Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tương Ưng Bộ Kinh | Saṃyutta Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—
Tập I – Chương 7 – Phẩm thứ hai
Bài kinh số 5 – Mànatthada (S.i,177) | Mdnatthaddha
1) Nhân duyên tại Sàvatthi.
2) Lúc bấy giờ, Bà-la-môn tên Mànatthada trú ở Sàvatthi. Vị này không cung kính mẹ, không cung kính cha, không cung kính Ðạo sư, không cung kính anh trưởng.
3) Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết pháp, có đại chúng đoanh vây.
4) Rồi Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ như sau: “Sa-môn Gotama nay đang thuyết pháp có đại chúng đoanh vây. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama nói chuyện với ta, ta cũng sẽ nói chuyện với Sa-môn Gotama. Nếu Sa-môn Gotama không nói chuyện với ta, ta cũng sẽ không nói chuyện với Sa-môn Gotama”.
5) Rồi Bà-la-môn Mànatthada đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền đứng một bên và im lặng.
6) Và Thế Tôn không nói chuyện với Bà-la-môn ấy.
7) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: “Sa-môn Gotama này không biết gì hết”, bèn muốn trở về.
8) Rồi Thế Tôn với tâm tư của mình biết được tâm tư của Bà-la-môn Mànatthada, liền nói lên bài kệ với Bà-la-môn Mànatthada:
Hỡi này Bà-la-môn,
Kiêu mạn không có tốt,
Ở đây không có ai,
Bà-la-môn nên biết.
Ông đến, mục đích gì,
Hãy nói lên cho biết?
9) Bà-la-môn Mànatthada suy nghĩ: “Sa-môn Gotama biết tâm tư của ta”, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, lấy miệng hôn chân Thế Tôn, lấy tay thoa vuốt và nói lên tên của mình:
— Tôn giả Gotama, con là Mànatthada. Tôn giả Gotama, con là Mànatthada.
10) Rồi đại chúng ấy tâm khởi lên kinh dị vi diệu: “Thật là vi diệu, thưa Ngài! Thật là hy hữu, thưa Ngài! Bà-la-môn Mànatthada không bao giờ cung kính mẹ, không bao giờ cung kính cha, không bao giờ cung kính Ðạo sư, không bao giờ cung kính anh trưởng, nay lại hạ mình tột cùng như vậy trước Sa-môn Gotama.”
11) Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Mànatthada:
— Thôi vừa rồi Bà-la-môn. Hãy đứng dậy và ngồi lại trên ghế của Ông. Lòng tín thành của Ông đối với Ta từ đâu đến?
12) Rồi Bà-la-môn Mànatthada sau khi ngồi trên ghế của mình, nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Ðối ai không nên kiêu?
Ðối ai nên kính trọng?
Ðối ai nên tôn kính?
Cúng dường ai, tốt lành?
13) (Thế Tôn):
Với mẹ và với cha,
Với anh nhiều tuổi hơn,
Với thầy là thứ tư,
Không nên sanh kiêu mạn,
Nên kính trọng vị ấy,
Nên tôn kính vị ấy,
Cúng dường họ, tốt lành.
Các bậc A-la-hán,
Thanh lương, lậu hoặc đoạn,
Việc nên làm đã làm,
Hãy nhiếp phục kiêu mạn,
Bậc Vô thượng tôn ấy,
Ông thật nên đảnh lễ.
14) Khi được nghe nói vậy, Bà-la-môn Mànatthada bạch Thế Tôn:
— Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
—o0o—
Ấn bản điện tử được thực hiện bởi Đại đức Thích Giác Đồng, Tâm Kiến Tánh, Hứa Dân Cường.
Dò soát chính tả bởi Trương Đình Hiếu, Tâm Bửu