo trưởng lão, sau buổi ăn đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà tròn, và giữa các vị này, khởi lên câu chuyện sau đây: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa, khác ngôn từ, hay đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ”. Một số Tỷ-kheo trưởng lão trả lời: “Này chư Hiền, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; những pháp này đồng nghĩa, chỉ khác ngôn từ”.

— Có vậy, này Cư sĩ.

8) — Bạch chư Thượng tọa, kiết sử hay các pháp bị kiết sử; các pháp này là khác nghĩa và cũng khác ngôn từ. Bạch chư Thượng tọa, con sẽ nói lên một ví dụ cho quý vị. Ở đây, một số người có trí, nhờ ví dụ hiểu được ý nghĩa lời nói.

9) Bạch chư Thượng tọa, ví như một con bò đực đen và con bò đực trắng được dính lại với nhau bởi một sợi dây hay một cái ách. Nếu có người nói: “Con bò đực đen là kiết sử cho con bò đực trắng, và con bò đực trắng là kiết sử cho con bò đực đen”. Nói như vậy có phải là nói một cách chơn chánh không?

— Thưa không, này Cư sĩ. Này Cư sĩ, con bò đực đen không phải là kiết sử của con bò đực trắng. Và con bò đực trắng cũng không phải là kiết sử của con bò đực đen. Do vì chúng bị dính bởi một sợi dây hay bởi một cái ách, ở đây chính cái ấy là kiết sử.

10) — Cũng vậy, bạch chư Thượng tọa, con mắt không phải là trói buộc của các sắc; các sắc không phải là trói buộc của con mắt. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc. Cái tai không phải là trói buộc của các tiếng… Mũi không phải là trói buộc của các hương… Lưỡi không phải là trói buộc của các vị… Thân không phải là trói buộc của các xúc… Ý không phải là trói buộc của các pháp. Các pháp cũng không phải là trói buộc của ý. Và ở đây, do duyên cả hai khởi lên dục tham gì, dục tham ấy ở đây chính là trói buộc.

11) — Lợi ích thay cho Ông, này Gia chủ! Khéo lợi ích thay cho Ông, này Cư sĩ! Vì rằng tuệ nhãn của Ông tiếp tục (kamati) lời dạy thâm sâu của đức Phật.

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment