Primary Menu

Cư sĩ giới pháp – Chương 2: Các pháp môn thuyết cho cư sĩ Phật giáo Nam truyền

Mục lục

Namo tassa bhagavato arahato sammāsam-buddhassa.
Kính lễ Đức Thế Tôn, Ưng Cúng, Chánh Biến Tri
—o0o—

THERAVĀDA
Phật giáo Nguyên Thủy

CƯ SĨ GIỚI PHÁP

Tỳ kheo Giác Giới (Bodhisīla Bhikkhu) biên soạn
PL. 2550 – TL. 2006

CHƯƠNG II – CÁC PHÁP MÔN THUYẾT CHO CƯ SĨ

II.1. MƯỜI HẠNG CƯ SĨ

Một thời, Đức Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại chùa Jetavana (Kỳ Viên). Bấy giờ gia chủ Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) đến viếng thăm Đức Phật. Đức Phật thuyết pháp cho gia chủ Anāthapiṇḍika nghe về mười hạng người hưởng dục (Kāmabhogī), tức là người tại gia cư sĩ.

Mười hạng cư sĩ ấy là:

  • 1- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ và không tạo phước.
  • 2- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ và không tạo phước.
  • 3- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách phi pháp thủ đoạn; nhưng khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ và tạo phước.
  • 4- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ và không tạo phước.
  • 5- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ, không tạo phước.
  • 6- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ và tạo phước.
  • 7- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy không tự làm cho mình an vui no đủ, không chia sẻ, không tạo phước.
  • 8- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, nhưng không chia sẻ, không tạo phước.
  • 9- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ, tạo việc phước; nhưng người ấy thọ dụng tài sản tham đắm, đam mê, nhiễm trước, không thấy sự nguy hiểm, không có trí tuệ xuất ly.
  • 10- Có hạng cư sĩ tìm tài sản bằng cách hợp pháp và không thủ đoạn; khi tìm được tài sản như vậy, người ấy tự làm cho mình an vui no đủ, biết chia sẻ, tạo việc phước; và người ấy thọ dụng tài sản không tham đắm, không đam mê, không nhiễm trước, thấy được sự nguy hiểm, có trí tuệ xuất ly. — S.IV.331; A.V.176

Mười hạng cư sĩ này được chia ra có bốn bậc:

  • – Bậc thấp, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản phi pháp và thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê. Người biết làm cho mình an vui no đủ, là điểm đáng khen; không tự làm cho mình an vui no đủ, là điểm đáng chê. Người biết chia sẻ, biết tạo phước, là điểm đáng khen, không biết chia sẻ, không biết tạo phước, là điểm đáng chê.
  • – Bậc trung, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản vừa hợp pháp và phi pháp, vừa thủ đoạn và không thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê.
  • – Bậc cao, gồm ba hạng cư sĩ tìm tài sản hợp pháp và không thủ đoạn. Trong ba hạng này, có điểm đáng khen, có điểm đáng chê.
  • – Bậc tối thắng, là hạng cư sĩ có đủ các ưu điểm đáng khen, tức là “Tìm tài sản hợp pháp và không thủ đoạn”; “Tự làm cho mình an vui no đủ”; “Biết chia sẻ và tạo phước”; “Thọ dụng không tham đắm, không đam mê, không nhiễm trước, thấy được nguy hiểm, có trí tuệ xuất ly”. Đây là hạng cư sĩ ưu thắng trong mười hạng cư sĩ.

II.2. NĂM PHÁP TÁNH NGƯỜI CẬN SỰ TAM BẢO

Đức Thế Tôn dạy:

“Này các tỳ kheo, một cận sự (Upāsaka) thành tựu năm pháp này sẽ là cư sĩ châu báu, cư sĩ hồng liên hoa, cư sĩ bạch liên hoa. Thế nào là năm? Đó là có niềm tin (saddho hoti), có giới hạnh (sīlavā hoti), không tin bói toán đoán điềm (Akotuhalamaṅgaliko hoti), không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo (na ito bahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati), phụng sự Tam bảo trước hết (idha ca pubbakāraṃ karoti). — A.III.206

Năm pháp tánh này là tánh hạnh ưu việt của người cư sĩ, thành người cư sĩ cao quí, người cư sĩ thanh lương trong sáng.

  • 1- Có niềm tin. Tức là có sự tin tưởng đối với Phật, Pháp, Tăng, không hoài nghi; có niềm tin vững chắc nơi Tam bảo.
  • 2- Có giới hạnh. Tức là an trú trong ngũ giới hay bát quan trai giới, thọ trì giới một cách nghiêm túc.
  • 3- Không tin bói toán, đoán điềm. Tức là người cư sĩ chơn chánh chỉ tin vào luật nhân quả nghiệp báo, không tin vào sự may rủi do sao hạn chiếu mệnh, hay điềm báo tốt xấu.
  • 4- Không tìm đối tượng đáng cúng dường ngoài Tam bảo. Tức là người cư sĩ đệ tử Phật dù có bố thí đến các ngoại đạo, chỉ vì lòng bi mẫn giúp đỡ họ, chứ không đặt họ ở địa vị bậc đáng cúng dường ngang hàng với Tam bảo.
  • 5- Phụng sự Tam bảo trước hết. Tức là luôn luôn ưu tiên cho Tam bảo từ việc nhỏ đến việc lớn, phục vụ Tam bảo trước rồi mới thực hiện cho ngoại đạo sau nếu cần làm.

II.3. MƯỜI ĐỨC LÀNH CỦA NGƯỜI PHẬT TỬ

Trong chú giải có nói đến mười đức lành của người Phật tử đã qui y Tam bảo như sau:

  • 1- Đồng vui khổ với chư Tăng (Saṅghena saddhiṃ samānasukhadukkho hoti), là khi chúng tỳ kheo có việc vui hay khổ, thì nguời thiện tín đều có quan tâm chia sẻ; Tăng chúng vui thì mình hoan hỷ, Tăng chúng khổ thì mình cùng lo.
  • 2- Khéo giữ gìn thân khẩu (Kāyikavācasikañca surakkhitaṃ hoti), là người thiện tín phải có hành vi tốt đẹp, lời nói tốt đẹp.
  • 3- Lấy pháp làm trọng (Dhammo adhipateyyo hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống y cứ giáo pháp, lấy chánh pháp làm chuẩn mực, làm căn bản, làm kim chỉ nam.
  • 4- Vui chia sẻ tùy khả năng (Yathāthāmena saṃvibhāgarato’ va hoti), nghĩa là người thiện tín có tâm hoan hỷ trong việc bố thí xả tài tùy theo sức tài sản mình có.
  • 5- Cố gắng học hiểu giáo lý của Phật (Jinasāsanaṃ jānituñca vāyamati), nghĩa là người thiện tín phải cố gắng tìm hiểu học hỏi giáo pháp của bậc Đạo Sư đã dạy.
  • 6- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko’va hoti), nghĩa là người thiện tín phải có tri kiến chân chánh, hiểu đúng với chơn lý, thấy rõ vô thường, khổ não và vô ngã; hiểu biết nghiệp báo luân hồi.
  • 7- Từ bỏ sự bói toán đoán điềm (Apagato kotuhalamaṅgaliko’va hoti), nghĩa là người thiện tín không tin theo sao hạn hên xui, mê tín dị đoan.
  • 8- Không xu hướng Đạo Sư khác dù có vì nhân mạng sống (Jīvitahetupi aññaṃ satthāraṃ na uddisati), nghĩa là người thiện tín không vì nhân mạng sống bị đe dọa hay vì để nuôi mạng mà hướng về thầy ngoại đạo khác bỏ Đức Phật.
  • 9- Vui thích trong sự hòa hợp (Samaggārāmo’ va hoti), nghĩa là người thiện tín luôn luôn sống đoàn kết, hoan hỷ trong sự đoàn kết, không chia rẽ, không phe phái.
  • 10- Thực hành theo giáo lý (Sāsane carati), nghĩa là người thiện tín luôn luôn thực hành lời dạy của Đức Phật, tinh tấn tu tập.

Đây là mười đức tính tốt đẹp của một người cư sĩ chân chánh trong Phật giáo, người cư sĩ có mười đức lành này đáng gọi là cận sự nam và cận sự nữ đệ tử Tam Bảo. — Kh.A.550.

II.4. BỐN ĐIỀU HẠNH PHÚC CỦA CƯ SĨ

Đức Phật đã thuyết cho trưởng giả Anāthapiṇḍika (Cấp-cô-độc) về bốn điều hạnh phúc của người tại gia.

  • 1- Hạnh phúc sở hữu (Atthisukha), là niềm an lạc do phát sanh tài sản hợp pháp, bằng sự nỗ lực siêng năng làm nghề nghiệp. Khi nghĩ đến sự sở hữu tài sản một cách chân chính như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
  • 2- Hạnh phúc hưởng thụ (Bhogasukha), là niềm an lạc do thọ hưởng tài sản của mình đã có, nuôi bản thân, nuôi gia đình và làm các công đức. Khi nghĩ đến sự thọ hưởng những tài sản tự tạo ra như vậy, người cư sĩ cảm thấy hạnh phúc.
  • 3- Hạnh phúc không nợ nần (Anaṇasukha), là niềm an lạc do không bị mắc nợ ai dù ít hay nhiều. Khi người cư sĩ trong gia đình biết sống tri túc, vừa với sự thu nhập, không để bị thiếu nợ; người ấy được thoải mái hạnh phúc, không có lo lắng hồi hộp.
  • 4- Hạnh phúc không lỗi lầm (Anavajjasukha), là niềm an lạc do không làm điều tội lỗi, thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội, phạm tội đối với luật nghiệp báo và đối với luật quốc độ. Khi người cư sĩ sống không vi phạm lỗi lầm như vậy, tâm tư an ổn, hạnh phúc, không bị đau khổ lo sợ.

Trong bốn điều hạnh phúc này, điều “Hạnh phúc không lỗi lầm” là điều hạnh phúc có giá trị cao nhất. — A.II.69

II.5. BỐN PHÁP TẠO LỢI ÍCH HIỆN TẠI

Đức Phật đã thuyết bốn pháp tạo lợi ích hiện tại này ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī, cho thiện nam tử Dīghajānu. Có bốn pháp đưa đến an lạc hiện tại cho người cư sĩ tại gia.

  • 1- Đầy đủ sự nỗ lực (Uṭṭhānasampadā) tức là có sự siêng năng tháo vát trong nghề nghiệp, không biếng nhác, biết phương pháp làm việc để đạt đến kết quả.
  • 2- Đầy đủ sự bảo quản (Ārakkhasampadā), tức là có khả năng bảo vệ gìn giữ tài sản đã thu hoạch, không để bị thất thoát hư hại do thiên tai hỏa hoạn trộm cướp …
  • 3- Có bạn lành (Kalyānamittatā), tức là giao du thân cận với những người hiền thiện đạo đức là những người giàu lòng tin, có giới hạnh, có bố thí và có trí tuệ.
  • 4- Cuộc sống thăng bằng (Samajīvitā), tức là biết sống chừng mực điều độ, vừa với sự thu nhập, không phung phí quá độ cũng không hà tiện bón rít. — A.IV.281

II.6. BỐN PHÁP ĐEM ĐẾN LỢI ÍCH TƯƠNG LAI

Bốn pháp lợi ích tương lai này cũng được Đức Phật thuyết cho thiện nam tử Dīghajānu, ở thị trấn Kakkarapatta xứ Vajjī.

  • 1- Đầy đủ niềm tin (Saddhāsampadā), là thành tựu chánh tín; có đức tin đối với Tam bảo, nhất là tin tưởng sự giác ngộ của Đức Như Lai.
  • 2- Đầy đủ giới hạnh (Sīlasampadā), là thành tựu giới đức; từ bỏ sát sanh, từ bỏ trộm cắp, từ bỏ tà dâm, từ bỏ nói dối, từ bỏ uống rượu và chất say.
  • 3- Đầy đủ bố thí (Cāgasampadā), là sống với tâm không bị cấu uế bởi xan tham, không bỏn xẻn, bố thí rộng rãi, thích chia sẻ khi được yêu cầu.
  • 4- Đầy đủ trí tuệ (Paññāsampadā), là có trí tuệ, thành tựu trạch pháp, thấy rõ sự sanh diệt của các pháp, để thể nhập chánh kiến. — A.IV. 284

II.7. BỐN ĐỨC HẠNH NGƯỜI TẠI GIA

Dạ xoa Ālavaka hỏi Đức Phật rằng, làm thế nào mà ra đi từ đời này đến đời khác con người không bị sầu muộn? Đức Phật đã dạy, người cư sĩ có bốn đức hạnh này nhất định không sầu muộn sau khi chết:

  • 1- Chân thật (Sacca), nghĩa là lời nói và việc làm đều đúng với sự thật, không giả dối, không hư ngụy.
  • 2- Tự chế (Dama), nghĩa là biết điều phục huấn luyện tâm, tự dạy tâm, tự cải tạo cho mình được tiến hóa.
  • 3- Kham nhẫn (Khanti), nghĩa là có sức chịu đựng nhẫn nại trước nghịch cảnh, kiên nhẫn với mọi khó khăn.
  • 4- Xả tài (Cāga), nghĩa là bố thí chia sẻ đến người khác, dứt bỏ lòng ích kỷ bỏn xẻn. — S.I.215; Sn.188

II.8. BỐN PHÁP THỊNH CỦA GIA ĐÌNH

Đức Phật thuyết cho các tỳ kheo, những gia đình nào có được tài sản, muốn được tồn tại lâu dài, đều do nhờ bốn sự kiện này hay một trong bốn sự kiện này. Bốn sự kiện hưng thịnh cho gia đình là:

  • 1- Biết tìm lại cái đã mất (Naṭṭhagavesanā), nghĩa là trong gia đình cái gì đã bị tiêu hao, đã bị mất mát, do đã ăn xài hoặc bị trộm cướp … thì người trong gia đình biết làm cho có lại những gì đã mất.
  • 2- Biết sửa chữa cái đã hư cũ (Jiṇṇapaṭisaṅkharaṇā), nghĩa là trong gia đình cái gì dùng xài đã lâu, nay đã cũ kỹ đã giảm chất lượng, như nhà cửa hoặc vật dụng … người trong gia đình biết tu bổ cải thiện cho mới lại.
  • 3- Biết độ lượng việc ăn uống (Parimitapānabhojanā), nghĩa là chi phí trong việc ăn uống, giải trí, phải có chừng mực, hợp lý, vừa với sự thu nhập của gia đình.
  • 4- Đặt người đức hạnh vào vai trò chủ đạo (Adhipaccasīlavantaṭhapanā), nghĩa là trong gia đình, những vị trí lãnh đạo như gia chủ, quản gia, nội trợ … phải do người có đạo đức giới hạnh đảm nhận.

Ngược lại, gia đình nào không có bốn sự kiện này, sẽ làm cho gia đình suy sụp, không hưng thịnh, không tồn tại lâu dài. — A.II.249

II.9. TÁM NGUỒN CÔNG ĐỨC SANH TRỜI NGƯỜI

Đức Phật đã thuyết cho các tỳ kheo nghe về tám nguồn công đức, nhân sanh cõi người và trời, được khả ái, khả ý, khả hỷ, an lạc, hạnh phúc. Tức là ba qui y và năm vô úy thí.

  • 1- Quy y Phật (Buddhaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về với Đức Thế Tôn bậc Ứng Cúng Chánh Biến Tri.
  • 2- Quy y Pháp (Dhammaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chánh pháp, giáo pháp được khéo thuyết bởi Đức Thế Tôn.
  • 3- Quy y Tăng (Saṅghaṃ saranaṃ gato hoti), tức là nương về chúng Tăng đệ tử xuất gia của Đức Thế Tôn.
  • 4- Vô úy thí từ bỏ sát sanh (Pāṇatipātā paṭivirato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sát hại mạng sống.
  • 5- Vô úy thí từ bỏ trộm cắp (Adinnādānā paṭivi-rato hoti abhayadānaṃ), nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự cướp đoạt vật chưa cho.
  • 6- Vô úy thí từ bỏ tà hạnh các dục (Kāmesu micchācārā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự tà dâm phi pháp.
  • 7- Vô úy thí từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ sự dối trá lừa gạt.
  • 8- Vô úy thí từ bỏ nghiện ngập rượu (Surāmerayamajjamapādaṭṭhānā paṭivirato hoti abhayadānaṃ) nghĩa là cho sự không sợ hãi đến chúng sanh bằng cách từ bỏ uống rượu, say sưa.

Người cư sĩ qui y Tam bảo là đem lại sự an vui cho mình; thọ trì ngũ giới là đem lại sự an vui cho chúng sanh, làm cho chúng sanh khác không sợ hãi, không oán thù, không bị tai hại, nên cũng gọi là vô úy thí (abhayaṃ deti). — A.IV.245

II.10. BỐN SỰ CHUNG SỐNG GIA ĐÌNH

Đức Phật đã thuyết pháp này cho các nam nữ gia chủ khi họ đến viếng thăm Ngài, lúc Ngài đang ở tại một tàn cây trên con đường giữa Madhurā và Verañjā. Đức Thế Tôn thuyết có bốn sự chung sống của nam nữ cư sĩ:

  • 1- Tiện nam chung sống với tiện nữ (Chavo chavāya saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam tính độc ác xấu xa sống chung với một người nữ tính ác độc xấu xa.
  • 2- Tiện nam chung sống với thiên nữ (Chavo deviyā saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam ác độc xấu xa sống với một người nữ tính hiền thiện đạo đức.
  • 3- Thiên nam chung sống với tiện nữ (Devo chavāya saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam hiền thiện đạo đức lại chung sống với một người nữ tính ác độc xấu xa.
  • 4- Thiên nam chung sống với thiên nữ (Devo deviyā saddhiṃ saṃvasati), nghĩa là một người nam tính hiền thiện đạo đức chung sống với một người nữ cũng có tính hiền thiện đạo đức.

Người tính hiền thiện đạo đức là người có giới hạnh, không bỏn xẻn và không hung tàn. Người tính ác độc xấu xa là người không giới hạnh, xan tham bỏn xẻn, và hung tàn. — A.II.57

II.11. BỐN NHÂN DUYÊN TẠO XỨNG ĐÔI VỢ CHỒNG

Đức Phật đã thuyết pháp thoại này cho vợ chồng của gia chủ, cha mẹ Nakulā. Khi Đức Thế Tôn ngụ tại khu rừng Bhesakalā ở Bhagga, vào buổi sáng Ngài đi khất thực đến trú xứ của hai người ấy. Cả hai người đã bày tỏ rằng họ rất thương yêu nhau và hài lòng về nhau, họ muốn gặp mặt nhau ở đời sau nữa. Đức Phật đã dạy rằng, nếu họ muốn gặp nhau từ đời này đến đời sau, yêu thương và hạnh phúc, cả hai người phải đồng tín, đồng giới, đồng thí và đồng trí tuệ, như vậy sẽ gặp nhau nữa. Bốn nhân duyên tạo xứng đôi vợ chồng là:

  • 1- Đồng có đức tin (Samasaddhā), nghĩa là cả hai người đều có chánh tín, tin tưởng Tam bảo, tin lý nghiệp báo.
  • 2- Đồng có giới hạnh (Samasīla), nghĩa là cả hai người đều giữ giới, không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu.
  • 3- Đồng có bố thí (Samacāgā), nghĩa là cả hai người đều có tâm rộng rãi, xả tài, thích phân phát tài sản đến người nghèo khó, biết cúng dường đến các sa môn.
  • 4- Đồng có trí tuệ (Samapaññā) nghĩa là cả hai người đều có trí hiểu biết chân chánh, có chánh kiến, thấy biết nhân quả, thấy biết bản chất cuộc đời, nhận thức được bốn sự thật khổ – tập – diệt – đạo. — A.II.61

II.12. NĂM NGHỀ BUÔN BÁN TRÁI ĐẠO CỦA CƯ SĨ

Đức Phật đã thuyết điều này cho các tỳ kheo nghe; một người cư sĩ không nên làm năm nghề buôn bán này:

  • 1- Buôn bán vũ khí (Satthavaṇijjā), nghĩa là buôn bán bất cứ vật gì gọi là khí giới, công cụ dùng để giết hại nhau như gươm đao, cung nỏ, súng đạn v.v…
  • 2- Buôn bán chúng sanh (Sattavaṇijjā), theo chú giải, giải thích điều gọi là buôn bán chúng sanh tức bán con người cho mua về làm nô lệ.
  • 3- Buôn bán thịt (Maṃsavaṇijjā), theo chú giải, điều gọi là buôn bán thịt là buôn bán thú vật cho người ta mua về nuôi hoặc ăn thịt, kể cả việc mua đi bán lại thịt thú được giết mổ.
  • 4- Buôn bán chất say (Majjavaṇijjā), nghĩa là buôn bán các chất làm cho say nghiện, như các loại rượu, cần sa á phiện …
  • 5- Buôn bán độc dược (Visavaṇijjā), tức là buôn bán chất độc, thứ dùng để đầu độc hại chúng sanh.

Người cư sĩ nuôi sống bằng một trong các nghề buôn bán này gọi là người sống tà mạng. — A. III. 208

III.13. MƯỜI BẤT THIỆN NGHIỆP ĐẠO

Khi Đức Thế Tôn trú ở Pāvā, trong vườn xoài của thợ rèn Cunda, ngài đã thuyết cho thợ rèn Cunda nghe về mười bất thiện nghiệp đạo là điều bất tịnh hạnh cho con người, là nghiệp dẫn đến ác thú, là đạo lộ khổ cảnh. Mười bất thiện nghiệp đạo ấy là:

  • 1- Sát sanh (Pāṇātipātā), là sự sát hại đả thương, cướp mạng sống của chúng sanh, không có lòng từ đối với các loài hữu tình.
  • 2- Trộm cắp (Adinnādānā), là sự lấy của không cho, đoạt tài sản của người khác dù không được người khác bằng lòng.
  • 3- Tà hạnh trong dục lạc (Kāmesu micchācāra) là tà dâm với các hạng nữ nhân còn sự bảo hộ hoặc đã có chồng.
  • Ba điều sát sanh, trộm cắp, tà hạnh này là thân bất tịnh hạnh, thân ác nghiệp.
  • 4- Nói dối (Musāvāda), là nói không đúng sự thật, có nói không, không nói có, dù nói với bất cứ mục đích gì hễ nói láo đều là miệng nói dối.
  • 5- Nói ly gián (Pisuṇāvācā), là nói chia rẽ, nói đâm thọc với người này chuyện người kia, với người kia chuyện nguời này để hai người ấy bất hòa nhau.
  • 6- Nói độc ác (Pharusavācā), là nói lời thô bạo, thô tục, khiến người nghe đau khổ bực tức.
  • 7- Nói phù phiếm (Samphappalāpa), là nói lời phi chơn, phi thời, phi pháp, phi luật, nhảm nhí, vô ích.
  • Bốn điều: nói dối, nói ly gián, nói độc ác, nói phù phiếm này là khẩu bất tịnh hạnh, khẩu ác nghiệp.
  • 8- Tham lam (Abhijjhā), là tham muốn tài sản của kẻ khác, mong đoạt tài sản người khác về cho mình.
  • 9- Sân hận (Byāpāda), là tâm phẫn nộ, khởi lên hại ý, hại niệm, muốn cho chúng sanh khác bị chết, bị tiêu diệt.
  • 10- Tà kiến (Micchādiṭṭhi), là có tri kiến sai lầm, tư tưởng điên đảo cho rằng không có đời này, không có đời sau, không có quả báo của thiện ác, không có ân đức mẹ cha, không có thành tựu của đời sống phạm hạnh.

Ba điều: tham lam, sân hận, và tà kiến này là ý bất tịnh hạnh, ý ác nghiệp. — A.V.263

II.14. MƯỜI THIỆN NGHIỆP ĐẠO

Điều này cũng được Đức Thế Tôn thuyết cho thợ rèn Cunda nghe tiếp theo bài giảng về mười bất thiện nghiệp đạo.

“Này Cunda, có mười thiện nghiệp đạo này là tịnh hạnh về thân có ba, tịnh hạnh về khẩu có bốn, tịnh hạnh về ý có ba. Ai thành tựu với mười thiện nghiệp đạo này sẽ mở con đường dẫn đến thiên giới, nhân giới, hoặc bất cứ thiện thú nào khác”.

Mười thiện nghiệp đạo ấy là:

  • 1- Từ bỏ sát sanh (Pāṇātipātā paṭivirato hoti), tức là tránh giết hại chúng sanh, sống bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ thương xót đến các loài hữu tình.
  • 2- Từ bỏ trộm cắp (Adinnādānā paṭivirato hoti), tức là không lấy bất cứ vật gì của người khác với ý niệm cướp đoạt.
  • 3- Từ bỏ tà hạnh trong các dục (Kāmesu micchācārā paṭivirato hoti), tức là không tà dâm, không quan hệ tình dục bất chính với nữ nhân đã có chồng hoặc còn sự bảo hộ.

Ba điều này gọi là thân tịnh hạnh, thân thiện nghiệp.

  • 4- Từ bỏ nói dối (Musāvādā paṭivirato hoti), tức là không nói sai sự thật, có nói có, không nói không, chẳng nói dối vì bất cứ nguyên nhân gì.
  • 5- Từ bỏ nói ly gián (Pisuṇāya vācāya paṭivirato hoti), tức là không nói đâm thọc, không chia rẽ, không phá vỡ sự hòa hợp, không nghe chỗ này nói lại chỗ kia, không nghe chỗ kia nói lại chỗ này để ly gián hai bên; vui hòa hợp.
  • 6- Từ bỏ nói độc ác (Pharusāya vācāya paṭivirato hoti), tức là không nói lời thô bạo ác độc khiến người nghe bực tức đau khổ, chỉ nói lời ngọt ngào tao nhã.
  • 7- Từ bỏ nói phù phiếm (Samphappalāpā paṭivirato hoti), không nói lời vô ích, phi lý, phi chân; chỉ nói lời có ý nghĩa, có lợi ích, nói lời nói đáng để nghe.

Bốn điều này gọi là khẩu tịnh hạnh, khẩu tịnh nghiệp.

  • 8- Không tham lam (Anabhijjhālu hoti), không thèm muốn tài sản của người khác, không thích sang đoạt tài sản của người.
  • 9- Không có sân tâm (Abyāpamacitto hoti), không khởi lên hại ý, hại niệm, luôn có tư tưởng mong cho chúng sanh này được an lạc, không thù hận, không oan trái.
  • 10- Có chánh kiến (Sammādiṭṭhiko hoti), không có tư tưởng điên đảo, không có tri kiến sai lầm, hiểu thấy đúng, tin có đời này đời sau, có sự tái sanh, có quả báu của thiện ác, có ân đức cha mẹ, có sự thành tựu của phạm hạnh.

Ba điều này là ý tịnh hạnh, ý thiện nghiệp. — A.V.266

II.15. MƯỜI PHƯỚC NGHIỆP SỰ THẬP HẠNH PHÚC

Đức Phật đã giảng về phước nghiệp sự (Puññakiriyavatthu), lã những cơ sở để tạo phước vật, phước đức và phước trí nhưng Ngài chỉ dạy căn bản có ba điều là cơ sở bố thí (dānamaya), cơ sở trì giới (sīlamaya) và cơ sở tu tiến (bhāvanāya) – D.III.218; A.IV.239; It.51.

Trong các bộ chú giải đã giải thích rộng thành mười điều tạo phước, thập hạnh phúc, đó là:

  • 1- Bố thí (Dānamagga), là tạo phước bằng cách bố thí xả tài.
  • 2- Trì giới (Sīlamaya), là tạo phước, bằng cách giữ giới, thọ trì những giới cấm.
  • 3- Tu tiến (Bhāvanāmaya), là tạo phước bằng cách tu tập thiền định, chỉ và quán.
  • 4- Cung kính (Apacāyanamaya), là tạo phước bằng cách kính lễ bậc trưởng thượng.
  • 5- Phục vụ (Veyyāvaccamaya), là tạo phước bằng cách làm lợi ích cho người khác với công sức của mình.
  • 6- Hồi hướng (Pattidānamaya), là tạo phước bằng cách hướng nguyện công đức đã làm, để tạo điều kiện cho người khác sanh tâm thiện.
  • 7- Tùy hỷ (Pattānumodanāmaya), là tạo phước bằng cách vui thích theo công đức của người khác đã làm.
  • 8- Thính pháp (Dhammassavanamaya), là tạo phước bằng cách nghe pháp của Đức Phật thuyết, hay các đệ tử của Ngài thuyết, thậm chí là nghe những bậc thiện trí dạy bảo.
  • 9- Thuyết pháp (Dhammadesanāmaya), là tạo phước bằng cách nói pháp chân chánh cho người khác nghe, thậm chí chỉ là bàn luận Phật pháp, hoặc nói những lời hay lẽ phải.
  • 10- Cải chánh kiến thức (Diṭṭhujukamma), là tạo phước bằng cách trau dồi kiến thức, làm cho tri kiến được ngay thẳng, chánh kiến.

Trong mười điều tạo phước ấy, điều bố thí, hồi hướng và tùy hỷ là chung một nhóm pháp tạo phước vật; điều trì giới, cung kính và phục vụ là chung một nhóm pháp tạo phưóc đức; điều tu tiến, thính pháp và thuyết pháp là chung một nhóm pháp tạo phước trí; riêng về điều cải chánh kiến thức là pháp hỗ trợ chín pháp kia và tạo được ba loại phước. — D.A. III.999; Comp. 146

II.16. BẢY PHÁP BẤT THỐI CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Đức Phật đã thuyết pháp này cho các tỳ kheo nghe:

“Này các tỳ kheo, có bảy pháp này khiến người cư sĩ không thối đọa (Aparihāniya)”. Bảy pháp ấy là:

  • 1- Không quên thăm viếng các tỳ kheo (Bhikkhudassanaṃ na hāpeti).
  • 2- Không dể duôi việc nghe diệu pháp (Saddhammassavanaṃ nappamajjati).
  • 3- Tu tập Tăng thượng giới (Adhisīle sikkhati), là giữ giới luật cư sĩ chính chắn.
  • 4- Giàu niềm tin đối với các tỳ kheo trưởng lão, tỳ kheo trung niên, tỳ kheo tân nhập (Pasādabahulo hoti bhikkhūsu theresu ceva navesu ca majjhimesu ca).
  • 5- Không có tâm vấn nạn, không tìm khuyết điểm khi nghe pháp (Anupārambhacitto dhammaṃ suṇāti na randhagavesī).
  • 6- Không tìm người đáng cúng dường ngoài Tăng chúng (Na ito bahiddhā dakkhiṇeyyaṃ gavesati).
  • 7- Ưu tiên cho Tăng chúng (Idha ca pubbakāraṃ karoti), nghĩa là bố thí cúng dường cho các tỳ kheo trước, sau mới bố thí cho các ngoại đạo nếu cần giúp đỡ (Ā. Sattanipāta). — A. IV.25, 26

II.17. BẢY PHÁP SUY THOÁI CỦA NGƯỜI CƯ SĨ

Cũng trong bài pháp nói về những điều bất thoái của cư sĩ, Đức Phật đã thuyết bảy sự kiện suy thoái của người cư sĩ.

“Này chư tỳ kheo, có bảy pháp này đưa đến suy thoái cho người cư sĩ …

Bảy pháp ấy là:

  • 1- Lãng quên việc thăm viếng các tỳ kheo (Bhik-khudassanaṃ hāpeti). Vì thế không được nhắc nhở sách tấn để làm Tăng trưởng đạo tâm, do đó cư sĩ bị suy thoái tu tập.
  • 2- Dể duôi việc nghe diệu pháp (Saddhammas-savanaṃ pamajjati). Vì ít nghe hoặc không thích nghe các tỳ kheo thuyết pháp nên không có chánh kiến, do đó cư sĩ bị suy thoái tu tập.
  • 3- Không tu tập thượng giới (Adhisīle na sikkhati), nghĩa là không tu tập giữ giới như ngũ giới, bát quan trai giới … để ngăn ngừa ác bất thiện. Do đó, thiện pháp bị suy thoái.
  • 4- Thiếu niềm tin đối với chư tỳ kheo trưởng lão, trung niên, và tân nhập (Appasādabahulo hoti bhik-khūsu theresu ceva navesu ca majjhimesu ca), vì thiếu niềm tin ở Tăng chúng nên người cư sĩ không hoan hỷ cúng dường tạo phước báu, do đó sự tu tập bị suy thoái.
  • 5- Nghe pháp có tâm vấn nạn, tìm kiếm khuyết điểm (Upārambhacitto dhammaṃ suṇāti randhagavesī). Người cư sĩ nghe pháp không với thiện chí học pháp, mà lại muốn tìm khuyết điểm của giáo pháp để công kích. Điều đó làm cho trí tuệ bị suy thoái.
  • 6- Tìm người xứng đáng cúng dường ngoài Tăng chúng (Itobahiddhā dakkhineyyaṃ gavesati), là xem tu sĩ ngoại giáo ngang bằng với Tăng chúng, xem Tăng chúng ngang bằng với tu sĩ ngoại giáo. Điều đó làm cho lập trường qui y bị suy thoái.
  • 7- Ưu tiên cho ngoại giáo (Tattha ca pubbakāraṃ karoti), là bố thí giúp đỡ cho các tu sĩ ngoại đạo trước, rồi sau mới bố thí giúp đỡ Tăng chúng đệ tử Phật. Điều đó làm cho niềm tin bị suy thoái.” — A. IV.25, 26

II.18. TÁM LỖI LẦM CỦA CƯ SĨ KHIẾN TĂNG CHÚNG ÚP BÁT, KHÔNG NHẬN SỰ CÚNG DƯỜNG

Đức Phật dạy rằng:

“Này chư tỳ kheo, với người cư sĩ có một trong tám lỗi này, Tăng chúng có thể úp bát đối với người ấy, nếu muốn”.

  • 1- Cố tình làm cho chư tỳ kheo mất lợi lộc (Bhikkhūnaṃ alābhāya parisakkati), như là ngăn chặn người khác cúng dường các tỳ kheo v.v…
  • 2- Cố tình gây bất lợi cho chư tỳ kheo (Bhik-khūnaṃ anatthāya parisakkati), như là làm cho các tỳ kheo bị xáo trộn, lo sợ mà không tu tập được.
  • 3- Cố tình làm cho chư tỳ kheo không chỗ ở (Bhikkhūnaṃ anāvāsāya parisakkati), như là đập phá tịnh thất của chư tỳ kheo, hoặc đuổi các tỳ kheo đi khỏi chùa mà họ có quyền hạn.
  • 4- Mắng chửi nhiếc móc các tỳ kheo (Bhikkhū akkosati paribhāsati), như nói với tỳ kheo bằng lời khiếm nhã do sân tâm.
  • 5- Chia rẽ tỳ kheo với tỳ kheo (Bhikkhū Bhikkhūhi vibhedeti), như là nói ly gián giữa các tỳ kheo, tạo sự bất hòa giữa các tỳ kheo, làm cho các tỳ kheo không hòa hợp.
  • 6- Phỉ báng Phật (Buddhassa avaṇṇaṃ bhāsati), như là nói lời phạm thượng, nói xuyên tạc, nói lời bất kính với Đức Phật.
  • 7- Phỉ báng pháp (Dhammassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói lời công kích, xuyên tạc, bất kính với giáo pháp.
  • 8- Phỉ báng Tăng (Saṅghassa avaṇṇaṃ bhāsati), nói mạ lỵ, xuyên tạc, bất kính đối với Tăng chúng. — A.IV.344

II.19. CHÍN KHUYẾT ĐIỂM CỦA CƯ SĨ KHIẾN TĂNG KHÔNG ĐẾN NHÀ

Đức vua Pasenadi xứ Kosala thỉnh mời 500 vị tỳ kheo đến hoàng cung để nhà vua cúng dường trong bảy ngày. Vài ngày đầu đức vua sốt sắng đón tiếp chư Tăng nhưng các ngày sau thì vua lãng quên phận sự, các cận thần của vua cũng không quan tâm. Chư tỳ kheo nhận thấy tình trạng đó nên đã không đến hoàng cung nữa, chỉ có mỗi một mình tôn giả Ānanda là kiên nhẫn hiện diện đến ngày cuối. Khi vua Pase-nadi chợt nhớ đến phận sự cúng dường chư tăng, nhà vua thân giá đến cung tiếp tân thì chỉ thấy có một vị là tôn giả Ānanda, nhà vua bực tức nghĩ rằng các tỳ kheo không vị nể ta. Hôm sau, vua đi đến Đức Phật và than phiền về việc ấy. Đức Phật đã nói rõ cho nhà vua biết đó không phải là lỗi của các đệ tử Ngài, chỉ vì thái độ đối xử tắc trách của vua nên chư tỳ kheo vì lòng tự trọng mà không đến nữa.

Sau đó Đức Phật đã nêu rõ cho vua Pasenadi biết, có chín khuyết điểm của người cư sĩ mà nếu muốn, các tỳ kheo không cần phải đến nhà:

1- Không đón tiếp vui vẻ (Na manāpena paccuṭṭhenti).
2- Không đảnh lễ vui vẻ (Na manāpena abhivā denti).
3- Không vui vẻ mời ngồi (Na manāpena āsanaṃ denti).
4- Có của cải thì giấu giếm (Santamassa parigūhanti).
5- Có nhiều cho ít (Bahukamhi thokaṃ denti).
6- Có ngon cho dở (Paṇītamhi lukhaṃ denti).
7- Cho với cách bất kính (Asakkaccaṃ denti).
8- Không ngồi lại để nghe pháp (Na upanisīdanti dhammassavanāya).
9- Không hoan hỷ tiếp chuyện (Bhāsitamassa na ramissanti). — A. IV.387

II.20. SÁU CỬA SUY VONG CHO NGƯỜI CƯ SĨ, SÁU NGÕ ĐI DẪN ĐẾN THIỆT TÀI SẢN VÀ BỊ KHỔ LỤY

Đức Phật đã thuyết điều này cho gia chủ tử Siṅgālaka nghe. Gia chủ tử Siṅgālaka là người theo hạnh lễ bái lục phương theo truyền thống của cha. Khi gặp Đức Phật, gia chủ tử này đã yêu cầu Đức Phật giảng cho nghe hình thức lễ bái lục phương theo pháp bậc thánh.

Trước hết, Đức Phật giảng về sáu cửa suy vong mà người cư sĩ phải tránh:

  • 1- Say sưa rượu chè (Surāmerayamajjapamā daṭṭhānānuyogo), người sống say sưa có sáu điều nguy là tài sản bị tiêu hao, gây ra sự tranh cãi, phát sanh nhiều bệnh tật, tự đánh mất danh dự, thân lõa lồ trâng tráo, làm suy giảm trí tuệ.
  • 2- Du hành đường phố phi thời (Vikālavisikhā cariyānuyogo), người đi chơi đêm có sáu điều nguy là không giữ được mình, không giữ được vợ con, không giữ được tài sản, dễ bị tình nghi, thành nạn nhân tin đồn, chuốc lấy ưu phiền.
  • 3- La cà chỗ hí trường (Samajjhābhicaraṇaṃ), người thường lui tới chỗ vui chơi có năm điều nguy là công việc bị đình trệ, thối thất sự siêng năng, lãng phí nhiều thời gian, làm tốn hao tiền bạc, bận tâm tìm nhạc hội.
  • 4- Đam mê cờ bạc (Jūtappamādaṭṭhānānuyogo), người cờ bạc có sáu điều nguy là thắng sinh ra thù oán, thua lỗ bị khổ đau, tài sản bị tổn thất, lời nói không hiệu lực, bạn bằng hữu khinh rẻ, không ai dám cưới gả.
  • 5- Giao du ác hữu (Pāpamittānuyogo), người chơi với bạn xấu có sáu điều nguy là ảnh hưởng thói cờ bạc, ảnh hưởng thói đàng điếm, ảnh hưởng thói rượu chè, ảnh hưởng thói gian xảo, ảnh hưởng thói lường gạt, ảnh hưởng thói côn đồ.
  • 6- Sống biếng nhác (Àlassànuyogo), người có tật lười biếng sẽ thối thác, không làm việc, viện lý do lạnh quá, nóng quá, sớm quá, trễ quá, đói quá, no quá. Do vậy, người ấy không thu hoạch được tài sản chưa có, sẽ cạn kiệt tài sản đã có. — D. III.182.184.

II.21. BỐN HẠNG NGỤY BẰNG HỮU, HẠNG BẠN GIẢ DỐI, KHÔNG PHẢI BẠN TỐT

Điều này cũng được Đức Phật thuyết cho gia chủ tử Siṅgālaka:

  • 1- Bạn vụ lợi (Aññadatthuhara), là người có tính tham lam: gặp gì cũng muốn lấy, cho ít đòi hỏi nhiều, vì sợ mới làm theo, giao du vì mưu lợi.
  • 2- Bạn khẩu biện (Vacīparama), là người chỉ biết nói giỏi: tỏ thân tình việc đã qua, tỏ thân tình việc chưa đến, mua chuộc tình cảm bằng lời ngọt, khi bạn hữu sự thì tỏ ra bất lực.
  • 3- Bạn dua nịnh (Anuppiyabhāṇī), là người nịnh bợ ton hót: đồng tình việc làm xấu, bất đồng việc làm tốt, ca tụng ở trước mặt, xuyên tạc phía sau lưng.
  • 4- Bạn trụy lạc (Apāyasahāya), là người tính hư hỏng: say sưa rượu chè, du hành chơi đêm, hoang dâm đàng điếm, đam mê cờ bạc. — D.III.185.

II.22. BỐN HẠNG CHÂN BẰNG HỮU (SUHADAMITTA), HẠNG BẠN CHÂN TÌNH, HẠNG BẠN TỐT

Điều này cũng được Đức Phật thuyết cho gia chủ tử Siṅgālaka:

  • 1- Bạn tán trợ (Upakārakamitta), là người bạn giúp đỡ nhau: bảo vệ nhau khi bất cẩn; giữ tài sản của bạn sơ suất, làm chỗ nương tựa khi có sợ hãi, nhiệt tình giúp đỡ khi bạn bè hữu sự.
  • 2- Bạn đồng cam cộng khổ (Samānasukhadukkhamitta), là người chung vui chung khổ: tỏ chuyện thầm kín của mình, giữ kín chuyện bí mật của bạn bè, không bỏ nhau khi gặp hoạn nạn, dám hy sinh vì bạn.
  • 3- Bạn khuyến lợi (Atthakkhāyīmitta), là người bạn khuyên nhắc lợi ích: can ngăn điều ác, khuyến khích điều thiện, nói cho nghe pháp chưa từng nghe, chỉ bày cho biết con đường thiên giới.
  • 4- Bạn thân tình (Anukampakamittta), là người bạn chí cốt tình nghĩa: không vui khi bạn bè gặp nạn, vui mừng khi bạn bè gặp may, phản đối người nói xấu bạn, khích lệ người khen tụng bạn. — D. III. 187.

II.23. CÁC BỔN PHẬN GIỮA CHA MẸ VÀ CON CÁI

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa cha mẹ và con cái, ám chỉ sự lễ bái hướng Đông (Puratthimā disā).

Năm bổn phận của cha mẹ đối với con:

  • 1- Ngăn cản làm ác (Pāpā nivārenti)
  • 2- Khuyến khích con làm lành (Kalyāne nivesenti)
  • 3- Cho con học nghề nghiệp (Sippaṃ sikkhāpenti)
  • 4- Dựng vợ gả chồng xứng đáng cho con (Paṭirūpena dārena saṃyojenti)
  • 5- Đúng thời giao gia tài cho con (Samaye dāyajjaṃ niyyādenti)

Năm bổn phận của con đối với cha mẹ:

  • 1- Nuôi dưỡng cha mẹ (Nesaṃ bharaṇaṃ)
  • 2- Làm việc của cha mẹ (Nesaṃ kicca karaṇaṃ)
  • 3- Giữ truyền thống gia đình (Kulavaṃsaṭhapanaṃ)
  • 4- Sống xứng đáng hưởng thừa tự (Dāyajjapaṭipajjana)
  • 5- Khi cha mẹ chết, làm phước hồi hướng (Dakkhiṇānuppadānaṃ). — D. III.189

II.24. CÁC BỔN PHẬN GIỮA THẦY VÀ TRÒ

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa thầy và trò, ám chỉ sự lễ bái hướng Nam (dakkhiṇā disā).

Năm bổn phận của thầy đối với học trò:

  • 1- Huấn luyện với sự khéo huấn luyện (Suvinītaṃ vinenti)
  • 2- Dạy dỗ cho tiếp thu tốt (Suggahitaṃ gāhāpenti)
  • 3- Truyền hết mọi học nghệ (Sabbasippasutaṃ samakkhāgino bhavanti)
  • 4- Khen học trò trước các bạn đồng liêu (Mittāmaccesu paṭivedenti)
  • 5- Bảo bọc trong mọi mặt (Disāsu parittānaṃ karonti)

Năm bổn phận của học trò đối với thầy:

  • 1- Đứng lên tiếp đón (Uṭṭhānena)
  • 2- Hầu hạ kính cẩn (Upaṭṭhānena)
  • 3- Ngoan ngoãn vâng lời (Sussusāya)
  • 4- Tự thân phục dịch (Pāricariyāya)
  • 5- Nghiêm túc học tập (Sakkaccaṃ sippuggahaṇena). — D. III.189

II.25. CÁC BỔN PHẬN GIỮA VỢ CHỒNG

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa vợ chồng, ám chỉ sự lễ bái hướng Tây (Pacchimā disā).

Năm bổn phận của người chồng đối với vợ:

  • 1- Tôn trọng người vợ (Sammānanāya)
  • 2- Không đối xử kỳ thị (Avimānanāya)
  • 3- Không ngoại tình (Anaticariyāya)
  • 4- Giao quyền nội trợ (Issariyavossaggena)
  • 5- Tặng đồ trang sức (Alaṅkārānuppadānena).

Năm bổn phận của người vợ đối với chồng:

  • 1- Sắp đặt việc nhà vén khéo (Susaṃvihitakammantā)
  • 2- Đối xử tốt với bà con hai họ (Susaṅgahitaparijanā)
  • 3- Không ngoại tình (Anaticārinī)
  • 4- Gìn giữ tài sản của chồng (Sambhataṃ anurakkhati)
  • 5- Khéo léo siêng năng trong mọi việc (Dakkhā ca analasā sabbakiccesu). — D.III.190

II.26. CÁC BỔN PHẬN GIỮA BẠN BÈ CHỦ KHÁCH:

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka, bổn phận giữa bạn bè chủ khách, ám chỉ sự lễ bái hướng Bắc (Uttarā disā):

Năm bổn phận của chủ gia đối với bạn bè

  • 1- Biếu tặng quà cáp (Dānena)
  • 2- Nói lời nhã nhặn (Piyavajjena)
  • 3- Làm lợi ích đến bạn (Atthacariyāya)
  • 4- Đối xử bình đẳng (Samānattatāya)
  • 5- Không lừa gạt bạn bè (Avisaṃvādanatāya)

Năm bổn phận của người bạn đối với chủ gia

  • 1- Bảo vệ lúc chủ gia sơ suất (Pamattaṃ rakkhanti).
  • 2- Giữ gìn tài sản cho gia chủ lúc dể duôi (Pamattassa sāpateyyaṃ rakkhanti).
  • 3- Là chỗ nương cho chủ gia khi sợ hãi (Bhītassasaranaṃ honti).
  • 4- Lúc hoạn nạn không bỏ nhau (Āpadāsu na vijahanti)
  • 5- Tôn trọng thân quyến của chủ gia (Aparapajaṃ ca pi’ssa paṭipūjenti). — D. III.190

II.27. CÁC BỔN PHẬN GIỮA NGƯỜI CHỦ VÀ NGƯỜI LÀM

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa người chủ và người làm, ám chỉ sự lễ bái phương dưới (heṭṭhimā disā).

Trong xã hội thời nào cũng có trường hợp người chủ quản lý người làm, thời phong kiến thì có hạng nô bộc làm việc cho nhà quí tộc, thời bây giờ thì có hạng làm công cho một ông chủ hoặc giúp việc cho một gia đình. Dù ở hình thức nào chăng nữa thì cũng là vị trí lãnh đạo và vị trí thuộc cấp. Ở đây Đức Phật dạy về cách đối xử giữa người lãnh đạo và thuộc cấp, có thể áp dụng trong mọi thời kỳ.

Năm điều cư xử của chủ nhân đối với người giúp việc:

  • 1- Giao phó công việc vừa theo sức (Yathābalaṃ kammantasaṃvidhānena)
  • 2- Ban phát vật thực và tiền công (Bhattavettanānuppadānena)
  • 3- Săn sóc lúc họ bệnh (Gilānupaṭṭhānena)
  • 4- Chia sẻ món ngon vật lạ (Acchariyānaṃ rasānaṃ saṃvibhāgena)
  • 5- Cho thời gian nghỉ ngơi (Samaye vossaggena), dịp ngày lễ, hoặc họ hữu sự.

Năm điều cư xử của người giúp việc đối với chủ nhân:

  • 1- Thức dậy trước chủ (Pubbuṭṭhāyino). Nếu giúp việc trong nhà thì nên thức dậy trước người chủ, nếu là người làm công tại cơ sở thì nên đi đến sở làm trước ông chủ.
  • 2- Nghỉ ngơi sau chủ (Pacchānipātino). Nếu giúp việc trong nhà thì đến tối luôn luôn đi ngủ sau người chủ, nếu làm công tại cơ sở thì nên tận tụy, lúc nào cũng ra về trễ hơn ông chủ.
  • 3- Chỉ lấy vật chi được chủ cho (Dinnadāyino), là không lấy trộm tài sản của chủ.
  • 4- Làm việc kỹ lưỡng khéo léo (Sukatakammakārakā).
  • 5- Đem tiếng thơm cho chủ (Kittavaṇṇaharā), luôn nói tốt chủ mình với mọi người, và biểu hiện là người tốt để người khác khen chủ mình. — D. III.191

II.28. CÁC BỔN PHẬN GIỮA CƯ SĨ VÀ SA MÔN

Điều này cũng được Đức Phật dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka. Bổn phận giữa cư sĩ và sa môn, ám chỉ sự lễ bái hướng trên (Uparimā disā).

Ở đây, người cư sĩ là người sống tại gia, sa môn là vị xuất gia tu hành. Người cư sĩ cho dù không có tín ngưỡng đạo giáo nhưng để thể hiện là người hiền lương đạo đức, cũng nên có cung cách đối xử lịch sự tối thiểu đối với các vị tu hành. Vì vậy, Đức Phật đã dạy cho gia chủ tử Siṅgālaka những điều này.

Năm cách của người cư sĩ đối với vị sa-môn, bà- la-môn:

  • 1- Có hành vi cư xử thiện của từ tâm (Mettena kāyakammena), không ác cảm đánh đập, làm hại các vị tu hành.
  • 2- Có lời nói cư xử thiện cảm (Mettena vacīkammena), không ác cảm mắng chửi, công kích các vị tu hành.
  • 3- Có ý nghỉ thiện cảm (Mettena manokammena), không có tư tưởng ác cảm đối với các vị tu hành.
  • 4- Không khép cửa nhà (Anāvaṭadvāratāya), nghĩa là sẵn lòng đón tiếp khi các vị tu hành ghé lại.
  • 5- Hiến cúng tài vật (Ānisānuppadānena), tức là giúp đỡ tặng nhu cầu vật chất đến các vị tu hành bằng hảo tâm.

Sáu cách của vị sa môn đối xử lại với người cư sĩ, khi được người cư sĩ ấy hảo tâm cư xử:

  • 1- Khuyên ngăn điều ác (Papā nivārenti)
  • 2- Hướng dẫn điều thiện (Kalyāne nivesenti)
  • 3- Có tâm lành thương tưởng (Kalyāṇamanasā anukampanti)
  • 4- Nói cho nghe pháp chưa từng nghe (Assutaṃ sāventi)
  • 5- Minh giải điều họ đã nghe (Sutaṃ pariyodapenti)
  • 6- Trình bày con đường thiên giới (Saggassa maggaṃ ācikkhanti). — D. III.191

— DỨT CHƯƠNG II —

Add Comment