Primary Menu

[SN 55:54] Bài kinh Bị Bệnh – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Tập V – Tương Ưng 55 – Phẩm Với Trí Tuệ thứ sáu
Bài kinh số 54 – IV. Bị Bệnh (S.v,408) | Gilana

1) Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng họ Thích, tại Kapilavatthu, khu vườn các cây bàng.

2) Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn, nghĩ rằng khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành.

3) Họ Thích Mahànàma được nghe: “Nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: “Khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ đi du hành””. Rồi họ Thích Mahànàma đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, họ Thích Mahànàma bạch Thế Tôn:

4) — Bạch Thế Tôn, con được nghe nhiều Tỷ-kheo đang làm y cho Thế Tôn và họ nghĩ rằng: “Sau khi y làm xong, Thế Tôn sau ba tháng sẽ ra đi du hành”. Chúng con chưa được tự thân nghe từ Thế Tôn, tự thân lãnh thọ từ Thế Tôn điều này. Bạch Thế Tôn, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được một cư sĩ có trí giáo giới như thế nào?

5) — Này Mahànàma, một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, cần phải được an ủi với bốn pháp an ủi như sau (assàsaniya dhamma): Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với đức Phật: “Ðây là bậc Ứng Cúng… Phật, Thế Tôn”. Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của Tôn giả đối với Pháp… Tôn giả hãy yên tâm, với lòng tịnh tín bất động của của Tôn giả đối với chúng Tăng… Tôn giả hãy yên tâm, với các giới của Tôn giả được các bậc Thánh ái kính… đưa đến Thiền định.

6) Một cư sĩ có trí bị bệnh, đau đớn, bị trọng bệnh, này Mahànàma, phải được một cư sĩ có trí giáo giới với bốn pháp an ủi này. Cần phải nói như vậy.

7) Tôn giả ấy có lòng thương nhớ cha mẹ. Nếu vị ấy nói: “Tôi còn có lòng thương nhớ cha mẹ”, thời nên nói với vị ấy như sau: “Thưa Tôn giả, Tôn giả thế nào cũng phải chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ cha mẹ, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với cha mẹ của Tôn giả”.

8) Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với cha mẹ, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con hay không?” Nếu vị ấy nói: “Tôi có lòng thương nhớ vợ con”, thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả thế nào cũng chết. Dầu Tôn giả có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Dầu Tôn giả không có lòng thương nhớ vợ con, Tôn giả cũng sẽ chết. Vậy tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ lòng thương nhớ đối với vợ con của Tôn giả”.

9) Nếu vị ấy nói như sau: “Lòng thương nhớ của tôi đối với vợ con, lòng thương nhớ ấy đã được đoạn tận”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Tôn giả có lòng thương tiếc năm dục công đức của loài Người không?” Nếu vị ấy nói như sau: “Tôi có lòng thương nhớ năm dục công đức của loài Người”, vị ấy cần phải được nói như sau: “Các Thiên dục đối với nhân dục, còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn. Vậy tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi các nhân dục, và hướng tâm đến Tứ đại thiên vương thiên”.

10) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ nhân dục và hướng đến Tứ đại thiên vương thiên”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư Thiên ở cõi Ba mươi ba còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn Tứ đại thiên vương thiên. Tốt hơn Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Tứ đại thiên vương thiên và hướng tâm đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”.

11-16) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Tứ đại thiên vương thiên và hướng đến chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”, vị ấy cần được nói như sau: “Chư Thiên Yamà, chư Thiên Tusità, chư Thiên Hóa lạc thiên, chư Thiên Tha hóa tự tại thiên còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba”.

17) … “Chư Thiên ở Phạm thế còn hấp dẫn hơn, còn thù diệu hơn chư Thiên ở Tha hóa tự tại thiên. Tốt hơn Tôn giả từ bỏ tâm khỏi chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm đến Phạm thế, Phạm thiên giới”.

18) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ chư Thiên Tha hóa tự tại thiên và hướng tâm về chư Thiên ở Phạm thế”, thời vị ấy cần phải được nói như sau: “Này Tôn giả, Phạm thiên giới là vô thường, không thường hằng, bị thân kiến giới hạn. Tốt hơn là Tôn giả hãy từ bỏ tâm khỏi Phạm thế và hướng tâm đến đoạn diệt thân kiến (Sakkàya)”.

19) Nếu vị ấy nói như sau: “Tâm tôi đã từ bỏ Phạm thế và hướng đến đoạn diệt thân kiến”; vị cư sĩ nói như vậy, này Mahànàama, và với Tỷ-kheo có tâm giải thoát khỏi các lậu hoặc, Ta nói rằng không có gì sai biệt, tức là về phương diện giải thoát.

—o0o—

Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu

Add Comment