Primary Menu

[SN 35:130] Bài kinh Haliddakani – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập IV – Phần 3: Năm Mươi Kinh thứ ba – Phẩm Gia Chủ thứ ba
Bài kinh số 130 – VII. Haliddhaka (S.iv,115) | Haliddakani

1) Một thời Tôn giả Mahà Kaccàna trú giữa dân chúng Avanti, tại Kuraraghara, trong một hang núi.

2) Rồi gia chủ Hàliddikàni đi đến Tôn giả Mahà Kaccàna…

3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Hàliddikàni thưa với Tôn giả Mahà Kaccàna:

— Thưa Tôn giả, Thế Tôn nói như sau: “Do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ”. Như thế nào, thưa Tôn giả, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc; do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ?

4) — Ở đây, này Gia chủ, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ nhãn thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi mắt thấy sắc bất khả ý, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ nhãn thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi mắt thấy sắc trú xả, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ nhãn thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

5-9) Lại nữa, này Gia chủ, khi tai nghe tiếng… khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc… khi ý biết pháp khả ý, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ ý thức có lạc xúc. Do duyên lạc xúc khởi lên lạc thọ. Khi ý biết pháp bất khả ý, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ ý thức có khổ xúc. Do duyên khổ xúc khởi lên khổ thọ. Khi ý biết pháp trú xả, nghĩ rằng: “Ðây là vậy, đây là vậy”, được biết rõ ý thức có bất khổ bất lạc xúc. Do duyên bất khổ bất lạc xúc khởi lên bất khổ bất lạc thọ.

10) Như vậy, này Gia chủ, do duyên sai biệt về giới khởi lên sai biệt về xúc. Do duyên sai biệt về xúc khởi lên sai biệt về thọ.

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment