Primary Menu

Kinh Tiểu Bộ – Thánh Nhân Ký Sự | Apadānapāḷi

Đại tạng kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya
—o0o—

Thánh Nhân Ký Sự | Apadānapāḷi

Người Dịch: Tỳ khưu Indacanda

MỜI QUÝ VỊ TẢI XUỐNG ĐỊNH DẠNG PDF
Tập ITập IITập III

LỜI GIỚI THIỆU

Apadānapāḷi là tựa đề của tập Kinh thứ mười ba thuộc Tiểu Bộ (Khuddakanikāya). Chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Thánh Nhân Ký Sự. Chú giải của tập Kinh Apadānapāḷi có tên là Visuddhajanavilāsinī, nhưng các chi tiết liên quan đến vị Chú Giải Sư không được tìm thấy.

Apadānapāḷi gồm có bốn phần:

  • – Buddhāpadāna (liên quan đến Phật Toàn Giác)
  • – Paccekabuddhāpadāna (liên quan đến Phật Độc Giác)
  • – Therāpadāna (559 câu chuyện về các vị trưởng lão)
  • – và Therī-apadāna (40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni).

Dựa theo văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka, bộ Kinh song ngữ Apadānapāḷi – Thánh Nhân Ký Sự được trình bày thành 3 tập:

  • – Apadānapāḷi tập I gồm có hai phần đầu là Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna – Phật Độc Giác Ký Sự, cộng thêm 400 ký sự về các vị trưởng lão của phần ba Therāpadāna – Trưởng Lão Ký Sự.
  • – Apadānapāḷi tập II gồm có 159 ký sự còn lại của phần ba tức là Therāpadāna – Trưởng Lão Ký Sự.
  • – Apadānapāḷi tập III gồm 40 ký sự về các trưởng lão ni thuộc phần bốn có tên là Therī-apadāna – Trưởng Lão Ni Ký Sự.

Phần thứ nhất Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự đề cập đến câu chuyện của tiền thân đức Bồ Tát khi Ngài là đấng Chuyển Luân Vương Tilokavijaya (ApA. 109). Vị này đã dùng năng lực của tâm tạo nên tòa lâu đài bằng châu báu và đã cúng dường đến vô số chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, và chư vị Thinh Văn đệ tử bằng tác ý. Điểm đáng chú ý ở đây là tất cả các chi tiết ở cuộc lễ cúng dường này chỉ là những diễn tiến trong tâm thức của vị Chuyển Luân Vương Tilokavijaya, và không nên hiểu rằng đã có diễn ra một cuộc hội họp của các vị đã chứng quả Giác Ngộ trong hai thời quá khứ và hiện tại, tức là chư Phật gồm ba hạng: Toàn Giác, Độc Giác, và Thinh Văn (câu kệ 22 và 52). Hơn nữa, chính đức Phật Gotama thời hiện tại của chúng ta cũng đã xác nhận rằng quả báu của sự cúng dường ở trong tâm này đã giúp cho tiền thân của Ngài được sanh về cõi trời Đạo Lợi (câu kệ 53).

Trái lại, phần thứ nhì Paccekabuddhāpadāna – Phật Độc Giác Ký Sự không đề cập đến các hành động quá khứ đã có liên quan đến sự giải thoát trong thời hiện tại của chư Phật Độc Giác, mà là “những kệ ngôn cao thượng đã được chư Phật Độc Giác là các đấng Chiến Thắng nói lên. Những kệ ngôn ấy đã được đấng Sư Tử dòng Sakya, bậc Tối Thượng Nhân, giảng giải vì mục đích của việc nhận thức Giáo Pháp” (câu kệ 138). Những lời kệ này của chư Phật Độc Giác cũng được tìm thấy ở Chương I, phần 3, Suttanipāta (Kinh Tập), là tập Kinh thứ 5 thuộc Khuddaka-nikāya (Tiểu Bộ). Điều cần lưu ý ở đây là do nhân duyên lời thỉnh cầu của ngài Ānanda mà đức Phật Gotama đã thuyết giảng hai phần Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna – Phật Độc Giác Ký Sự này.

Hai phần cuối, Therāpadāna – Trưởng Lão Ký Sự gồm có 559 câu chuyện về các vị trưởng lão được chia làm 56 phẩm (vagga), và Therī-apadāna – Trưởng Lão Ni Ký Sự gồm có 40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni được chia làm 4 phẩm. Các câu chuyện này đề cập đến những hành động đã được tiền thân của các vị này thực hiện trong thời quá khứ. Đối tượng của các việc phước thiện này có tính chất đa dạng, có thể là các vị Phật Toàn Giác, Độc Giác, hoặc Thinh Văn. Thậm chí việc lễ bái cúng dường các vật có liên quan đến các Ngài như là cội Bồ Đề, ngôi bảo tháp, tấm y ca-sa, và ngay cả dấu chân đã được đức Phật để lại trên nền đất, v.v… cũng đã làm sanh khởi niềm tin đưa đến việc hành thiện của tiền thân các vị này, cuối cùng đem lại sự thành tựu Niết Bàn cho các vị trong kiếp sống cuối cùng. Một số tiền thân có sự phát nguyện thành tựu vị thế tối thắng và đã nhận được chú nguyện thành tựu của các vị Phật đương thời. Thêm vào đó, các ký sự này còn đề cập đến việc thành tựu về phước báu Nhân Thiên và các sự thành công của tiền thân các vị ấy trong các kiếp sống kế tiếp trước khi gặp được đức Phật Gotama, rồi việc xuất gia trở thành tỳ khưu hay tỳ khưu ni, sau đó thành tựu quả vị Thinh Văn A-la-hán, và chứng đắc các pháp thù thắng là bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, sáu thắng trí, và Niết Bàn. Các chi tiết được trình bày ở mỗi ký sự đã được chư Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni đích thân thuật lại, dài ngắn cũng không chừng đổi, đôi lúc có xen lẫn một vài dòng kệ chú thích của người sưu tập. câu chuyện ngắn nhất chỉ có vài ba câu kệ (gāthā), câu chuyện dài nhất có hơn hai trăm câu kệ (400 dòng).

Xét rằng 139 câu kệ của hai phần đầu tức là Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna – Phật Độc Giác Ký Sự chỉ là một phần rất khiêm tốn so với gần 7.800 câu kệ của toàn thể bộ Kinh này, cho nên có thể nói rằng trọng tâm của bộ Kinh hướng đến các vị Thánh Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni. Đặc biệt, đối với những vị Thinh Văn có được sự thành tựu về các vị thế tối thắng vào thời đức Phật Gotama, thì tiền thân của các vị này trong quá khứ cũng đã có sự phát khởi ước muốn thành tựu vị thế ấy, cũng có làm việc phước thiện thù thắng, và cũng được chú nguyện bởi vị Phật của thời kỳ ấy. Có giả thuyết cho rằng hai phần đầu Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna – Phật Độc Giác Ký Sự đã được thêm vào nhằm để khẳng định rằng: Con đường Giải Thoát là gồm có ba hạng: Toàn Giác, Độc Giác, và Thinh Văn. Dầu hạnh nguyện và sự thực hành của ba hạng Phật là khác nhau về đẳng cấp, nhưng cứu cánh giải thoát đều giống nhau là sự đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau, và Niết Bàn.

Có thể đưa ra nhận xét rằng bộ Kinh Apadāna – Thánh Nhân Ký Sự chủ yếu nói về vai trò của nghiệp (kamma) trong quá trình luân hồi (saṃsāra), về sự gặt hái kết quả (phala) của hành động đã làm trong các kiếp quá khứ (pubbakamma). Apadāna – Thánh Nhân Ký Sự không chỉ nêu lên các thiện nghiệp có quả thành tựu tốt đẹp mà còn có nhắc đến một số ác nghiệp đưa đến kết quả xấu xa. Ví dụ như ký sự của Trưởng Lão Upālittherāpadāna kể lại câu chuyện tiền thân của vị này đã thực hiện hành động cung kính đến đức Phật Padumuttara và đã ước nguyện trở thành vị tỳ khưu đứng đầu về Luật. Tuy nhiên, vào kiếp sanh làm vị hoàng tử tên Candana, do việc đã dùng voi khuấy rối đến một vị Phật đang đi khất thực, cho nên trong kiếp cuối cùng dẫu bị sanh làm người thợ cạo thuộc dòng dõi thấp kém, nhưng vị Trưởng Lão Upāli này vẫn trở thành vị tỳ khưu đứng đầu về Luật trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.

Điểm đặc biệt là các việc quét dọn, xây dựng viền rào, cúng dường đến cội cây Bồ Đề, hay là các hành động kiến tạo và quét vôi bảo tháp, dâng hoa đến bảo tháp, và cúng dường xá-lợi cũng là nhân tố cho những thành tựu phước báu lớn lao và còn đưa đến thành tựu quả vị A-la-hán ở vào thời đức Phật nữa. Nói đến xá-lợi, điểm đáng lưu ý là ngay cả đức Phật cũng tỏ lòng tôn trọng đến xá-lợi của các vị Thinh Văn: Ký sự 50 về Trưởng Lão Cunda mô tả đức Thế Tôn đã nhận lấy xá-lợi của vị Trưởng Lão Sāriputta bằng hai tay, và trong khi phô bày xá-lợi ấy đã tán dương vị Thinh Văn đệ nhất này (tập I, 1254-1255). Tương tợ như thế, Ngài cũng đã nâng lên xá-lợi của vị Trưởng Lão Ni Mahāpajāpatigotamī bằng hai tay khi nhắc đến công hạnh của bà (tập III, Ký Sự 17, 404-415). Và có nhiều ký sự nói về các vị Thinh Văn đã được giải thoát Niết Bàn do công hạnh cúng dường xá-lợi trong quá khứ. Thêm vào đó, việc cúng dường thực phẩm và các vật dụng cần thiết đến đức Phật và Hội Chúng tỳ khưu là có được thành quả lớn lao đã được khẳng định qua nhiều ký sự ở bộ Kinh này.

Đặc biệt, có phần ký sự tên Pubbakammapiloti-apadāna đề cập đến các nghiệp xấu do tiền thân đức Phật Gotama đã tạo nên trong mười hai kiếp sống quá khứ. Các nghiệp này đã trổ quả vào lúc Ngài đã thành tựu quả vị Phật Toàn Giác. Ví dụ như việc nữ du sĩ ngoại đạo Sundarikā đã vu cáo Ngài trong thời hiện tại là do tiền thân của Ngài, lúc sanh làm kẻ vô lại Munāḷī, đã vu cáo đức Phật Độc Giác Sarabhu, và vào một kiếp khác đã bôi nhọ vị ẩn sĩ Bhīma có năm thắng trí có đại thần lực là “người vẫn còn đắm say dục lạc;” về việc nàng Ciñcamānavikā vu cáo gian sự liên hệ thân mật giữa nàng và đức Phật là do nhân của sự vu cáo vị Thinh Văn tên Nanda vào thời đức Phật Sabbābhibhū; về việc voi Nālāgirī chạy đến Ngài với ý muốn hãm hại là do việc tiền thân đã cỡi voi công kích một vị Phật Độc Giác đang đi khất thực. Và về các chứng khó chịu ở thân cũng là do tác động của nghiệp quá khứ ví dụ như chứng nhức đầu do đã có tâm hoan hỷ khi trong thấy các con cá bị giết chết, về chứng đau lưng do đã đánh gục đối thủ trong một cuộc giao đấu, về bệnh tiêu chảy do trong thời quá khứ làm một vị thầy thuốc đã cố ý cho thuốc xổ đến con trai nhà triệu phú, v.v… Có điều thắc mắc là các ký sự Pubbakammapilotika này có liên quan đến đức Phật, nhưng tại sao lại không được xếp vào Buddhāpadāna – Phật Toàn Giác Ký Sự, mà lại được sắp vào phần của các vị Thinh Văn, Therāpadāna – Trưởng Lão Ký Sự?

Một điều khác cũng đã được ghi nhận như sau: Trong các tập Kinh thuộc Tiểu Bộ (Khuddakanikāya), chủ đề về nghiệp đã được trình bày theo các sự sắp xếp khác nhau:

– Jātaka – Bổn Sanh, Buddhavaṃsa – Phật Sử, Cariyāpiṭaka – Hạnh Tạng nói về các tiền thân của đức Phật Gotama.

– Apadāna – Thánh Nhân Ký Sự liên quan đến các vị Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni.

– Vimānavatthu – Chuyện Thiên Cung và Petavatthu – Chuyện Ngạ Quỷ thì đề cập đến nghiệp quả của nhiều hạng người.

Về hình thức, bộ Kinh Apadāna – Thánh Nhân Ký Sự được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi câu kệ gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các câu kệ của tập Kinh này làm theo thể thông thường gồm có tám âm cho mỗi pāda. Chúng tôi chủ trương ghi lại lời dịch Việt theo lối văn xuôi hầu ý nghĩa chuyển dịch được phần trọn vẹn. Đôi chỗ hai câu kệ được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Cũng cần nói thêm về văn bản Pāḷi được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka.

Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, có một số điều cần lưu ý như sau: Mặc dầu toàn bộ văn bản là các lời tự thuật, tuy nhiên chúng tôi chỉ trình bày ở dạng chữ nghiêng cho những đoạn có tính chất đối thoại trực tiếp hoặc những điều ước nguyện, suy nghĩ. Về từ xưng hô của hàng đệ tử đối với đức Phật, chúng tôi sử dụng từ “con” ở ngôi thứ nhất cho những trường hợp trực tiếp, và “tôi” cho những trường hợp xét rằng người nghe là các đối tượng khác. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Bhikkhunī Sukhettā Nichanaporn Ketjan (Thái), Cô Phạm Thu Hương (Hồng Kông), gia đình Phật tử Phạm Trọng Độ & Ngô Thị Liên, Phật tử Diệu Hiền, Phật tử Phấn Nguyễn, và Phật tử Ngô Lý Vạn Ngọc. Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ cấp thời và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.

Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ của Phật tử Mam Pitiya trong việc tham khảo bản dịch tiếng bản xứ. Cũng không quên không nhắc đến những sự ủng hộ, khích lệ, và công đức góp ý về phần tiếng Việt của Đại Đức Đức Hiền, cùng với hai vị Phật tử Tung Thiên và Đông Triều đã sắp xếp thời gian đọc qua bản thảo và đã giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Nhân đây, cũng xin ghi nhận sự cúng dường cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Đại Đức Tâm Pháp, nhờ thế đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc xác định từ ngữ được thêm phần chính xác. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi – Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.

Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.

Kính bút,
ngày 01 tháng 06 năm 2008
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)

Add Comment