Primary Menu

[SN 44:1] Bài kinh Khema – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập IV – Tương Ưng 44
Bài kinh số 1 – I. Trưởng Lão Ni Khemà (S.iv,374) | Khema

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ, Tỷ-kheo-ni Khemà đang đi du hành giữa dân chúng Kosala và trú ở tại Toranavatthu, giữa Sàvatthi và Sàketà.

3) Vua Pasenadi nước Kosala cũng đang đi từ Sàketa đến Sàvatthi và trú một đêm ở Toranavatthu, giữa Sàketa và Sàvatthi.

4) Rồi vua Pasenadi nước Kosala gọi một người và nói:

— Hãy đến, này Người kia. Ông có biết vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào ở tại Toranavatthu để hôm nay ta có thể đến yết kiến vị ấy?

— Thưa vâng, tâu Ðại vương.

Người ấy vâng đáp vua Pasenadi nước Kosala, đi tìm khắp Toranavatthu không thấy có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để vua Pasenadi nước Kosala có thể đến yết kiến.

5) Rồi người ấy thấy Tỷ-kheo-ni Khemà đến trú ở Toranavatthu; sau khi thấy, người ấy đi đến vua Pasenadi nước Kosala và thưa:

— Tâu Ðại vương, tại Toranavatthu không có vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào để Ðại vương có thể yết kiến. Nhưng tâu Ðại vương, có Tỷ-kheo-ni Khemà là đệ tử của Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về bậc nữ Tôn giả ấy: “Nữ Tôn giả là bậc hiền trí, thông minh, có trí, nghe nhiều, lời nói đến tâm, ứng đáp lanh lợi”. Ðại vương có thể đến yết kiến vị ấy.

6) Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà; sau khi đến, đảnh lễ vị ấy rồi ngồi xuống một bên.

7) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala thưa với Tỷ-kheo-ni Khemà:

— Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

— Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”.

8) — Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại sau khi chết?

— Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”.

9) — Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?

— Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”.

10) — Thế là, thưa Nữ Tôn giả, Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?

— Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”.

11) — Ðược hỏi: “Thưa Nữ Tôn giả, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?”, Nữ Tôn giả trả lời: “Tâu Ðại vương, Thế Tôn không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại sau khi chết””. Ðược hỏi: “Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại sau khi chết không?”, Nữ Tôn giả trả lời: “Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không có tồn tại sau khi chết””. Ðược hỏi: “Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết?”, Nữ Tôn giả trả lời: “Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết””. Ðược hỏi: “Thế là, thưa Nữ Tôn giả, có phải Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết?”, Nữ Tôn giả trả lời: “Tâu Ðại vương, Thế Tôn cũng không trả lời: ‘Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết””. Thưa Nữ Tôn giả, do nhân gì, do duyên gì, Thế Tôn lại không trả lời?

12)– Vậy thưa Ðại vương, ở đây, tôi sẽ hỏi Ðại vương. Ðại vương kham nhẫn như thế nào, hãy trả lời như vậy.

13) Ðại vương nghĩ thế nào, thưa Ðại vương, Ðại vương có người kế toán nào, chưởng ấn nào (muddiko), toán số nào có thể đếm được cát sông Hằng có số hột cát như vậy, có số trăm hột cát như vậy, có số ngàn hột cát như vậy, có số trăm ngàn hột cát như vậy?

— Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.

14) — Ðại vương có người kế toán nào, có người chưởng ấn nào, có người toán số nào có thể đong lường được nước của biển lớn có số đấu nước như vậy, có số trăm đấu nước như vậy, có số ngàn đấu nước như vậy, có số trăm ngàn đấu nước như vậy?

— Thưa không, thưa Nữ Tôn giả.

— Vì sao?

— Thưa Nữ Tôn giả, vì rằng biển lớn thâm sâu, vô lường, khó dò đến đáy.

15) — Cũng vậy, thưa Ðại vương, nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua sắc thân (rupeena), nhưng sắc thân ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của sắc thân. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.

16) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai ngang qua cảm thọ, nhưng cảm thọ ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của cảm thọ. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận… Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.

17-19) Nếu có người muốn định nghĩa Như Lai qua các tưởng… qua các hành… qua các thức; nhưng thức ấy, Như Lai đã đoạn tận, cắt đứt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, làm cho không thể sanh khởi trong tương lai; được giải thoát khỏi sự ước lượng của thức. Thưa Ðại vương, Như Lai là thâm sâu, vô lường, không thể đến tận đáy, như biển lớn. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”, không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận. Nói rằng: “Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết”, cũng không thể chấp nhận.

20) Rồi vua Pasanadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời của Tỷ-kheo-ni Khemà, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tỷ-kheo-ni Khemà, thân phía hữu hướng về Nữ Tôn giả rồi ra đi.

21) Rồi vua Pasenadi nước Kosala, sau một thời gian, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

22) Ngồi một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Như Lai có tồn tại sau khi chết không?

— Thưa Ðại vương, Ta không trả lời: “Như Lai có tồn tại sau khi chết”.

23) Thế là, thưa Thế Tôn, Như Lai không có tồn tại sau khi chết?

— Thưa Ðại vương, Ta cũng không trả lời: “Như Lai không có tồn tại sau khi chết”.

24-25)… (Như trên)…

26-34… (Như trên, từ số 11 đến số 19, với những thay đổi cần thiết)…

35) — Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú.

36) Một thời, bạch Thế Tôn, con đi đến Tỷ-kheo-ni Khemà và hỏi về ý nghĩa này. Nữ Tôn giả ấy đã trả lời cho con về ý nghĩa này với những câu này, với những lời này, giống như Thế Tôn. Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Vì rằng giữa Ðạo sư với nữ đệ tử, ý nghĩa với ý nghĩa, văn ngôn với văn ngôn có sự tương đồng, có sự tương hòa, không có sự mâu thuẫn, tức là tối thượng văn cú. Bạch Thế Tôn, nay con phải đi, con có nhiều công vụ, nhiều việc phải làm.

— Thưa Ðại vương, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời.

37) Rồi vua Pasenadi nước Kosala hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment