Primary Menu

Tăng Chi Bộ Kinh Chương Bốn Pháp – Kinh Phật Pali cho người tại gia

Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tăng Chi Bộ Kinh | Aṅguttara Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—

Chương Bốn Pháp
Những bài kinh Đức Phật thuyết cho người tại gia

IV. Phẩm Bánh Xe

(V) (35) Vassakàra

1. – Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Veluvanna (Trúc Lâm) chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Vassakàra nói với Thế Tôn:

– Người nào thành tựu bốn pháp, thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân. Thế nào là bốn?

2. Ở đây, này Tôn giả Gotama, người nghe nhiều, được nghe điều gì, điều gì, vị ấy biết ý nghĩa của lời ấy: “Ðây là ý nghĩa của lời này. Ðây là ý nghĩa của lời này”; có chánh niệm, ức niệm nhớ đến điều đã làm từ lâu, đã nói từ lâu; lại trong các công việc của gia chủ, những công việc gì cần phải làm, vị ấy ở đây có thiện xảo, không có thụ động, thành tựu với sự quán sát về phương tiện, vừa đủ để làm, vừa đủ để tổ chức. Thưa Tôn giả Gotama, thành tựu với bốn pháp này, chúng tôi tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân. Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con đáng được tùy hỷ, mong Tôn giả Gotama hãy tùy hỷ con! Nếu Tôn giả Gotama nghĩ con đáng bị bài xích, Tôn giả Gotama hãy bài xích con!

3. – Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ, Ta không bài xích Ông. Này Bà-la-môn, thành tựu với bốn pháp này, Ta tuyên bố là bậc Ðại tuệ, bậc Ðại nhân. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người thực hiện hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người. Với người này, nhiều người được an lập trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Với tầm tư nào vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị ấy không tầm tư tầm tư ấy. Với tư duy nào vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy. Với tư duy nào vị ấy nghĩ không cần phải được tư duy, vị ấy không tư duy tư duy ấy. Như vậy, vị ấy đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư, đối với bốn Thiền thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, vị ấy được không khó khăn, được không mệt nhọc, được không phí sức. Do đoạn diệt các lậu hoặc, vị ấy ngay trong hiện tại, với thắng trí tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Này Bà-la-môn, Ta không tùy hỷ, Ta không bài xích Ông. Thành tựu với bốn pháp này, này Bà-la-môn, Ta tuyên bố là bậc Ðại tuệ, là bậc Ðại nhân.

4. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Cho đến như vậy, Tôn giả Gotama đã khéo nói. Chúng con thọ trì rằng Tôn giả Gotama đã thành tựu bốn pháp này, Tôn giả Gotama đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Tôn giả Gotama là vị, với tầm tư nào, vị ấy nghĩ cần phải tầm tư, vị ấy tầm tư tầm tư ấy; với tầm tư nào, vị ấy nghĩ không cần phải tầm tư, vị ấy không tầm tư tầm tư ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ cần phải tư duy, vị ấy tư duy tư duy ấy; với tư duy nào, vị ấy nghĩ không cần phải tư duy, vị ấy không tư duy tư duy ấy. Tôn giả Gotama đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư, Tôn giả Gotama đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Tôn giả Gotama, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

5. – Thật vậy, này Bà-la-môn, lời tuyên bố của Ông là một thách thức cho Ta và Ta sẽ trả lời cho Ông. Này Bà-la-môn, Ta đã thực hành, hướng đến hạnh phúc cho nhiều người, hướng đến an lạc cho nhiều người, đã an lập nhiều người trên Thánh lý, tức là hiền thiện pháp tánh, thiện pháp tánh. Ta là vị, với tầm tư nào Ta nghĩ cần phải tầm tư, Ta tầm tư tầm tư ấy. Với tầm tư nào Ta nghĩ không cần phải tầm tư, Ta không tầm tư tầm tư ấy. Với tư duy nào Ta nghĩ cần phải tư duy, Ta tư duy tư duy ấy, Với tư duy nào Ta nghĩ không cần phải tư duy, Ta không tư duy tư duy ấy. Này Bà-la-môn, Ta đạt được tâm tự tại trong các đường hướng tầm tư. Này Bà-la-môn đối với bốn Thiền, thuộc tăng thượng tâm, hiện tại lạc trú, Ta có được không khó khăn, Ta có được không mệt nhọc, Ta có được không phí sức. Này Bà-la-môn, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí, Ta chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

6.

Ai trong mọi chúng sanh,
Hiểu rõ được giải thoát,
Khỏi cạm bẫy thần chết,
Vì hạnh phúc nhân thiên,
Tuyên bố về chánh lý,
Tuyên bố về Chánh pháp.
Quần chúng thấy nghe vậy,
Liền hoan hỷ tịnh tín,
Thiện xảo đạo, phi đạo,
Việc nên làm đã làm,
Vô lậu bậc Giác ngộ,
Với thân này thân cuối,
Ngài được gọi tôn xưng,
Bậc Ðại tuệ, Ðại nhân.

(VI) (36) Tùy Thuộc Thế Giới

1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona cũng đang đi trên con đường giữa Ukkatthà và Setabbya. Bà-la-môn Dona thấy trên những dấu chân của Thế Tôn có dấu bánh xe một ngàn cọng, với vành xe, trục xe và đầy đủ tất cả các tướng khác. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Những dấu chân này không phải là của loài Người!”.

2. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, ngồi kiết-già, thân thẳng, đặt niệm trước mặt. Bà-la-môn Dona theo dấu chân của Thế Tôn, thấy Thế Tôn đang ngồi dưới một gốc cây đẹp đẽ, khởi lên tịnh tín, các căn tịch tịnh, tâm ý tịch tịnh, đạt được tịnh chỉ do điều phục tối thượng, giống như một con voi được điều phục, được phòng hộ với căn tịch tịnh. Thấy vậy Bà-la-môn Dona liền đi đến Thế Tôn; sau khi đến, thưa với Thế Tôn:

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là vị tiên?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là tiên.

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Càn-thát-bà?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Càn-thát-bà,

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là Dạ-xoa?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Dạ-xoa.

– Có phải thưa Tôn giả, Ngài là loài Người?

– Hỡi này Bà-la-môn, Ta không là Người.

– Hỏi “Ngài có phải là tiên không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là tiên”. Hỏi “Ngài có phải là Càn-thát-bà không?”, Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Càn-thát-bà”. Hỏi “Ngài có phải là Dạ-xoa không?” Ngài trả lời: “Này Bà-la-môn, Ta không phải là Dạ-xoa”. Hỏi “Ngài có phải là loài Người không?”, Ngài trả lời: “Ta không phải là loài Người”. Vậy sở hành của Ngài là gì và Tôn giả là gì?

3. – Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là chư Thiên, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt đứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, Ta có thể là Dạ-xoa, Ta có thể là Người, với các lậu hoặc đã đoạn tận, được chặt dứt từ gốc rễ, được làm thành như thân cây ta-la, được làm cho không thể hiện hữu, được làm cho không thể sanh khởi trong tương lai. Ví như, này Bà-la-môn, bông sen xanh, hay bông sen hồng, hay bông sen trắng, sanh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước, và đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn sanh ta trong đời, lớn lên trong đời, Ta sống chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Này Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy như vậy thọ trì.

4.

Với lậu hoặc chưa đoạn,
Ta có thể là tiên,
Có thể Càn-thát-bà,
Có thể là loài chim
Hay đi đến Dạ-xoa,
Hay vào trong thai người,
Với Ta lậu hoặc tận,
Bị phá hủy, trừ khử
Như sen trắng tươi đẹp
Không bị nước thấm ướt,
Ðời không thấm ướt Ta,
Do vậy Ta được gọi,
Ta là Phật Chánh giác,
Hỡi này Bà-la-môn.

(IX) (39) Ujjaya

1. Rồi Bà-la-môn Ujjaya đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Ujjaya bạch Thế Tôn:

– Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?

2. – Này Bà-la-môn, Ta không tán thán tất cả loại tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gia cầm, heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao? Tế đàn có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Vì cớ sao? Tế đàn không có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán có đi đến.

3.

Lễ tế ngựa, tế người,
Lễ uống nước thắng trận,
Lễ ném cầu may rủi,
Lễ rút lui khóa cửa,
Lễ ấy nhiều sát sanh,
Không đem lại quả lớn.
Chỗ nào giết dê cừu,
Bò và sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Ðại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy
Họ không có đi tới.
Tế đàn không sát sanh,
Thường cầu phước gia đình,
Không giết dê, cừu, bò,
Không giết sinh vật khác,
Các bậc theo Chánh đạo,
Các bậc Ðại ẩn sĩ,
Tại tế đàn như vậy,
Họ đến tế đàn ấy,
Lễ ấy bậc trí làm,
Tế đàn ấy quả lớn,
Tế đàn vậy tốt lành,
Không đem đến ác hại,
Tế đàn càng to lớn,
Chư Thiên càng hoan hỷ.

(X) (40) Udayi

1. Rồi Bà-la-môn Udàyi đi đến Thế Tôn; sau khi đến… Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Udàyi bạch Thế Tôn:

– Có phải Tôn giả Gotama không tán thán tế đàn?

2. – Này Bà-la-môn, Ta không tán thán tất cả tế đàn. Nhưng này Bà-la-môn, Ta không phải không tán thán tất cả loại tế đàn. Trong loại tế đàn nào, này Bà-la-môn, bò bị giết, dê cừu bị giết, gà heo bị giết, các loài sinh vật khác đi đến bị giết hại, loại tế đàn ấy, này Bà-la-môn, liên hệ đến sát sanh; Ta không tán thán loại tế đàn ấy. Vì cớ sao? Tế đàn có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán, và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán không có đi đến. Tại tế đàn nào, này Bà-la-môn, trong ấy không có bò bị giết, không có dê cừu bị giết, không có gia cầm, heo bị giết, không có các sinh vật khác bị giết, này Bà-la-môn, Ta tán thán tế đàn không có sát sanh như vậy, tức là bố thí thường làm từ lâu, tế đàn cầu hạnh phúc cho gia đình. Vì cớ sao? Tế đàn không có sát sanh như vậy, này Bà-la-môn, các A-la-hán và những ai đã đi trên con đường hướng đến A-la-hán có đi đến.

3.

Tế đàn không sát sanh,
Làm đúng thời thích hợp,
Tế đàn vậy, các bậc,
Phạm hạnh khéo chế ngự,
Ðã vén rộng bức màn,
Khi còn ở trên đời,
Các bậc vượt thời gian,
Ði đến tế đàn ấy.
Bậc Giác ngộ thiện xảo,
Tán thán tế đàn ấy,
Hoặc tại lễ tế đàn,
Hoặc tín thí vong linh,
Tế vật cúng xứng đáng,
Tế lễ tâm hoan hỷ,
Hướng đến ruộng phước lành,
Ðối các vị Phạm hạnh,
Khéo cúng, khéo tế lễ,
Khéo dâng bậc đáng cúng,
Tế đàn vậy rộng lớn,
Chư Thiên đều tán thán,
Bậc Trí sau khi lễ,
Tín thành tâm giải thoát.

VI. Phẩm Nguồn Sanh Phước

(III) (53) Sống Chung (1)

1. Một thời, Thế Tôn đang đi trên con đường giữa Madhurà và Veranja. Và nhiều nam gia chủ và nữ gia chủ cũng đang đi trên con đường giữa Madhurà và Veranja. Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đến ngồi dưới một gốc cây, trên chỗ đã được sửa soạn. Các nam gia chủ và nữ gia chủ thấy Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các nam cư sĩ, nữ cư sĩ đang ngồi một bên:

2. – Này các Gia chủ, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn?

Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chúng với Thiên nữ. Thiên nam sống chúng với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ.

3. Và này các Gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ?

Ở đây, này các Gia chủ, người chồng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, tánh ác, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các Gia chủ là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ.

4. Và này các Gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với Thiên nữ?

Ở đây, này gia chủ, người chồng sát sanh… nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người vợ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam sống chung với Thiên nữ.

5. Và này các Gia chủ, thế nào là Thiên nam sống chung với một đê tiện nữ?

Ở đây, này các gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh… không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho… nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ là Thiên nam sống chung với đê tiện nữ.

6. Và này các Gia chủ, thế nào là Thiên nam sống chung với Thiên nữ?

Ở đây, này các Gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh… không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn, và người vợ cũng là người từ bỏ sát sanh… không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn.

Này các Gia chủ, có bốn loại chung sống này.

7.

Cả hai là ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Cặp vợ và chồng ấy,
Ðê tiện sống đê tiện.
Chồng là người ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Như vậy vợ Thiên nữ
Sống với chồng đê tiện.
Chồng là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Vợ là đê tiện nữ,
Chung sống chồng, Thiên nam.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng.
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành.
Ở đây sống theo pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều cầu mong.

(IV) (54) Sống Chung (2)

1. – Này các Tỷ-kheo, có bốn loại sống chung này. Thế nào là bốn?

Ðê tiện nam sống chung với đê tiện nữ. Ðê tiện nam sống chung với Thiên nữ. Thiên nam sống chung với đê tiện nữ. Thiên nam sống chung với Thiên nữ.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đê tiện nam sống chung với đê tiện nữ?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chồng là người sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống trong gia đình với tâm bị cấu uế xan tham chi phối, nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người vợ cũng sát sanh, lấy của không cho, sống tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân tâm, tà kiến, ác giới, ác tánh, sống ở gia đình với một tâm bị cấu uế xan tham chi phối. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam chung sống với đê tiện nữ.

3. Và này các Gia chủ, thế nào là đê tiện nam sống chung với Thiên nữ?

Ở đây, này các Gia chủ, người chồng sát sanh… nhiếc mắng, chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Còn người vợ từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ nói láo, từ bỏ nói hai lưỡi, từ bỏ nói lời thô ác, từ bỏ nói lời phù phiếm, không tham, không có sân tâm, chánh kiến, có giới, thiện tánh, sống ở gia đình không với tâm vị cấu uế xan tham chi phối, không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là đê tiện nam sống chung với Thiên nữ.

4. Và này các Gia chủ, thế nào là Thiên nam sống chung với đê tiện nữ?

Ở đây, này các Gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh… không có nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Nhưng người vợ là người sát sanh, lấy của không cho… nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn. Như vậy, này các Gia chủ, là Thiên nam sống chung với đê tiện nữ.

5. Và này các Gia chủ, thế nào là Thiên nam sống chung với Thiên nữ?

Ở đây, này các Gia chủ, người chồng từ bỏ sát sanh… không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn; và người vợ cũng là người từ bỏ sát sanh… không nhiếc mắng chưởi rủa các Sa-môn, Bà-la-môn.

Này các Gia chủ, có bốn loại sống chung này.

6.

Cả hai là ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Cặp vợ và chồng ấy,
Ðê tiện sống đê tiện,
Chồng là người ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Như vậy vợ Thiên nữ
Sống với chồng đê tiện.
Chồng là người có giới,
Bố thí, không xan tham,
Còn người vợ ác giới,
Xan tham và nhiếc mắng,
Vợ là đê tiện nữ,
Chung sống chồng, Thiên nam.
Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều cầu mong.

(V) (55) Xứng Ðôi (1)

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Bhagga tại núi Sumsumàra, rừng Bhesakalà, ở vườn Nai. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ gia chủ cha Nakulà, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi gia chủ cha Nakulà và nữ gia chủ mẹ Nakulà đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ cha Nakulà bạch Thế Tôn:

2. – Từ khi nữ gia chủ mẹ Nakulà được đem về đây cho con khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến vợ con, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

Nữ gia chủ mẹ Nakulà bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, từ khi con được đem về đây cho gia chủ cha Nakulà, khi con còn trẻ tuổi, con không bao giờ biết con có điều gì xâm phạm đến gia chủ cha Nakulà, cho đến ý nghĩ cũng không, chớ đừng nói gì đến thân. Vì rằng bạch Thế Tôn, chúng con muốn thấy mặt nhau, trong đời này, mà còn muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa.

– Vậy này các Gia chủ, khi cả hai vợ và chồng muốn thấy mặt nhau trong đời này, và cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau nữa, và cả hai người là đồng tín, đồng giới, đồng thí đồng trí tuệ, thời trong đời hiện tại, các người được thấy mặt nhau, và trong đời sau, các người cũng được thấy mặt nhau.

Cả hai, tín, bố thí,
Sống chế ngự, chánh mạng,
Cả hai vợ chồng ấy,
Nói lời thân ái nhau,
Ðời sống nhiều hạnh phúc,
Chờ đợi hai người ấy.
Kẻ thù không thích ý,
Cả hai giới hạnh lành,
Ở đây sống theo Pháp,
Giữ cấm giới đồng đẳng,
Cả hai giới hạnh lành,
Sống hoan hỷ Thiên giới,
Hân hoan được thỏa mãn,
Ðúng với điều sở cầu.

(VI) (56) Xứng Ðôi (2)

(Kinh này giống như kinh trước, nhưng chỉ bắt đầu với lời của Thế Tôn dạy và nói cho các Tỷ-kheo).

(VII) (57) Suppavàsà

1. Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Koli tại thị trấn của dân chúng Koli tên là Sajjanela. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y cầm y bát, đi đến trú xứ của Suppavàsà, người dân Koli, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Suppavàsà người dân Koli, sau khi tự tay mời Thế Tôn dùng cho đến thỏa mãn các món ăn loại cứng và loại mềm, rồi Suppavàsà, thuộc dân tộc Koli, sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Suppavàsà, người dân Koli, đang ngồi một bên:

2. – Các Thánh nữ đệ tử khi bố thí đồ ăn, này Suppavàsà, bố thí bốn sự cho những người nhận. Thế nào là bốn?

Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia phần dung sắc, thuộc cõi Trời hay cõi Người. Sau khi cho an lạc, người cho được chia phần an lạc, hoặc thuộc cõi Trời, hoặc thuộc cõi Người. Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc cõi Trời, hay cõi Người. Này Suppavàsà, khi Thánh nữ đệ tử bố thí đồ ăn, bố thí bốn sự này cho những người nhận.

3.

Cho đồ ăn khéo làm,
Sạch, thù diệu, vị ngon,
Nàng với sự cúng dường,
Bố thí vị chánh trực,
Những vị sống chánh hạnh,
Là những bậc đại hành,
Với đức gặt công đức,
Lại được quả to lớn,
Bậc hiểu biết thế gian,
Có lời tán thán nàng,
Ức niệm tế đàn vậy,
Họ dạo quanh thế giới,
Với tâm tư hoan hỷ
Nhiếp phục gốc xan tham,
Không bị ai chỉ trích,
Chứng đạt được cõi Trời.

(VIII) (58) Sudatta

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. – Này Gia chủ, bậc Thánh đệ tử bố thí đồ ăn, bố thí bốn sự cho người nhận. Thế nào là bốn?

Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho dung sắc, người cho được chia phần dung sắc, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho an lạc, người cho được chia phần an lạc, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho sức mạnh, người cho được chia phần sức mạnh, thuộc chư Thiên hay loài Người. Này Gia chủ, người Thánh đệ tử bố thí món ăn, bố thí bốn sự này cho những người nhận.

3.

Những ai khéo chế ngự,
Sống nhờ người bố thí,
Ai tùy thời, nhiệt thành,
Bố thí đồ ăn uống,
Ðem lại cho các vị,
Bốn sự kiện như sau,
Cho thọ mạng, dung sắc,
Cho an lạc, sức mạnh,
Vị bố thí thọ mạng,
Vị bố thí sức mạnh,
Người bố thí sức mạnh,
Thọ mạng dài, danh xưng,
Dầu sanh tại chỗ nào.

(IX) (59) Các Ðồ Ăn

1. – Người bố thí đồ ăn, này các Tỷ-kheo, bố thí bốn sự cho người nhận. Thế nào là bốn?

Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi cho dung sắc… cho an lạc… Sau khi cho sức mạnh, được chia phần sức mạnh, thuộc chư Thiên hay loài Người.

Này các Tỷ-kheo, người bố thí các món ăn, bố thí bốn sự này cho người nhận.

2.

Những ai khéo chế ngự,
Sống bố thí người khác,
Ai tùy thời nhiệt thành,
Bố thí đồ ăn uống,
Ðem lại cho các vị,
Bốn sự kiện như sau,
Cho thọ mạng, dung sắc,
Cho an lạc, sức mạnh,
Vị bố thí thọ mạng,
Vị bố thí dung sắc,
Người bố thí an lạc,
Người bố thí sức mạnh,
Thọ mạng dài, danh xưng,
Dầu sanh tại chỗ nào.

(X) (60) Bổn Phận Người Gia Chủ

Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

– Thành tựu bốn pháp, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của người gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi Trời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử hộ trì chúng Tỷ-kheo, hộ trì chúng Tỷ-kheo với y, hộ trì chúng Tỷ-kheo với đồ ăn khất thực, hộ trì chúng Tỷ-kheo với sàng tọa, hộ trì chúng Tỷ-kheo với dược phẩm trị bệnh.

Thành tựu với bốn pháp này, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử bước vào con đường thích đáng của người gia chủ, con đường đem lại tiếng tốt, con đường đưa đến cõi Trời.

Bậc Hiền trí thực hiện,
Con đường thật xứng đáng,
Của người làm gia chủ,
Hộ trì bậc có giới,
Bậc sở hành chơn chánh,
Hộ trì với y áo,
Với đồ ăn khất thực,
Sàng tọa, thuốc trị bệnh,
Công đức họ tăng trưởng,
Thường hằng, ngày lẫn đêm,
Do làm nghiệp hiền thiện,
Ði đến cảnh chư Thiên.

VII. Phẩm Nghiệp Công Ðức

(I) (61) Bốn Nghiệp Công Ðức

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. – Có bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. Thế nào là bốn?

“Mong rằng tài sản khởi lên cho ta đúng pháp”. Ðây là pháp thứ nhất, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, mong rằng tiếng tốt được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy”. Ðây là pháp thứ hai, khả lạc… khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, mong rằng ta sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài”. Ðây là pháp thứ ba, khả lạc… khó được ở đời. “Tài sản đã được đúng pháp, tiếng tốt đã được đồn về ta, cùng với bà con, và các bậc Thầy, sau khi được sống lâu, hộ trì thọ mạng kéo dài, mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sanh lên cõi thiện, cõi Trời, cõi đời này”. Ðây là pháp thứ tư, khả lạc… khó được ở đời.

Bốn pháp này, này Gia chủ, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó tìm được ở đời.

3. Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp đưa đến chứng được những pháp ấy. Thế nào là bốn?

Ðầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ.

4. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ lòng tin? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: Vị này là bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ lòng tin.

5. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ giới? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh… từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ giới.

6. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ bố thí? Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử sống ở gia đình, tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, ưa thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích san sẻ vật bố thí. Này Gia chủ, đây gọi là đầy đủ bố thí.

7. Và này Gia chủ, thế nào là đầy đủ trí tuệ? Này Gia chủ, sống với tâm bị dục tham chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm. Do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc. Này Gia chủ, sống với tâm vị sân hận chinh phục… sống với tâm bị hôn trầm thụy miên chinh phục… sống với tâm bị trạo hối chinh phục… sống với tâm bị nghi chinh phục, làm việc không nên làm, không làm việc nên làm; do làm việc không nên làm, không làm việc nên làm, vị ấy rời khỏi danh tiếng và an lạc.

8. Này Gia chủ, Thánh đệ tử ấy, sau khi biết được dục tham là uế nhiễm của tâm, từ bỏ dục tham, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được sân hận là uế nhiễm của tâm, từ bỏ sân hận, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được hôn trầm thụy miên là uế nhiễm của tâm, từ bỏ hôn trầm thụy miên, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được trạo hối là uế nhiễm của tâm, từ bỏ trạo hối, uế nhiễm của tâm; sau khi biết được nghi là uế nhiễm của tâm, từ bỏ nghi, uế nhiễm của tâm; này Gia chủ, đây gọi là vị Thánh đệ tử có đại trí tuệ, có trí tuệ rộng lớn, bước vào giới vức minh kiến, đầy đủ trí tuệ. Ðây gọi là đầy đủ trí tuệ.

Này Gia chủ, đối với bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý, khó được ở đời này, có bốn pháp này đưa đến chứng được những pháp ấy.

9. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra, đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, là người đã làm bốn hành động. Thế nào là bốn?

10. Ở đây, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, tự làm mình an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp cha mẹ được an lạc hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp vợ con, người phục vụ, người làm công được an lạc, hoan hỷ, chơn chánh đem lại an lạc; giúp bạn bè thân hữu được an lạc hoan hỷ, là người chơn chánh đem lại an lạc. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ nhất, vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

11. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp, với tài sản ấy, tự làm cho mình được an toàn, chống lại những tai họa từ lửa đến, từ nước đến, từ vua đến, từ ăn trộm đến, từ các thừa tự thù nghịch đến. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ hai vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

12. Lại nữa, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử với tài sản… thâu hoạch đúng pháp. Với tài sản ấy, vị ấy tổ chức năm loại lễ hiến cúng; hiến cúng cho bà con, hiến cúng cho khách, hiến cúng cho các vong linh quá khứ, hiến cúng cho vua, hiến cúng cho chư Thiên. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ ba vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

13. Lại nữa, này Gia chủ, Thánh đệ tử với tài sản… thâu hoạch đúng pháp, đối với những vị Sa-môn, Bà-la-môn sống từ bỏ kiêu mạn, phóng dật, an trú trên nhẫn nhục, nhu hòa, an tịnh tự mình, nhiếp phục tự mình, làm lắng dịu tự mình; đối với những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy, vị ấy tổ chức sự cúng dường tối thượng, thuộc về cõi Trời, đem đến quả lạc dị thục, đưa đến Thiên giới. Này Gia chủ, đây là trường hợp thứ tư vị ấy đi đến được, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

14. Vị Thánh đệ tử ấy, này Gia chủ, với tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp; với tài sản ấy, vị ấy là người đã làm được bốn hành động này. Nếu tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng không đúng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là tài sản đi đến không lợi ích, đi đến không thành đạt, đạt được sự hưởng thọ không đúng phương xứ. Nếu những tài sản của ai, này Gia chủ, được tiêu dùng với bốn hành động này, những tài sản này được gọi là những tài sản đi đến lợi ích, đi đến thành đạt, đạt được sự hưởng thọ đúng phương xứ.

Tài sản ta thọ hưởng,
Gia nhân được nuôi dưỡng,
Chính nhờ các tài sản,
Do ta tránh tai họa,
Ta cúng dường tối thượng,
Làm năm loại hiến vật,
Hộ trì bậc trì giới,
Bậc tự điều, Phạm hạnh,
Mục đích gì bậc trí,
Trú nhà, cầu tài sản,
Mục đích ấy Ta đạt,
Ðược làm không hối hận.
Người nào nhớ nghĩ vậy,
An trú trên Thánh pháp,
Ðời này được tán thán,
Ðời sau được hoan hỷ,
Trên cảnh giới chư Thiên.

(II) (62) Không Nợ

1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi một bên:

2. – Có bốn loại an lạc này, ngày Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ khởi lên cho vị ấy. Thế nào là bốn? Lạc sở hữu, lạc thọ dụng, lạc không mắc nợ, lạc không phạm tội.

3. Và này Gia chủ, thế nào là lạc sở hữu?

Ở đây, này Gia chủ, tài sản của người thiện nam tử, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch đúng pháp. Vị ấy suy nghĩ: “Ta có tài sản, thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được do sức mạnh cánh tay… thâu hoạch đúng pháp.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc sở hữu.

4. Và này, thế nào là lạc tài sản?

Ở đây, này Gia chủ, thiện nam tử thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn, tích lũy được… thâu hoạch đúng pháp và làm các việc phước đức. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thọ hưởng những tài sản thâu hoạch được do nỗ lực tinh tấn… thâu hoạch đúng pháp và ta làm các phước đức.” Nghĩ vậy vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc tài sản.

5. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không mắc nợ? Ở đây, này Gia chủ, vị thiện gia nam tử không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta không có mắc nợ ai một điều gì, ít hay nhiều.” Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không mắc nợ.

6. Và này Gia chủ, thế nào là lạc không phạm tội?

Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử thành tựu thân hành không phạm tội, thành tựu khẩu hành không phạm tội, thành tựu ý hành không phạm tội. Vị ấy nghĩ rằng: “Ta thành tựu thân hành không phạm tội, khẩu hành không phạm tội, ý hành không phạm tội”. Nghĩ vậy, vị ấy được lạc, được hỷ. Này Gia chủ, đây gọi là lạc không phạm tội.

Có bốn loại lạc này, này Gia chủ, người tại gia thọ hưởng các dục thâu hoạch được, tùy thời gian, tùy thời cơ, khởi lên cho vị ấy.

Ðược lạc không mắc nợ,
Nhớ đến lạc sở hữu,
Người hưởng lạc tài sản,
Với tuệ, thấy như thị,
Do thấy, vị ấy biết,
Sáng suốt cả hai phần,
Lạc vậy chỉ bằng được,
Bằng một phần mười sáu,
Lạc không có phạm tội.

(III) (63) Bằng Với Phạm Thiên

1. – Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là giống như bậc Ðạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy, này các Tỷ-kheo, được xem là giống như chư Thiên thời trước. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, các cha mẹ được các con đảnh lễ cúng dường ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là đáng được cúng dường.

2. Phạm Thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; các bậc Ðạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; chư Thiên thuở xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha; đáng được cung kính cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì mẹ cha giúp đỡ rất nhiều cho các con, nuôi dưỡng chúng lớn và giới thiệu chúng vào đời này.

Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo sư thời trước,
Xứng đáng được cúng dường,
Vì thương đến con cháu,
Do vậy bậc Hiền sĩ,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay.
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Ðời sau hưởng Thiên lạc.

XII. Phẩm Kesi

(I) (111) Kesi

1. Rồi Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đi đến Thế tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế tôn nói với Kesi, người đánh xe điều phục ngựa đang ngồi một bên:

2. – Này Kesi, Ông là người đánh xe điều phục ngựa, có chế ngự. Và này Kesi, Ông nhiếp phục ngựa như thế nào?

– Bạch Thế tôn, con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời thô ác; con nhiếp phục ngựa đáng được điều phục với lời nói mềm mỏng và thô ác.

– Này Kesi, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác, thời Ông làm gì với con ngựa ấy?

– Bạch Thế tôn, nếu con ngựa đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói thô ác, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và thô ác của con, thời bạch Thế tôn, con giết nó. Vì sao? Vì mong rằng nó không làm mất danh dự cho gia đình thầy của con! Nhưng bạch Thế tôn, Thế tôn là bậc Vô thượng, đánh xe điều ngự những ai đáng được điều ngự, như thế nào Thế tôn nhiếp phục những ai đáng được điều phục?

3 – Này Kesi, Ta nhiếp phục người đáng được nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, Ta nhiếp phục với lời nói cứng rắn, Ta nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng, vừa cứng rắn.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói mềm mỏng: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện, Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người.

Tại đây, này Kesi, đây là với lời nói cứng rắn: Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là loại ngạ quỷ.

Tại đây, này Kesi, đây là lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn: Ðây là thân làm thiện, đây là quả báo thân làm thiện. Ðây là thân làm ác, đây là quả báo thân làm ác. Ðây là lời nói thiện, đây là quả báo lời nói thiện. Ðây là lời nói ác, đây là quả báo lời nói ác. Ðây là ý nghĩ thiện, đây là quả báo ý nghĩ thiện. Ðây là ý nghĩ ác, đây là quả báo ý nghĩ ác. Ðây là chư Thiên. Ðây là loài Người. Ðây là địa ngục. Ðây là loài bàng sanh. Ðây là ngạ quỷ.

– Bạch Thế tôn, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Thế tôn, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, thời Thế tôn làm gì với người ấy?

– Này Kesi, nếu người đáng được điều phục không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng của Ta, không chịu nhiếp phục với lời nói cúng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói vừa mềm mỏng vừa cứng rắn, này Kesi, thời Ta giết hại người ấy!

4. – Nhưng bạch Thế tôn, sát sanh không xứng đáng với Thế tôn. Tuy vậy, Thế tôn nói: “Này Kesi, Ta giết hại người ấy”.

– Thấy vậy, này Kesi, sát sanh không xứng đáng với Như Lai. Nhưng người đáng được điều phục ấy không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng, không chịu nhiếp phục với lời nói cứng rắn, không chịu nhiếp phục với lời nói mềm mỏng và cứng rắn, Như Lai nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Và các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng người ấy không xứng đáng để được nói đến, để được giáo giới. Bị giết hại, này Kesi là con người này, trong giới luật của bậc Thánh, bị Như Lai nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới.

– Bạch Thế tôn, người ấy bị bậc Thiện Thệ giết hại là người nào bị Như Lai nghĩ rằng không xứng đáng được nói đến, không xứng đáng được giáo giới, bị các vị đồng Phạm hạnh có trí nghĩ rằng không đáng được nói đến, không đáng được giáo giới. Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế tôn! … bắt đầu từ nay, mong Thế tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

XIX. Phẩm Chiến Sĩ

(III) (183) Ðiều Ðược Nghe

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá) tại Veluvana (Trúc Lâm), chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, thấy như sau: “Khi người nào nói lên điều mình thấy: “Tôi thấy như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình nghe: “Tôi nghe như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình cảm giác: “Tôi cảm giác như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì. Khi người nào nói lên điều mình thức tri: “Tôi thức tri như vậy”. Do vậy, người ấy không có lỗi gì”.

2. – Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thấy cần phải nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thấy không nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được nghe nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được nghe không nên nói ra”. Này Bà-la-môn, Ta không nói rằng: “Tất cả điều được cảm giác nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được cảm giác không nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thức tri nên nói ra”. Ta không nói rằng: “Tất cả điều được thức tri không nên nói ra”.

3. Này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thấy như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói lên điều thấy gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thấy như vậy nên nói ra. Này Bà-la-môn, phàm nói ra điều nghe gì … phàm nói ra điều cảm giác gì … phàm nói ra điều thức tri gì … các pháp bất thiện tăng trưởng, các pháp thiện tổn giảm, Ta nói rằng điều thức tri như vậy không nên nói ra. Và này Bà-la-môn, phàm nói ra điều thức tri gì, các pháp bất thiện tổn giảm, các pháp thiện tăng trưởng, Ta nói rằng điều thức tri như vậy nên nói ra.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, vị đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.

(IV) (184) Không Sợ Hãi

1. Rồi Bà-la-môn Jànussoni đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm … Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Jànussoni bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, tôi nói như sau, tôi thấy như sau: “Không có một ai bản tánh bị chết mà không sợ hãi, không rơi vào run sợ, khi nghĩ đến chết”.

– Này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết. Nhưng này Bà-la-môn, có người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

2. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?

Ở đây, này Bà-la-môn, có người không ly tham đối với các dục, không ly ham muốn, không ly luyến ái, không ly khát ái, không ly nhiệt não, không ly tham ái. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự các dục khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

3. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ thân khả ái”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

4. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp”. Tại sanh thú nào mà những người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở kẻ sợ hãi, làm điều ác, làm điều hung bạo, làm điều phạm pháp, đi đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

5. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người nghi ngờ do dự, không đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta có nghi ngờ do dự, không đi đến kết luận đối với diệu pháp”. Người ấy sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đập ngực, rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là bốn hạng người bản tánh bị chết, sợ hãi, rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

6. Và này Bà-la-môn, thế nào là người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết?

Ở đây, này Bà-la-môn, có hạng người ly tham đối với các dục, ly ham muốn, ly luyến ái … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự các dục khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ các dục khả ái”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

7. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có người không ly tham đối với thân, ly ham muốn, ly luyến ái … Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự thân khả ái sẽ bỏ ta”, hay “Ta sẽ từ bỏ thân khả ái”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

8. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi. Tại sanh thú nào mà những người không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều phạm pháp, làm điều lành, làm điều thiện, có che chở kẻ sợ hãi đi đến sau khi chết, ta đi đến sanh thú ấy”. Người ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

9. Lại nữa, này Bà-la-môn, ở đây có hạng người không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp. Rồi một chứng bệnh trầm trọng khởi lên cho người ấy. Người ấy bị cảm thọ bởi chứng bệnh trầm trọng ấy, suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không có nghi ngờ, không có do dự, đi đến kết luận đối với diệu pháp”. Người ấy không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đập ngực, không rơi vào bất tỉnh. Này Bà-la-môn, đây là hạng người bản tánh bị chết, không sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết.

Này Bà-la-môn, có bốn hạng người bản tánh bị chết, không có sợ hãi, không rơi vào run sợ khi nghĩ đến chết

– Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama … Mong Tôn giả Gotama chấp nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

(VII) (187) Vassakàra

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương Xá), tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần nước Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi. Sau khi nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi thân hữu, Bà-la-môn Vassakàra, bậc đại thần nước Magadha bạch Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?

– Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

2.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc không phải chân nhân có thể biết bậc chân nhân là: “Vị này là bậc chân nhân”?

– Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.

3.- Thưa Tôn giả Gotama, bậc chân nhân có thể biết một bậc chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”?

– Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”.

4. – Nhưng thưa Tôn giả Gotama, có trường hợp một người chân nhân biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”?

– Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

5. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

6. Một thời, thưa Tôn giả Gotama, hội chúng của Bà-la-môn Todeyya đang nói lên những lời nhiếc mắng người khác như sau: “Ngu si là vua Eleyya, đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện. Lại nữa, những tập đoàn này của vua Eleyya là ngu si, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Những người này đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện”.

– Này Bà-la-môn, Ông có thấy như thế nào Bà-la-môn Todeyya dẫn dắt chúng bằng cách dắt dẫn này: “Các vị nghĩ thế nào, hiền trí là vua Eleyya? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng?”

– Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là vua Eleyya. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, vua Eleyya được xem là vị có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích; do vậy vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

– Các Tôn giả nghĩ thế nào “Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa không? Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, có phải tập đoàn của vua Eleyya là những bậc có minh kiến thù thắng?

– Thưa vâng, Tôn giả! Hiền trí là tập đoàn của vua Eleyya, như Yamaka, Moggalla, Ugga, Nàvindaki, Gandhabba, Aggivessa. Giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề cần được giải thích, tập đoàn của vua Eleyya được xem là những bậc có minh kiến thù thắng. Vì rằng Sa-môn Ràmaputta được xem còn hiền trí hơn sự hiền trí, còn có minh kiến thù thắng hơn sự minh kiến thù thắng của tập đoàn vua Eleyya, giữa những người có minh kiến giải quyết những vấn đề tranh chấp, giữa những người có minh kiến giải thích những vấn đề cần được giải thích; do vậy tập đoàn của vua Eleyya đã quá hoan hỷ với Sa-môn Ràmaputta, đã làm những cử chỉ hết sức hạ liệt như sau đối với Sa-môn Ràmaputta, tức là đảnh lễ, từ chỗ ngồi đứng dậy, chắp tay, đối xử thân thiện.

7. – Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama, thật hy hữu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật khéo là lời nói này của Tôn giả Gotama: “Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người không phải chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”. Không có trường hợp này, này Bà-la-môn, không có cơ hội để một người không phải bậc chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người chân nhân: “Vị này là bậc chân nhân”. Có trường hợp, này Bà-la-môn, có cơ hội để một người chân nhân có thể biết một người không phải là chân nhân: “Vị này không phải là bậc chân nhân”.

Thưa Tôn giả Gotama, nay chúng tôi phải đi, chúng tôi có nhiều công việc, có nhiều phận sự phải làm.

– Này Bà-la-môn, Ông hãy làm những gì mà Ông nghĩ là hợp thời.

Rồi Bà-la-môn Vassakàra, một đại thần xứ Magadha, hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn nói, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi.

(VIII) (188) Upaka

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Gijjhakùta. Rồi Upaka Mandikàputta đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Upaka Mandikàputta bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con nói như sau, con thấy như sau: “Ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội”.

– Này Upaka, ai bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, người ấy về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, người ấy đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội! Này Upaka, Ông bắt đầu mắng nhiếc người khác và tiếp tục như vậy, Ông về mọi phương diện không thể bênh vực lập trường của mình, do không thể bênh vực lập trường của mình, Ông đáng bị quở trách, đáng bị phạm tội!

2. – Ví như, bạch Thế Tôn, một người bắt con vật của mình săn với một bẫy sập lớn, khi con vật thò đầu ra. Cũng vậy, con bị Thế Tôn bắt với cái bẫy sập lớn bằng chữ khi con vừa mới mở miệng (khi con vừa mới thò đầu ra).

– Này Upaka, “Ðây là bất thiện”. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai. “Ðây là bất thiện!”, này Upaka, bất thiện này cần phải đoạn tận. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Như Lai. “Ðây, pháp bất thiện này cần phải đoạn tận”. “Ðây là thiện”, này Upaka. Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Thế Tôn: “Ðây là pháp thiện”. Thiện pháp này cần phải tu tập. Này Upaka, Ta nêu rõ như vậy với vô lượng câu, với vô lượng chữ, với vô lượng thuyết pháp của Thế Tôn: “Ðây, pháp thiện này cần phải tu tập”.

3. Rồi Upaka Mandikàputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về phía Ngài, rồi đi đến Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha. Sau khi đến, Upaka tường thuật lại cho Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha nghe tất cả cuộc đàm luận với Thế Tôn.

Ðược nghe nói như vậy, Ajàtasattu Vedehiputta, vua nước Magadha phẫn nộ, không hoan hỷ nói với Upaka Mandikàputta:

– Thật là độc hại, đứa trẻ làm muối này! Thật là lắm mồm, thật là kẻ liều mạng. Nghĩ rằng nó có thể nhiếc mắng Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác. Hãy đi đi, này Upaka! Chớ để Ta thấy Ông nữa!

XX. Ðại Phẩm

(III) (193) Bhaddiya

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli tại Mahàvana trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavii Bhaddiya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Licchavii Bhaddiya bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, con nghe như sau: “Là một nhà huyễn thuật, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo”. Bạch Thế Tôn, những ai nói như sau: “Sa-môn Gotama là một huyễn thuật sư, biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo”, những người ấy, bạch Thế Tôn, có phải nói đúng ý kiến của Thế Tôn, không có xuyên tạc Thế Tôn với điều không thật. Có phải họ trả lời về pháp hợp với chánh pháp? Và ai là vị đồng pháp, theo đồng môt quan điểm, không có lý do để chỉ trích? Bạch Thế Tôn, chúng con không muốn xuyên tạc Thế Tôn”.

2.- Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này là bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau”, thời này Bhaddiya, Ông hãy từ bỏ chúng!

3. Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya! Lòng tham khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.

– Người này có tham, này Bhaddiya, bị tham chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

4. – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, lòng sân … lòng si … lòng hung bạo khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

– Bất hạnh, bạch Thế Tôn.

– Người này có lòng hung bạo, này Bhaddiya, bị hung bạo chinh phục, tâm mất tự chủ, giết loài hữu tình, lấy của không cho, đi đến vợ người, nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy bất hạnh đau khổ lâu dài hay không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

5. – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?

– Là bất thiện, bạch Thế Tôn.

– Có tội hay không có tội?

– Có tội, bạch Thế Tôn.

– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?

– Bị người có trí quở trách, bạch Thế Tôn.

– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đưa đến bất hạnh đau khổ không, hay ở đây là thế nào?

– Ðược thực hiện, được chấp nhận, chúng đem lại bất hạnh đau khổ. Ở đây, đối với chúng con là như vậy.

6.- Như vậy, này Bhaddiya, điều ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt với những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là bất thiện; các pháp này là có tội; các pháp này là bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến bất hạnh và khổ đau”, thời này Bhaddiya, Ông hãy từ bỏ chúng!”. Như vậy, đã được nói lên, chính do duyên này được nói lên như vậy.

7. Này Bhaddiya, chớ có tin vì nghe truyền thuyết … chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào ông tự mình biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này không có tội; các pháp này là không bị người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận, đưa đến hạnh phúc an lạc”, thời này Bhaddiya, Ông hãy chứng đạt và an trú.

8. Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya! Không tham khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

– Người này không tham, này Bhaddiya, không bị tham chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

9. – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, không sân … không si … không hung bạo khi khởi lên trong một nội tâm người nào, khởi lên như vậy là đưa lại hạnh phúc hay bất hạnh?

– Hạnh phúc, bạch Thế Tôn.

– Người này không có lòng hung bạo, này Bhaddiya, không bị hung bạo chinh phục, tâm không mất tự chủ, không giết loài hữu tình, không lấy của không cho, không đi đến vợ người, không nói láo, khích lệ người khác cùng làm như vậy, như vậy có làm cho người ấy hạnh phúc an lạc lâu dài hay không?

– Thưa có, bạch Thế Tôn.

10. – Ông nghĩ như thế nào, này Bhaddiya, các pháp này là thiện hay bất thiện?

– Là thiện, bạch Thế Tôn.

– Có tội hay không có tội?

– Không có tội, bạch Thế Tôn.

– Bị người có trí quở trách hay không bị người có trí quở trách?

– Ðược người có trí tán thán, bạch Thế Tôn.

– Nếu được thực hiện, được chấp nhận, có đem lại hạnh phúc an lạc không, hay ở đây là thế nào?

– Ðược thực hiện, được chấp nhận, Bạch Thế Tôn. chúng đem lại hạnh phúc an lạc. Ở đây, đối với chúng con là như vậy.

11.- Như vậy, này Bhaddiya, điều ta vừa nói với các Ông: “Chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được kinh tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền; chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc Ðạo sư của mình. Nhưng này Bhaddiya, khi nào tự mình ông biết rõ như sau: “Các pháp này là thiện; các pháp này là không có tội; các pháp này được người có trí tán thán; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc và an lạc”, thời này Bhaddiya, Ông hãy chứng đạt và an trú”. Ðiều này đã được nói lên, chính do duyên này được nói lên như vậy.

12. Này Bhaddiya, tất cả những bậc Chân nhân tịch tịnh ở đời, khích lệ đệ tử như sau: “Hãy đến, này bạn! hãy nhiếp phục tham, hãy sống nhiếp phục tham! Do sống nhiếp phục tham, bạn sẽ không làm nghiệp do tham sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục sân! Hãy nhiếp phục sân! Do sống nhiếp phục sân, bạn sẽ không làm nghiệp do sân sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục si! Hãy nhiếp phục si! Do sống nhiếp phục si, bạn sẽ không làm nghiệp do si sanh, về thân, về lời, về ý! Hãy nhiếp phục hung bạo! Hãy nhiếp phục hung bạo! Do sống nhiếp phục hung bạo, bạn sẽ không làm nghiệp do hung bạo sanh, về thân, về lời, về ý!”.

13. Khi được nói như vậy, Bhaddiya người Licchavi bạch Thế Tôn:

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, … Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

– Này Bhaddiya, Ta có nói với Ông như sau: “Hãy đến, này Bhaddiya; hãy đến làm đệ tử của Ta, này Bhaddiya! Ta sẽ là Ðạo sư (của Ông)” không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

– Như vậy, này Bhaddiya, những Sa-môn, Bà-la-môn nói như sau, tuyên bố như sau, những vị ấy là không thiện, trống không, nói láo, xuyên tạc với điều không thật: “Là một huyễn thuật sư, Sa-môn Gotama biết được huyễn thuật lôi cuốn những đệ tử ngoại đạo!”.

– Bạch Thế Tôn, hiền thiện là huyễn thuật dụ dỗ này. Bạch Thế Tôn, hiền lành là huyễn thuật dụ dỗ này. Con mong rằng, bạch Thế Tôn, các bà con huyết thống thân ái của con được huyễn thuật dụ dỗ này dụ dỗ. Như vậy, những bà con huyết thống của con tất cả được hạnh phúc an lạc lâu dài! Bạch Thế Tôn, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các Sát-đế-lỵ được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài! Bạch Thế Tôn, nên tất cả người Bà-la-môn … tất cả người Phệ xá … tất cả Thủ đà được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, tất cả các Thủ đà ấy được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!

– Như vậy là phải, này Bhaddiya! Như vậy là phải, này Bhaddiya! Này Bhadiya, nếu tất cả những người Sát-đế-lỵ được cám dỗ (với sự dụ dỗ này) để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Sát-đế-lỵ được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài! Này Bhàddiya, nếu tất cả người Bà-la-môn … tất cả người Phệ xá … tất cả mọi người Thủ đà được cám dỗ (với sự dụ dỗ này) để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả các Thủ đà được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!

Này Bhaddiya, nếu thế giới cùng với chư Thiên, Màra, Phạm thiên, với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy chúng được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài!

Này Bhaddiya, nếu các cây sala to lớn này được huyễn thuật dụ dỗ này cám dỗ, để đoạn tận các pháp bất thiện, để đầy đủ các pháp thiện, như vậy tất cả cây sala to lớn này được hạnh phúc an lạc trong một thời gian dài nếu chúng có thể suy nghĩ được, còn nói gì với con người!

(IV) (194) Các Vị Sàpùga

1. Một thời, Tôn giả Ananda trú ở giữa các dân chúng Koliya tại một thị trấn các Koliya tên là Sàpùgà. Rồi rất nhiều Koliya tử ở Sàpùgà đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả Ananda nói với các Koliya tử ấy ở Sàpùgà:

– Này các Vyagghapajjà, có bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này được Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để đạt đến chánh lý, để chứng ngộ Niết-bàn. Thế nào là bốn?

Giới thanh tịnh tinh cần chi phần, tâm thanh tịnh tinh cần chi phần, kiến thanh tịnh tinh cần chi phần, giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.

2. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giới thanh tịnh tinh cần chi phần?

Ở đây, này Vyagghapajjà, Tỷ-kheo có giới …, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giới thanh tịnh; với lời nguyền: “Nếu giới thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giới thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giới thanh tịnh tinh cần chi phần.

Và này các Vyagghapajjà, thế nào là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần?

3. Ở đây, này các Vyagghapajjà, vị Tỷ-kheo ly các dục … chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là tâm thanh tịnh; với lời nguyện: “Nếu tâm thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu tâm thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là tâm thanh tịnh tinh cần chi phần.

4. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần?

Ở đây, này các Vyagghapajjà, Tỷ-kheo như thật quán tri: “Ðây là khổ”; như thật quán tri: “Ðây là khổ tập”; như thật quán tri: “Ðây là khổ diệt”; như thật quán tri: “Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là kiến thanh tịnh; với lời nguyện: “Nếu kiến thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu kiến thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là kiến thanh tịnh tinh cần chi phần.

5. Và này các Vyagghapajjà, thế nào là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần?

Vị Thánh đệ tử nào, này các Vyagghapajjà, thành tựu với giới thanh tịnh tinh cần chi phần này, thành tựu với tâm thanh tịnh tinh cần chi phần này, và thành tựu với kiến thanh tịnh tinh cần chi phần này, tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát. Vị ấy, sau khi tâm được ly tham đối với các pháp hấp dẫn, tâm được giải thoát đối với các pháp cần được giải thoát, cảm xúc chánh giải thoát. Này các Vyagghapajjà, đây gọi là giải thoát thanh tịnh; với lời nguyện: “Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy chưa đầy đủ, tôi sẽ làm cho đầy đủ. Nếu giải thoát thanh tịnh như vậy được đầy đủ, tôi sẽ học thêm chỗ này chỗ kia với trí tuệ”. Ở đây, ước muốn, tinh tấn, nỗ lực, phấn chấn, không có thối thất, chánh niệm tỉnh giác, này các Vyagghapajjà, đều được gọi là giải thoát thanh tịnh tinh cần chi phần.

Bốn thanh tịnh tinh cần chi phần này, này các Vyagghapajjà, đã được Thế Tôn, bậc đã biết đã thấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác chơn chánh nói lên để chúng sanh được thanh tịnh, để vượt qua sầu bi, để chấm dứt khổ ưu, để chứng đắc chánh lý, để chứng ngộ Niết-bàn!

(V) (195) Vappa

1. Một thời, Thế Tôn ở giữa dân chúng Sakka, tại Kapilavatthu khu vườn Nigrodha. Rồi thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha đi đến Tôn giả Mahàmoggalàna; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Mahàmoggalàna rồi ngồi xuống một bên, Tôn giả Mahàmoggallàna nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha đang ngồi một bên:

– Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi. Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?

– Thưa Tôn giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây thưa Tôn giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do một nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai.

Và câu chuyện này giữa Tôn giả Mahàmoggallàna và Thích tử Vappa, đệ tử của Niganthà bị bỏ dở.

2. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền Tịnh đứng dậy đi đến hội trường; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Ngồi xuống, Thế Tôn nói với Tôn giả Mahàmoggallàna:

– Này Mahàmoggallàna, câu chuyện gì được nói đến, khi các Ông ngồi tụ họp ở đây? Và câu chuyện giữa các Ông chưa được nói xong?

– Ở đây, bạch Thế Tôn, con nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha: “Ở đây, này Vappa, có thể có người với thân chế ngự, với lời chế ngự, với ý chế ngự, vô minh được viễn ly, minh được sanh khởi. Ông có thấy người ấy, do một nhân duyên nào, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai?” Bạch Thế Tôn, khi được nói như vậy, Thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha nói với con như sau: “Thưa Tôn giả, con có thể thấy trường hợp ấy. Ở đây thưa Tôn giả, do ác nghiệp tạo ra về trước chưa đưa đến quả dị thục, do nhân duyên ấy, các lậu hoặc khiến họ cảm thọ đau khổ có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai!”. Bạch Thế Tôn, ở đây là câu chuyện giữa Thích Tử Vappa, đệ tử của Nigantha và chúng con, câu chuyện bị bỏ dở khi Thế Tôn đến!

3. Rồi Thế Tôn nói với Thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha:

– Này Vappa, nếu Ông có thể chấp nhận điều Ông có thể chấp nhận, và có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp Ông không có thể biết được ý nghĩa lời nói của Ta, nếu Ông hỏi ta thêm về vấn đề ấy: “Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì?”, thời có thể có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.

– Bạch Thế Tôn, con có thể chấp nhận điều con có thể chấp nhận, và có thể bác bỏ điều đáng được bác bỏ, và trong trường hợp con không có thể biết được ý nghĩa lời nói của Thế Tôn, con sẽ hỏi Thế Tôn thêm về vấn đề ấy: “Bạch Thế Tôn, lời nói này, ý nghĩa là gì?”, mong rằng ở đây có cuộc nói chuyện giữa chúng ta.

4.- Ý Ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên thân khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được thân khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có nơi người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Này Vappa, Ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

5. – Ý Ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên lời khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được lời khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có nơi người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Này Vappa, Ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, … trong tương lai không?

— Thưa không, bạch Thế Tôn

6.- Ý Ông nghĩ thế nào, này Vappa? Nếu do nhân duyên ý khởi động, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não khởi lên; với người chế ngự được ý khởi động, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Này Vappa, Ông có thấy trường hợp ấy, do nhân duyên này, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

7.- Ý Ông nghĩ thế nào, này Vappa? Ðối với các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy do duyên vô minh khởi lên, vô minh được ly tham, minh được khởi lên, như vậy, các lậu hoặc tàn hại, nhiệt não ấy không có với người ấy nữa. Người ấy không làm nghiệp mới, còn hành động trước của người ấy, do cảm xúc thường xuyên được chấm dứt; con đường đưa đến sự héo mòn các phiền não là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Này Vappa, Ông có thấy do lý do nào, các lậu hoặc khiến cảm thọ khổ đau có thể khởi lên cho người ấy trong tương lai không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn!

8.- Như vậy, này Vappa, với vị Tỷ-kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng, khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc … khi ý thức tri pháp, không có ý đẹp, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy quán tri: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy quán tri: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng”. Vị ấy quán tri: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lạnh”.

9. Ví như, này Vappa, duyên một thân cây, bóng cây hiện ra. Rồi có người đến cầm các cuốc và cái giỏ, chặt thân cây ấy ở nơi rễ. Sau khi chặt ở nơi rễ, người ấy đào cái mương. Sau khi đào cái mương, người ấy nhổ lên các rễ lớn cho đến các rễ con và rễ phụ. Rồi người ấy chặt cây ấy thành từng khúc, sau khi chặt tùng khúc, người ấy bửa. Sau khi bửa, người ấy chẻ thành từng miếng nhỏ. Sau khi chẻ thành từng miếng nhỏ, người ấy phơi giữa gió và nắng, người ấy lấy lửa đốt. Sau khi lấy lửa đốt, người ấy vun thành đống tro. Sau khi người ấy vun thành đống tro, người ấy sàng tro giữa gió lớn, hay để tro ấy vào dòng nước mạnh cho nước cuốn đi. Như vậy, này Vappa, do duyên thân cây nên có bóng cây. Bóng cây ấy, rễ bị chấm dứt, làm thành như thân cây tala, làm cho không thể tái sanh trong tương lai, không thể sống lại được. Cũng vậy, này Vappa, vị Tỷ-kheo có tâm được chơn chánh giải thoát, sáu an trú thường hằng được chứng đắc. Vị ấy, khi mắt thấy sắc, không có ý đẹp, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi tai nghe tiếng.., khi mũi ngửi hương… khi lưỡi nếm vị… khi thân cảm xúc … khi ý thức tri pháp, không có ý đẹp, không có phật ý, trú xả, chánh niệm tỉnh giác. Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân”. Vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: “Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng”. Vị ấy biết: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả các cảm thọ không còn hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lạnh”.

10. Khi được nói như vậy, Thích tử Vappa, đệ tử của Nigantha bạch Thế Tôn:

– Ví như, bạch Thế Tôn, một người mong ước được tài sản, lo nuôi dưỡng tài sản của mình, nhưng không được tăng trưởng gì, trái lại chỉ được mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn. Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con cầu mong được lợi ích khi con hầu hạ kẻ ngu Nigantha này. Con đã không được lợi ích gì, trái lại con chỉ được mệt nhọc và dự phần vào phiền muộn. Bắt đầu từ hôm này, bạch Thế Tôn, với lòng tin gì con đã có với kẻ ngu Nigantha, con sẽ sàng lòng tin ấy giữa gió lớn, hay để lòng tin ấy vào dòng nước lạnh cho nước cuốn đi.

– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, … Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

(VI) (196) Sàlha

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli (Tỳ-xá-ly) tại Ðại Lâm, trong ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Licchavì Sàlha và Licchavì Abhaya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Licchavì Sàlha bạch Thế Tôn:

– Bạch Thế Tôn, có những Sa-môn, Bà-la-môn trình bày sự vượt qua dòng nước mạnh với hai pháp môn: nhân giới thanh tịnh và nhân khổ hạnh nhàm chán. Ở đây, bạch Thế Tôn, Thế Tôn có nói gì?

– Này Sàlha, Ta nói rằng giới thanh tịnh là một chi phần của Sa-môn hạnh. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, này Salha, sống chủ trương nhân khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt vào khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không thể nào vượt qua dòng nước mạnh. Các vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, này Sàlha, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sanh sống không thanh tịnh, những vị ấy không có thể đạt được tri kiến vô thượng Bồ-đề.

3. Ví như, này Sàlhà, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, nó thấy một cây sàla lớn, cao, thẳng, còn trẻ, không có lồi lõm. Nó chặt cây ấy tại gốc, sau khi chặt ở gốc, nó đốn ngọn. Sau khi đốn ngọn, nó tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru. Sau khi tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru, nó gọt đẽo với cái búa. Sau khi gọt đẽo với cái búa, nó gọt đẽo với con dao. Sau khi gọt đẽo với con dao, nó bào sạch với cái bào. Sau khi bào sạch với cái bào, nó bào sạch với hòn đá mài. Sau khi bào sạch với hòn đá mài, nó đem cây ấy xuống sông. Ý Ông nghĩ thế nào, này Sàlhà người ấy có thể vượt qua sông được không?

– Thưa không, bạch Thế Tôn.

4. Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì cây sàla ấy, tuy bề ngoài rất khéo làm, nhưng bề trong không được làm sạch. Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: “Cây sàla ấy chìm xuống và người ấy rơi vào ách nạn”.

– Cũng vậy, này Sàlhà, những Sa-môn, Bà-la-môn nào chủ trương sống khổ hạnh nhàm chán, xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy không có thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sàlhà, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, thân hành không thanh tịnh, lời nói không thanh tịnh, ý hành không thanh tịnh, sinh sống không thanh tịnh, chúng không có thể chứng được tri kiến vô thượng Bồ-đề. Này Sàlhà, những Sa-môn, Bà-la-môn nào sống không chủ trương khổ hạnh nhàm chán, không xem khổ hạnh nhàm chán là lõi cây, không chấp chặt lấy khổ hạnh nhàm chán, những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sàlhà, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Bồ-đề.

5. Ví như, này Sàlhà, một người muốn vượt qua sông, cầm một cây búa sắc bén đi vào rừng. Tại đấy, người ấy thấy một cây sàla lớn, cao, thẳng, còn trẻ, không có lồi lõm. Nó chặt cây ấy tại gốc, sau khi chặt ở gốc, người ấy đốn ngọn. Sau khi đốn ngọn, người ấy tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru. Sau khi tỉa cành lá và làm cho thân cây trơn tru, người ấy gọt đẽo với cái búa. Sau khi gọt đẽo với cái búa, người ấy gọt đẽo với con dao. Sau khi gọt đẽo với con dao, người ấy lấy cái đục, khéo đục sạch nội phần. Sau khi khéo đục sạch nội phần, người ấy bào sạch với cái bào. Sau khi bào sạch với cái bào, người ấy bào sạch với hòn đá mài. Sau khi bào sạch với hòn đá mài, người ấy làm thành chiếc thuyền, cột với cái chèo và bánh lái, rồi cuối cùng người ấy thả xuống sông. Ý Ông nghĩ thế nào, này Sàlhà người ấy có thể vượt qua sông được không?

– Thưa được, bạch Thế Tôn.

6. Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì cây sàla ấy, bề ngoài rất khéo làm, bề trong được làm sạch, được cột với cái chèo và bánh lái. Do vậy, sự việc chờ đợi rằng: “Chiếc thuyền ấy không chìm, và người ấy sẽ đến bờ bên kia an toàn”.

– Cũng vậy, này Sàlhà, những Sa-môn, Bà-la-môn nào không chủ trương khổ hạnh nhàm chán, … những vị ấy có thể vượt qua dòng nước mạnh. Này Sàlhà, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào, thân hành thanh tịnh, lời nói thanh tịnh, ý hành thanh tịnh, sinh sống thanh tịnh, những vị ấy có thể chứng được tri kiến vô thượng Bồ-đề”.

7. Ví như, này Sàlhà, một chiến sĩ dầu nó biết được nhiều cung thuật, nhưng về ba phương diện nó xứng đáng là của vua, thuộc sở hữu của vua, đi đến làm biểu tượng của vua. Thế nào là ba?

Bắn xa, bắn nhanh như chớp nhoáng, và bắn thủng được vât lớn.

8. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ bắn xa, cũng vậy, này Sàlhà, là Thánh đệ tử có chánh định; phàm có sắc gì quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”. Phàm có thọ gì … phàm có tưởng gì … phàm có hành gì … phàm có thức gì, quá khứ, vị lai, hiện tại, hoặc nội hay ngoại, hoặc thô hay tế, hoặc liệt hay thắng, hoặc xa hay gần, cần phải như thật thấy với trí tuệ rằng: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải là tự ngã của tôi”.

9. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ bắn như chớp nhoáng; cũng vậy, này Sàlhà là vị Thánh đệ tử có chánh tri kiến. Vị Thánh đệ tử này Sàlhà, có chánh tri kiến như thật quán tri: “Ðây là khổ … Ðây là khổ tập…, Ðây là khổ diệt…., Ðây là con đường đưa đến khổ diệt”.

10. Ví như, này Sàlhà, người chiến sĩ đâm thủng được thân hình lớn. Cũng vậy, này Sàlhà là vị Thánh đệ tử có chánh giải thoát. Vị Thánh đệ tử này Sàlhà, có chánh giải thoát đâm thủng được vô minh uẩn to lớn.

(VII) (197) Mallika

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), khu vườn ông Anàthapinkida. Rồi hoàng hậu Mallikà đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, hoàng hậu Mallikà bạch Thế Tôn:

– Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?

Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?

Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, tuy vậy nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít?

Do nhân gì, bạch Thế Tôn, do duyên gì, bạch Thế Tôn, ở đây một số nữ nhân, dung sắc đẹp, được ưa nhìn, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn?

2.- Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị ít nói, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tại đấy, tái sanh hạ liệt, dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít.

3. Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị ít nói, liền nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Người này bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tại đấy, tái sanh , dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt, nhưng giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn.

4. Ở đây, này Mallikà, có nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn. Người này không bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, thì ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, nhưng nghèo khổ, tài sản ít, sở hữu ít, ảnh hưởng uy tín ít.

5. Ở đây, này Mallikà, có hạng nữ nhân không phẫn nộ, não hại không nhiều, tuy bị nói nhiều, không có nổi nóng, không có nổi giận, không nổi sân, không sừng sộ, không gây hấn, không biểu lộ phẫn nộ, không sân hận, không bất mãn. Người này bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Người ấy, sau khi từ bỏ đời này, trở lui lại trạng thái này, tại đấy, tái sanh dung sắc đẹp, sắc đẹp tốt, tịnh tín, thành tựu với dung sắc thù thắng, giàu sang, tài sản lớn, sở hữu lớn, uy tín ảnh hưởng lớn.

6. Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu … ảnh hưởng uy tín ít.

Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc xấu … ảnh hưởng uy tín lớn.

Này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp … ảnh hưởng uy tín ít.

Ở đây, này Mallikà, đây là nhân, đây là duyên, ở đây có hạng nữ nhân dung sắc đẹp … ảnh hưởng uy tín lớn.

7. Khi được nói như vậy, hoàng hậu Mallikà bạch Thế Tôn:

– Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con phẫn nộ, não hại nhiều, tuy bị nói ít, nhưng nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn, biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Và bạch Thế Tôn, nay con dung sắc xấu, sắc đẹp xấu, hình dáng hạ liệt. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, con có bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc. Và bạch Thế Tôn, nay con được giàu sang, có tài sản lớn, có sở hữu lớn. Giả sử như con, bạch Thế Tôn, trong một đời sống khác, tánh tình không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ. Và bạch Thế Tôn, nay con được có ảnh hưởng uy tín lớn.

Bạch Thế Tôn, trong nội cung này, có những thiếu nữ hoàng tộc, có những thiếu nữ Bà-la-môn, có những thiếu nữ gia chủ, con có chủ quyền thủ lãnh. Và bạch Thế Tôn, bắt đầu từ nay, con sẽ không phẫn nộ, không có nhiều não hại, dầu cho bị nói nhiều, con sẽ không nổi nóng, nổi giận, nổi sân, sừng sộ, gây hấn. Con sẽ không biểu lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Con sẽ bố thí cho Sa-môn, Bà-la-môn món ăn vật uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, phấn sáp, giường nằm, trú xứ, đèn đuốc; con sẽ không keo kiệt; thấy người khác được lợi dưỡng, cung kính, tôn trọng, tôn kính, đảnh lễ, cúng dường, con sẽ không ganh tỵ, tức tối, trói buộc bởi ganh tỵ.

Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn … mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử nữ cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!

XXIV. Phẩm Nghiệp

(III) (233) Sonakàyana

1. Rồi Bà-la-môn Sikha Moggallàna đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sikha Moggallàna thưa với Thế Tôn:

– Thưa Tôn giả Gotama, những ngày trước đây, trước đây nữa, thanh niên Sonakàyana có đến con, và sau khi đến nói với con như sau: “Sa-môn Gotama chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả. Chủ trương tất cả nghiệp đều không có kết quả, vị ấy nói đến sự đoạn diệt của thế giới, nhưng thế giới này thiệt là có do nghiệp tác thành thế giới và được tồn tại do tác động của nghiệp”.

– Này Bà-la-môn, Ta chưa từng thấy thanh niên Sonakàyana. Từ đâu lại có câu chuyện như vậy?

2. Này Bà-la-môn, có bốn nghiệp này đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và tuyên bố. Thế nào là bốn?

… (Hoàn toàn giống như kinh 232)
Dưới đây là bản kinh (II) (232) Với Chi Tiết

1. Có bốn nghiệp này, này các Tỷ-kheo, đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng. Thế nào là bốn?

Này các Tỷ-kheo, có nghiệp đen quả đen; này các , có nghiệp trắng quả trắng; có nghiệp đen trắng, quả đen trắng, có nghiệp không đen không trắng, quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen quả đen?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hành có tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại, làm ý hành có tổn hại. Người ấy, do làm thân hành có tổn hại, do làm khẩu hành có tổn hại, do làm ý hành có tổn hại, sanh ra ở thế giới có tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới có tổn hại, các cảm xúc có tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ có tổn hại, thuần nhất khổ, như những chúng sanh trong địa ngục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen quả đen.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp trắng quả trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hành không có tổn hại, làm khẩu hành không có tổn hại, làm ý hành không có tổn hại. Người ấy, do làm thân hành không có tổn hại, do làm khẩu hành không có tổn hại, do làm ý hành không có tổn hại, sanh ra ở thế giới không có tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới không có tổn hại, các cảm xúc không có tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúc không có tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ không có tổn hại, thuần nhất lạc, như chư Thiên ở Biến Tịnh Thiên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp trắng quả trắng.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp đen trắng quả đen trắng?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, làm ý hành có tổn hại và không tổn hại. Người ấy, do làm thân hành có tổn hại và không tổn hại, do làm khẩu hành có tổn hại và không tổn hại, do làm ý hành có tổn hại và không tổn hại, sanh ra ở thế giới có tổn hại và không tổn hại. Do người ấy sanh ra ở thế giới có tổn hại và không tổn hại, các cảm xúc có tổn hại và không tổn hại được cảm xúc. Người ấy được cảm xúc với những cảm xúc có tổn hại và không tổn hại, nên cảm thọ những cảm thọ có tổn hại và không tổn hại, xen lẫn, pha trộn lạc và khổ. Ví như một số người và chư Thiên, một số chúng sanh ở các đọa xứ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nghiệp đen trắng quả đen trắng.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt?

Tại đấy, này các Tỷ-kheo, phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen quả đen này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp trắng quả trắng này; phàm có tư tâm sở nào để đoạn tận nghiệp đen trắng quả đen trắng này; này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nghiệp không đen không trắng quả không đen không trắng, nghiệp đưa đến đoạn diệt. Này các Tỷ-kheo, có bốn nghiệp này đã được Ta chứng ngộ với thắng trí và thuyết giảng.

Add Comment