Hòa thượng Pháp Minh
(1918 – 1993)
Hòa thượng Pháp Minh, pháp danh Vijjàdhamma Mahàthera, thế danh là Nguyễn Văn Long, sanh ngày 15 tháng 3 năm Mậu Ngọ – 1918, tại làng Phước Hải, huyện Long Ðất, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thân phụ là cụ ông Nguyễn Văn Tài, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Minh. Song thân Ngài đều là người hiền lành, đức độ và thuần kính Tam bảo.
Ngài xuất thân trong một gia đình trí thức yêu nước, có đạo đức truyền thống lâu đời. Ngay từ thuở nhỏ, Ngài đã chú trọng việc học, nhất là các môn ngoại ngữ, nên Ngài đã nhanh chóng thi đậu Diplôme (Diplôme d’ Etudes primaires supérieures – Cao đẳng Tiểu học).
Cuộc sống trôi nhanh, cái sở học thế gian không thỏa mãn được một người có đầu óc hướng thượng, Ngài đã tìm đến giáo lý Phật đà, một ý thức hệ thực tiễn, hoàn thiện – một sự giải thoát tâm linh vi diệu, đó là nhân duyên ban đầu đến với Phật pháp của Ngài, hạt giống thiện được Ngài gieo trồng, chắt chiu từng ngày từng tháng, chỉ chờ có thuận duyên là đâm chồi, nảy nhánh… Ngày 7 tháng 2 năm 1965 (nhằm ngày 6 tháng Giêng, Ất Tỵ), Ngài được Hòa thượng Bửu Chơn, thọ ký làm Sa di tại chùa Phổ Minh, Gò Vấp, Gia Ðịnh. Lúc này Ngài được 47 tuổi đời.
Ý niệm “Vô thường là việc lớn” đã thúc giục Ngài vững chí, tiến bước nhanh trên con đường giải thoát. Chỉ ba năm sau, Ngài được đăng đàn thọ giới Tỳ kheo nơi Hòa thượng Giới Nghiêm làm Thầy tế độ, tại chùa Pháp Bảo, Mỹ Tho.
Từ xuất gia cho đến ngày thọ Ðại giới, Ngài đã lần lượt tham phương, học đạo ở khắp nơi. Từ những vùng lân cận như chùa Phổ Minh, chùa Phước Hải – Vũng Tàu; Tịnh xá Ngọc Phương, Thủ Dầu Một đến những nơi xa xôi như Tịnh xá An Lạc (Bắc Mỹ Thuận), Tổ đình Bửu Quang (Gò Dưa); chỗ nào Ngài cũng lưu lại hình bóng tôn nghiêm của một sứ giả Như Lai tự độ, độ tha.
Cuối năm 1969, sau khi du hóa mọi nơi, Ngài tạm dừng chân ở Tổ đình Bửu Quang, Gò Dưa để tiếp tục sự nghiệp tu hành.
Tháng 12 năm 1974, Ban quản trị thắng tích Thích Ca Phật Ðài ở Vũng Tàu thỉnh Ngài về tham gia công việc quản lý trụ xứ và hoằng dương chánh pháp. Ngài ở lại đây tu học được một năm và lại tiếp tục vân du khắp nẻo.
Năm 1975 – 1976, Ngài đi lần đến vùng Tô Châu ở Hà Tiên, Rạch Giá để hành đạo theo hạnh Ðầu Ðà. Sau đó trở lại Tổ đình Bửu Quang, Gò Dưa, Ngài lập cốc Bình Thủy để an cư thiền định và dịch kinh, viết sách. Vốn có sở học thế gian, lại thông thạo nhiều ngoại ngữ như: Anh, Pháp, Thái Lan, Khmer, Pàli… cộng thêm có trí tuệ thông minh hơn người, nên Ngài miệt mài soạn dịch rất nhiều kinh sách như các bộ:
– Chú giải Kinh Pháp Cú
– Cậu Kim Hòa
– Ðại đức Hộ Mù
– Tỳ kheo Korambì…
và trước tác rất nhiều tác phẩm mà hiện nay còn là bản thảo như:
1- Sổ Tức Quán thực tập
2- Cổng vào Niết bàn
3- Lâm Tuyền pháp
4- Chiến sĩ thượng thặng
5- Ba cách làm phước
6- Siêu pháp tiết chế tình dục
7- Việc tập tâm
8- Bốn Oai nghi
9- Hạnh nguyện Bồ Tát
10- Thiền Luận
11- Tùy bút Pháp hành
12- Kệ tụng Pàli
Ngoài ra, Ngài còn am hiểu nhiều về một số lĩnh vực khoa học, nghệ thuật cho nên tín đồ Phật tử càng ngày càng quy tụ đông, đa phần đều là những người trí thức. Ðối với bản thân, Ngài kiên trì tu hạnh Ðầu đà khất thực, hạnh không nằm và xiển dương pháp “Thiền quán” cho các đồ chúng noi theo.
Thế nhưng, “thế gian vô thường, sanh tử hữu hạn”, vào lúc 9 giờ sáng ngày mồng 5 tháng Giêng năm Quý Dậu (1993), Ngài ngồi kiết già, an nhiên thị tịch, trụ thế 75 tuổi đời, hưởng 28 tuổi đạo.
Hòa thượng Pháp Minh, tuy đến với Phật pháp không sớm như các vị tôn túc khác, nhưng thành quả đạt đạo, và sự nghiệp truyền bá chánh pháp thật đáng trân trọng – đức hạnh Ðầu đà tinh nghiêm cho đến ngày viên tịch, và những di sản trí tuệ kinh sách, đã góp phần khơi nguồn làm cho đạo pháp sáng soi khắp nẽo, khắc đậm dấu ấn trong lòng Tăng tín đồ Phật tử Hệ phái Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam.
-ooOoo-