Primary Menu

MN058. Kinh Vương tử Vô Úy | Abhayaràjakumàra sutta – kinh văn và nội dung tổng quát

Đại tạng kinh Việt Nam
Trung Bộ Kinh – Majjhima Nikàya
Dịch tiếng Việt kinh văn: Hòa thượng Thích Minh Châu
Khái quát nội dung: Thích Nhật Từ

—o0o—

KINH VƯƠNG TỬ VÔ ÚY | ABHAYARÀJAKUMÀRA SUTTA

Khái quát nội dung

Kinh Vương tử Vô-úy (P. Abhayarājakumārasuttaṁ, C. 無畏王子經) không có Kinh tương đương.

Đại diện đạo Lõa thể, vương tử Vô Úy cài đức Phật phải trả lời có/ không hầu bắt bí ngài, đức Phật dạy kỹ năng tháo mở móc câu trong cổ. Đức Phật khẳng định rằng ngài thuyết pháp, truyền thông và đối đáp đều mang tính chân lý, hướng đến mục đích cao quý, bất luận người nghe có thích hay không thích.

Chi tiết kinh văn

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Rajagaha (Vương Xá), Veluvana (Trúc Lâm), Kalandakanivapa (chỗ nuôi các con sóc).

Rồi Vương tử Abhaya (Vô Úy) đi đến Nigantha Nataputta, sau khi đến đảnh lễ Nigantha Nataputta rồi ngồi xuống một bên. Nigantha Nataputta nói với Vương tử Abhaya đang ngồi một bên:

— Này Vương tử, Vương tử hãy đi đến luận chiến với Sa-môn Gotama, và nhờ vậy tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi cho Vương tử: “Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị Vương tử Abhaya luận chiến”.

— Thưa Tôn giả, làm thế nào con có thể luận chiến Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy?

— Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích chăng?” Nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy thời có gì sai khác giữa kẻ phàm phu và Ngài? Kẻ phàm phu có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”. Còn nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai không có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời vì sao Devadatta được Ngài trả lời như sau: ‘Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục, Devadatta phải đọa trong một kiếp, Devadatta không thể nào cứu chữa được?’ Và do Ngài nói những lời như vậy, Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ”. Này Vương tử, Sa-môn Gotama khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào. Ví như một móc sắt bị móc vào cổ họng một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào.

— Thưa vâng, Tôn giả.

Vương tử Abhaya vâng đáp Nigantha Nataputta, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Nigantha Nataputta, thân bên hữu hướng về ông rồi đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, liền đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Vương tử Abhaya đang ngồi một bên, nhìn mặt trời rồi suy nghĩ: “Hôm nay, không phải thời để luận chiến với Sa-môn Gotama. Ngày mai, ta sẽ luận chiến với Sa-môn Gotama tại nhà của ta,” liền bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, ngày mai mong Thế Tôn nhận lời dùng cơm, cùng ba Tỷ-kheo khác với Ngài là người thứ tư.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Vương tử Abhaya, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm theo y bát, đi đến chỗ của Vương tử Abhaya, sau khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Vương tử Abhaya tự tay mời mọc, làm cho Thế Tôn thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Vương tử Abhaya chờ cho Thế Tôn sau khi đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế thấp khác rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi một bên, Vương tử Abhaya bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói những lời, do những lời ấy người khác không ưa, không thích chăng?

— Này Vương tử, phải chăng ở đây, (câu hỏi) có dụng ý một chiều?

— Bạch Thế Tôn, các vị Nigantha đã bị bại ở đây rồi.

— Này Vương tử, vì sao Vương tử lại nói như vầy: “Bạch Thế Tôn, các vị Nigantha đã bị bại ở đây rồi”?

— Bạch Thế Tôn, ở đây, con đi đến Nigantha Nataputta, sau khi đến con đảnh lễ Nigantha Nataputta rồi ngồi xuống một bên. Bạch Thế Tôn, Nigantha Nataputta nói với con đang ngồi một bên: “Này Vương tử, Vương tử hãy đi đến luận chiến với Sa-môn Gotama, và nhờ vậy tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi cho Vương tử: “Sa-môn Gotama có thần lực như vậy, có uy lực như vậy, đã bị Vương tử Abhaya luận chiến”. Bạch Thế Tôn, khi được nói vậy, con thưa với Nigantha Nataputta: “Thưa Tôn giả, nhưng làm thế nào, tôi có thể luận chiến với Sa-môn Gotama, một vị có thần lực như vậy, có uy lực như vậy?” -“Này Vương tử, hãy đi đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy nói với Sa-môn Gotama như sau: “Bạch Thế Tôn, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích chăng?” Nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời có gì sai khác giữa kẻ phàm phu với Ngài? Kẻ phàm phu có thể nói lời nói, do lời nói ấy, những người khác không ưa, không thích”. Còn nếu Sa-môn Gotama được Vương tử hỏi như vậy và trả lời như sau: “Này Vương tử, Như Lai không có thể nói lời nói, do lời nói ấy những người khác không ưa, không thích”, thời Vương tử hãy nói với Sa-môn Gotama: “Bạch Thế Tôn, nếu xử sự như vậy, thời vì sao Devadatta được Ngài trả lời như sau: Devadatta phải đọa vào đọa xứ, Devadatta phải đọa vào địa ngục, Devadatta phải đọa trong một kiếp, Devadatta không thể nào cứu chữa được? Và vì Ngài nói những lời như vậy, Devadatta phẫn nộ, không hoan hỷ”. Này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không thể nhả ra, cũng không thể nuốt vào. Ví như một móc sắt bị mắc vào cổ họng của một người nào, người ấy không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào được. Cũng vậy, này Vương tử, Sa-môn Gotama, khi bị Vương tử hỏi câu hỏi hai móc như vậy, sẽ không có thể nhả ra, cũng không có thể nuốt vào”.

Lúc bấy giờ, có đứa con nít ngây thơ nằm giữa trên đầu gối của Vương tử Abhaya. Rồi Thế Tôn nói với Vương tử Abhaya:

— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu đứa con nít này, do sự vô ý của Vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cái que hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy Vương tử phải làm gì?

— Bạch Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ.

— Cũng vậy, này Vương tử, lời nói nào Như Lai biết không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, thời Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác không ưa, không thích, Như Lai ở đây biết thời giải thích lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là không như thật, không như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa thích, Như Lại không nói lời nói ấy. Lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, không tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, Như Lai không nói lời nói ấy. Và lời nói nào Như Lai biết là như thật, như chân, tương ứng với mục đích, và lời nói ấy khiến những người khác ưa và thích, ở đây, Như Lai biết thời giải thích lời nói ấy. Vì sao vậy? Này Vương tử, Như Lai có lòng thương tưởng đối với các loài hữu tình.

— Bạch Thế Tôn, những Sát-đế-lị có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi: “Bạch Thế Tôn, không hiểu Thế Tôn có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến Ta và hỏi như vậy, được hỏi như vậy, Ta sẽ trả lời như vậy”, hay Như Lai trả lời ngay (tại chỗ)?”

— Này Vương tử, nay ở đây Ta sẽ hỏi Vương tử, nếu Vương tử hoan hỷ, hãy trả lời câu hỏi ấy. Này Vương tử, Vương tử nghĩ như thế nào? Vương tử có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe không?

— Thưa vâng, bạch Thế Tôn, con có giỏi về các bộ phận sai biệt một cái xe.

— Này Vương tử, Vương tử nghĩ thế nào? Nếu có những người đến Vương tử và hỏi như sau: “Bộ phận này của cái xe tên gọi là gì?”, không hiểu Vương Tử có suy nghĩ trước trong trí như sau: “Nếu có những ai đến ta, và hỏi ta như vậy, ta sẽ trả lời cho họ như vậy”, hay là Vương tử trả lời ngay (tại chỗ)?

— Bạch Thế Tôn, vì con là người đánh xe nổi tiếng, rất giỏi về các bộ phận sai biệt trong một cái xe nên con sẽ trả lời ngay (tại chỗ).

— Cũng vậy, này Vương tử, những Sát-đế-lỵ có trí, những Bà-la-môn có trí, những Gia chủ có trí, những Sa-môn có trí này, sau khi soạn sẵn câu hỏi, đến Như Lai và hỏi, Như Lai sẽ trả lời ngay (tại chỗ). Vì sao vậy? Này Vương tử, pháp giới (Dhammadhatu) đã được Như Lai khéo biết. Và vì Như Lai khéo biết pháp giới nên Như Lai trả lời ngay (tại chỗ).

Khi được nói vậy, Vương tử Abhaya bạch Thế Tôn:

— Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày. Nay con quy y Thế Tôn, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo Tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.

—–
Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ “The Middle Length Discourses of the Buddha”, Tỳ kheo Nanamoli và Tỳ kheo Bodhi dịch, 1995).
Hiệu đính: 15-06-2004

Add Comment