Mục lục
Đại Tạng Kinh Việt Nam
Tăng Chi Bộ Kinh | Aṅguttara Nikāya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch tiếng Việt
—o0o—
Chương Hai Pháp
Những bài kinh Đức Phật thuyết cho người tại gia
II. Phẩm Tiếng Rống Con Sư Tử
(X) (20) Velàma
1. Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:
– Này Gia chủ, Ông có bố thí trong gia đình của Ông không?
– Bạch Thế Tôn, trong gia đình của con có bố thí, nhưng chỉ có món ăn thô tệ làm bằng hột gạo bể, và cháo chua.
2. – Này Gia chủ, dầu bố thí các món thô hay tế, nếu bố thí không cẩn thận, bố thí không có chú tâm, bố thí không tự tay mình, bố thí những vật quăng đi, bố thí không có nghĩ đến tương lai; chỗ nào, chỗ nào, sự bố thí ấy sanh quả dị thục, thời tâm không thiên về thưởng thức các món ăn thù diệu, tâm không thiên về thưởng thức y áo thù diệu, tâm không thiên về thưởng thức các cỗ xe thù diệu, tâm không thiên về thưởng thức năm dục công đức thù diệu. Và các người con, hay vợ, hay những người phục vụ, hay những người đưa tin, hay những người làm công, họ không có khéo nghe, họ không có lóng tai, họ không có an trú tâm hiểu biết. Vì sao? Này Gia chủ, như vậy là quả dị thục của các nghiệp làm không có cẩn thận.
3. Này Gia chủ, dầu có bố thí các món thô hay tế, nếu bố thí có cẩn thận, bố thí có chú tâm, bố thí tự tay mình, bố thí những vật không quăng bỏ đi, bố thí có nghĩ đến tương lai; chỗ nào, chỗ nào, sự bố thí ấy sanh quả dị thục, thời tâm thiên về thưởng thức các món ăn thù diệu, tâm thiên về thưởng thức y áo thù diệu, tâm thiên về thưởng thức các cỗ xe thù diệu, tâm thiên về thưởng thức năm dục công đức thù diệu. Và các người con, hay vợ, hay những người phục vụ, hay những người đưa tin, hay những người làm công, họ có khéo nghe, họ có lóng tai, họ có an trú tâm hiểu biết. Vì sao? Này Gia chủ, như vậy là quả dị thục của việc làm có cẩn thận.
4. Thuở xưa, này Gia chủ, có một vị Bà-la-môn tên là Velàma. Vị ấy bố thí rộng lớn như sau: Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng vàng đựng đầy bạc. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng bạc đựng đầy vàng. Vị ấy bố thí 84.000 bát bằng đồng đựng đầy châu báu. Vị ấy bố thí 84.000 con voi với đồ trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng vàng, bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng và 84.000 cỗ xe, được trải với da sư tử, được trải với da cọp, được trải với da báo, được trải với mềm màu vàng, với những trang sức bằng vàng, với các ngọn cờ bằng vàng, bao trùm với những lưới bằng chỉ vàng. Vị ấy bố thí 84.000 con bò sữa, cột bằng những sợi dây gai mịn với những thùng sữa bằng bạc. Vị ấy bố thí 84.000 thiếu nữ, trang sức với những bông tai bằng châu báu. Vị ấy bố thí 84.000 giường nằm trải nệm bằng len thêu bông, nệm bằng da con sơn dương gọi là kadali, tấm khảm với lầu che phía trên, có đầu gối chân màu đỏ hai phía. Vị ấy bố thí 84.000 thước vải, bằng vài gai mịn màng nhất, bằng vải lụa mịn màng nhất, bằng vải len mịn màng nhất, bằng vải bông mịn màng nhất. Và ai có thể nói về các đồ ăn, đồ uống, loại cứng, loại mềm, các loại đồ ăn nếm và các loại nước đường. “Chúng tôi nghĩ chúng chảy như dòng sông”.
5. Có thể, này Gia chủ, Ông nghĩ: “Có thể Bà-la-môn Velàma là một người nào khác, vị đã bố thí một cách rộng lớn như vậy”. Này Gia chủ, chớ có nghĩ như vậy. Chính lúc ấy, Ta là Bà-la-môn Velàma, chính Ta đã bố thí rộng lớn ấy. Nhưng này Gia chủ, khi bố thí ấy được cho, không có một ai xứng đáng để nhận bố thí. Không có một ai làm cho thanh tịnh bố thí ấy. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, nếu có ai bố thí cho một người chánh kiến, bố thí này lớn hơn quả lớn kia. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn và có ai bố thí cho 100 người chánh kiến, và có ai bố thí cho một vị Nhất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 người Nhất lai, và có ai bố thí cho một vị Bất lai, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho 100 vị Bất lai, và có ai bố thí cho một vị A-la-hán, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn hơn, và có ai bố thí cho một vị A-la-hán, và có ai bố thí cho một vị Ðộc Giác Phật, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn và có người bố thí cho 100 vị Ðộc Giác Phật, có ai bố thí cho Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, và có ai bố thí cho chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị thượng thủ, và có ai xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương… và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu… Và có ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp… từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát, cho đến trong khi khoảnh khắc vắt sữa bò, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia. Này Gia chủ, dầu cho Bà-la-môn Velàma bố thí có rộng lớn, có ai bố thí một vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí cho 100 vị đầy đủ chánh kiến.. và có ai bố thí một vị Bất lai… và có ai bố thí trăm vị Bất lai, và có ai bố thí một vị A-la-hán… và có ai bố thí trăm vị A-la-hán… và có ai bố thí một vị Ðộc giác Phật, và có ai bố thí trăm vị Ðộc giác Phật, và có ai bố thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác… và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương… và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng… và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh… từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
III. Phẩm Chỗ Cư Trú Của Hữu Tình
(VII) (27) Sợ Hãi Hận Thù (1)
1. Rồi gia chủ Anàthapindika đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với gia chủ Anàthapindika đang ngồi xuống một bên:
2. – Này Gia chủ, khi nào năm sợ hãi hận thù của vị Thánh đệ tử được chỉ tức, thời vị ấy thành tựu được bốn Dự lưu phần. Nếu vị ấy muốn, có thể tuyên bố về ngã đối với tự ngã: “Ðịa ngục đối với ta được đoạn tận, loài bàng sanh đối với ta được đoạn tận, cõi ngạ quỷ đối với ta được đoạn tận, cõi dữ, ác thú, đọa xứ đối với ta được đoạn tận. Ta là vị Dự lưu, không còn thối đọa, chắc chắn đạt đến Chánh giác”.
3. Thế nào là năm sợ hãi hận thù được chỉ tức?
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sát sanh, vì duyên sát sanh, đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ. Từ bỏ sát sanh, sợ hãi hận thù không đưa đến trong hiện tại, sợ hãi hận thù không đưa đến trong tương lai, kể cả không có tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ… Ðối với vị từ bỏ sát sanh, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do lấy của không cho, vì duyên lấy của không cho đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ… Ðối với vị từ bỏ lấy của không cho, như vậy sự sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do sống tà hạnh trong các dục, vì duyên sống tà hạnh trong các dục đưa đến trong hiện tại; sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ… Ðối với vị từ bỏ sống tà hạnh trong các dục, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do nói láo, vì duyên nói láo đưa đến trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ… Ðối với vị từ bỏ nói láo, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Này Gia chủ, sợ hãi hận thù do đắm say rượu men, rượu nấu, vì duyên đắm say rượu men, rượu nấu đưa đến trong hiện tại; sự sợ hãi hận thù đưa đến trong tương lai, kể cả tâm khổ, tâm ưu người ấy cảm thọ… Ðối với vị từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, như vậy sợ hãi hận thù được nhiếp phục.
Năm sự sợ hãi hận thù này được nhiếp phục.
4. Thế nào là bốn Dự lưu phần được đầy đủ?
Ở đây, này Gia chủ, vị Thánh đệ tử, đầy đủ lòng tin tuyệt đối với đức Phật: “Ðây là Thế Tôn, bậc Ứng Cúng, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”.
Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối với Pháp: “Ðây là Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, do người trí tự mình giác hiểu”.
Vị ấy đầy đủ lòng tin tuyệt đối đối với chúng Tăng: “Chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Thiện hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Trực hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Chánh hạnh; chúng Tăng đệ tử Thế Tôn là bậc Như pháp hạnh, tức là bốn đôi tám chúng. Chúng Tăng đệ tử này của Thế Tôn, đáng được cung kính, đang được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là vô thượng phước điền ở trên đời.
Vị ấy đầy đủ các giới đức được bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến giải thoát, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến Thiền định. Bốn Dự lưu phần này được thành tựu.
IV. Ðại Phẩm
(VII) (38) Các Bà-La-Môn
1. Rồi hai vị Thuận thế Bà-la-môn đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn ấy thưa với Thế Tôn:
2. – Thưa Tôn giả Gotama, Pùrana Kassapa, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí vô biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, Nigantha Nàtaputta, bậc toàn tri, toàn kiến, tự nhận mình là có tri kiến toàn bộ không dư, nói rằng: “Khi ta đi, ta đứng , ta ngủ, ta thức, tri kiến được an trú liên tục thường hằng”. Vị ấy nói như sau: “Với trí hữu biên, ta sống, biết và thấy thế giới hữu biên”. Thưa Tôn giả Gotama, giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?
3. – Thôi vừa rồi, này các Bà-la-môn, hãy dừng lại ở đây: “Giữa hai bậc tuyên bố về trí này, giữa hai lời tuyên bố mâu thuẫn này, ai nói đúng sự thật, ai nói láo?”
Này các Bà-la-môn, Ta sẽ thuyết pháp cho các Ông, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
4. – Này các Bà-la-môn, ví như bốn người đàn ông đứng bốn phương, đầy đủ với bước đi, với tốc lực tối thắng, với bước chân dài tối thắng. Họ đầy đủ tốc lực như sau: Ví như một người cầm cung, điêu luyện khéo được huấn luyện với bàn tay thiện xảo, bách phát bách trúng, có thể bắn một cách nhẹ nhàng một mũi tên ngang qua bóng của cây tàla. Như vậy là tốc lực của họ. Còn bước chân dài của họ, thời như sau: từ biển phía Ðông đến biển phía Tây. Rồi người đứng ở phương Ðông nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ của người này là một trăm năm, và người ấy sống một trăm năm, và bước đi trong một trăm năm – trừ khi người ấy ăn, người ấy uống, người ấy nhai, người ấy nếm, trừ khi người ấy đi đại tiện tiểu tiện, trừ khi người ấy ngủ để lấy lại sức, người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Rồi người đứng ở phương Tây… rồi người đứng ở phương Bắc… rồi người đứng ở phương Nam nói như sau: “Ta sẽ đi và đạt đến tận cùng của thế giới”. Dầu cho tuổi thọ… người ấy sẽ chết trước khi người ấy đạt đến tận cùng của thế giới”. Vì cớ sao? Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng, không phải với sức chạy như vậy, có thể biết được, có thể thấy được, có thể đạt được tận cùng thế giới. Này các Bà-la-môn, Ta nói rằng nếu không đạt được tận cùng thế giới, thời không thể chấm dứt đau khổ ở đời.
5. Này các Bà-la-môn, năm dục trưởng dưởng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh. Thế nào là năm?
6. Các sắc do con mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… các hương do mũi nhận thức… các vị do lưỡi nhận thức… các xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn.
Này Bà-la-môn, năm dục trưởng dưỡng này được gọi là thế giới trong Luật của bậc Thánh.
7. Ở đây, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo ly các dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo này được gọi là vị đã đến tận cùng thế giới, và sống trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa thoát ly khỏi thế gian”.
8. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo diệt các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai… Thiền thứ ba… Thiền thứ tư. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác nói về vị ấy như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
9. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
10. Lại nữa, này các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua khỏi Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ… Sau khi vượt khỏi Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ… Sau khi vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Nhưng các người khác, nói về vị ấy như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”. Này các Bà-la-môn, Ta cũng nói như sau: “Vị này vẫn còn bị hạn chế trong thế giới, vị này chưa xuất ly khỏi thế gian”.
11. Lại các Bà-la-môn, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, thời sau khi thấy với trí tuệ, các lậu hoặc được đoạn tận. Này các Bà-la-môn, đây gọi là Tỷ-kheo sau khi đến tận cùng thế giới, trú trong tận cùng thế giới. Vị này đã vượt khỏi sự triền phược của thế giới.
(X) (41) Tapussa
1. Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Malla, tại một thị trấn của dân chúng Malla tên là Uruvelakappa. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Uruvelakappa để khất thực. Khất thực ở Uruvelakappa xong, sau bữa ăn, trên con đường khất thực trở về, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda, nói rằng:
– Này Ananda, Thầy hãy ở đây, chờ cho Ta vào trong rừng Ðại Lâm để nghỉ ban ngày.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn đi vào rừng Ðại Lâm ngồi nghỉ ban ngày tại một gốc cây.
2. Rồi gia chủ Tapussa đi đến Tôn giả Ananda, sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Ananda và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, gia chủ Tapussa thưa với Tôn giả Ananda:
– Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ, thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các vị Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này.
– Này Gia chủ, đây là một vấn đề để nói chuyện. Này Gia chủ, chúng ta hãy đi đến yết kiến Thế Tôn, chúng ta hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, hãy hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì.
– Thưa vâng, Tôn giả.
Gia chủ Tapussa vâng đáp Thế Tôn Ananda.
3. Rồi Tôn giả Ananda cùng với gia chủ Tapussa đi đến Thế Tôn, sau khi đến… bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, gia chủ Tapussa này nói như sau: “Thưa Tôn giả Ananda, chúng tôi là người gia chủ thụ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục. Ðối với chúng tôi, thưa Tôn giả, là những gia chủ, thọ hưởng các dục, vui thích các dục, ưa thích các dục, hoan hỷ các dục, thật giống như một cái vực thẳm cho chúng tôi là sự xuất ly này. Tuy vậy, thưa Tôn giả, chúng tôi được nghe rằng trong Pháp và Luật này, tâm của các Tỷ-kheo trẻ tuổi hứng khởi trong sự xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì được thấy rằng đây là an tịnh. Chính ở nơi đây, thưa Tôn giả, là sự sai khác trong Pháp và Luật này giữa các Tỷ-kheo và phần đông quần chúng, tức là sự xuất ly này”.
4. – Như vậy là phải, này Ananda! Như vậy là phải, này Ananda! Này Ananda, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng được Chánh Ðẳng Giác, còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Lành thay, sự xuất ly! Lành thay, sống viễn ly”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi trong sự xuất ly ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các dục, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích của xuất ly chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi trong xuất ly ấy, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy sự nguy hiểm trong các dục, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong sự xuất ly, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong xuất ly, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta ly dục… chứng đạt và an trú sơ Thiền. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên, như là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
5. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy chỉ tức các tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì, do duyên gì, Tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong các tầm, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có tầm chưa được chứng đắc, Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy”. Do vậy, tâm Ta không hứng khởi đối với không có tầm, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các tầm. Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích không có tầm, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có tầm, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian Ta diệt tầm và tứ… chứng đạt và an trú Thiền thứ hai. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Cũng vậy, các tưởng tác ý câu hữu với tầm vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
6. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Nhưng này Ananda , tâm của Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong hỷ, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy, lợi ích không có hỷ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không có hỷ ấy, không tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong hỷ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không có hỷ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta ly hỷ… chứng đạt và an trú Thiền thứ ba. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
7. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy ta hãy đoạn lạc, đoạn khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư”. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy nguy hiểm trong xả lạc, vì Ta không làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy. Lợi ích không khổ, không lạc chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với không khổ, không lạc ấy, không tịnh tín, không có an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong không khổ, không lạc, Ta thưởng thức sự lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong xả lạc, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong không có hỷ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong không khổ, không lạc, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”? Này Ananda, sau một thời gian, Ta xả lạc, xả khổ… chứng đạt và an trú Thiền thứ tư. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với xả lạc vẫn hiện hành. Như vậy, đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với hỷ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
8. Rồi này Aụnanda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý đến các tưởng sai biệt, chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong các sắc, Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Không vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Không vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong các sắc, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Không vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Không vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua các sắc tưởng… chứng đạt và an trú Không vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các sắc vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với sắc vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
9. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Không vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Thức vô biên xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Thức vô biên xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Không vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Thức vô biên xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Thức vô biên xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Không vô biên xứ… chứng đạt và an trú Thức vô biên xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành. Ðây đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Không vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
10. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có vật gì”, chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau : “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ , không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Vô sở hữu xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Vô sở hữu xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Thức vô biên xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Vô sở hữu xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Vô sở hữu xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Thức vô biên xứ… chứng đạt và an trú Vô sở hữu xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với các Thức vô biên xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Thức vô biên xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
11. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Phi tưởng phi phi tưởng xứ chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Vô sở hữu xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn… chứng đạt và an trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Do Ta trú với sự an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành, như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh. Ví như, này Ananda, đối với người sung sướng, đau khổ có thể khởi lên như là một chứng bệnh. Cũng vậy các tưởng, tác ý câu hữu với Vô sở hữu xứ vẫn hiện hành ở nơi Ta. Như vậy đối với Ta, đây là một chứng bệnh.
12. Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vậy Ta hãy vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định. Nhưng tâm của Ta không có hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau như sau: “Do nhân gì do duyên gì, tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không có tịnh tín, không có an trú, không có giải thoát, dầu Ta có thấy: “Ðây là an tịnh?” Rồi này Ananda, Ta suy nghĩ như sau: “Vì Ta không thấy sự nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vì Ta không làm cho sung mãn nguy hiểm ấy, lợi ích của Diệt thọ tưởng định chưa được chứng đắc. Ta chưa được thưởng thức lợi ích ấy. Do vậy tâm Ta không hứng khởi đối với Diệt thọ tưởng định, không tịnh tín, không an trú, không giải thoát”. Này Ananda, về vấn đề ấy, Ta suy nghĩ như sau: “Nếu sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn nguy hiểm ấy. Sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy”, thời sự kiện này xảy ra: Tâm của Ta có thể hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta có thấy: “Ðây là an tịnh”.
Rồi này Ananda, sau một thời gian, sau khi thấy nguy hiểm trong Phi tưởng phi phi tưởng xứ, Ta làm cho sung mãn sự nguy hiểm ấy; sau khi chứng được lợi ích trong Diệt thọ tưởng định, Ta thưởng thức lợi ích ấy. Và này Ananda, tâm Ta hứng khởi trong Diệt thọ tưởng định, tịnh tín, an trú, giải thoát, vì Ta thấy: “Ðây là an tịnh”. Này Ananda, sau một thời gian, Ta vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ… chứng đạt và an trú Diệt thọ tưởng định, ta thấy với trí tuệ và các lậu hoặc đi đến đoạn diệt.
13. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này chưa được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Ta chưa xác chứng rằng ta đã chứng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Cho đến khi nào, này Ananda, chín thứ đệ trú Thiền chứng này đã được Ta thuận thứ nghịch thứ chứng đạt và xuất khởi, thời này Ananda, trong thế giới này, với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, cho đến khi ấy, Ta mới xác chứng rằng Ta đã chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Tri và Kiến khởi lên nơi Ta. Ta biết rằng: “Bất động là tâm giải thoát của Ta. Ðây là đời sống cuối cùng, nay không còn tái sanh nữa”.