Primary Menu

[SN 55:40] Bài kinh Nandiyà – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập V – Tương Ưng 55 – Phẩm Saranàni thứ ba
Bài kinh số 40 – X. Nandiyà (S.v,397) | Nandiya

1) Một thời, Thế Tôn trú giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu, trong khu vườn Cây Bàng.

2) Rồi họ Thích Nandiyà đi đến Thế Tôn; sau khi đến… ngồi xuống một bên, họ Thích Nandiyà bạch Thế Tôn:

3) — Với vị Thánh đệ tử nào, bạch Thế Tôn, toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; vị Thánh đệ tử ấy, bạch Thế Tôn, có thể được gọi là trú phóng dật không?

— Này Nandiyà, với ai toàn diện, toàn bộ không có bốn Dự lưu phần này; người ấy, Ta tuyên bố là người đứng ngoài, trong hàng ngũ kẻ phàm phu.

4) Tuy vậy, này Nandiyà, Ta sẽ nói cho Ông như thế nào một Thánh đệ tử trú phóng dật và trú không phóng dật. Hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Họ Thích Nandiyà vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:

5) — Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Vị ấy thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động đối với Phật, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống phóng dật như vậy, nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử… đối với Pháp… đối với chúng Tăng… thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị này thỏa mãn với những giới được các bậc Thánh ái kính, không cố gắng thêm, ban ngày không sống viễn ly, ban đêm không sống Thiền tịnh. Do vị ấy trú phóng dật như vậy nên không có hân hoan. Do không có hân hoan, nên không có hỷ. Do không có hỷ, nên không có khinh an. Do không có khinh an, nên sống đau khổ. Do tâm đau khổ, nên không định tĩnh. Do tâm không định tĩnh, nên các pháp không hiện rõ. Do các pháp không hiện rõ, nên vị ấy được gọi là trú phóng dật.

6) Này Nandiyà, thế nào là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật?

Ở đây, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tịnh tín bất động đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng,… Phật, Thế Tôn”. Vị này không thỏa mãn với lòng tịnh tín bất động ấy, cố gắng hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật, nên hân hoan khởi. Do vị ấy hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân khinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Lại nữa, này Nandiyà, vị Thánh đệ tử đối với Pháp… đối với chúng Tăng… vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định. Vị ấy không thỏa mãn với các giới được các bậc Thánh ái kính, cố gắng tinh tấn hơn nữa, ban ngày sống viễn ly, ban đêm sống Thiền tịnh. Do vị ấy sống không phóng dật như vậy, hân hoan sanh. Vị ấy có hân hoan, nên hỷ sanh. Do ý có hỷ, nên thân kinh an. Do thân khinh an, nên vị ấy cảm thọ lạc. Do tâm được lạc, nên vị ấy định tĩnh. Do tâm định tĩnh, các pháp được hiện ra. Do các pháp được hiện ra, vị ấy được gọi là trú không phóng dật. Như vậy, này Nandiyà, là vị Thánh đệ tử trú không phóng dật.

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment