Primary Menu

Chuyện Ngã Quỷ – Phẩm 4 Đại Phẩm

Đại tạng kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya
Chuyển ngữ tiếng Việt: GS Trần Phương Lan
—o0o—

CHUYỆN NGẠ QUỶ

Phẩm IV – Đại Phẩm

1. (36) Chuyện Vua Ambasakkhara (Ambasakkhara)

Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) một vị vua dòng họ Licchavi mệnh danh Ambasakkhara, là một người không mộ đạo, có tà kiến, đang trị vì ở Vesàli (Tỳ-xá-ly).

Tại đó lại có một thương nhân chánh trực đã bắc cầu bằng những thanh gỗ chiên-đàn qua một đầm lầy. Trái lại, cháu trai vị ấy đã lấy trộm hàng hóa đem đến tiệm của chú, nên bị xử hình phạt đóng thân vào cọc. Người chú bị chặt đầu và hóa thành một địa thần cỡi ngựa thuần bạch, vào nửa đêm lại đến thăm cháu đang bị đóng cọc và bảo: ‘Hãy cố sống thì hơn’.

Bấy giờ vua Ambasakkhara muốn chiếm vợ của một thần dân, liền sai người ấy đi lấy đất đỏ và hoa súng đỏ ở một hồ sen cách xa kinh thành ba do-tuần, và buộc y phải trở về trước khi trời tối nếu không sẽ bị giết. Ðồng thời vua ra lệnh đóng cổng thành trước khi trời tối. Nhờ chư thần giúp đỡ, người kia đem đất đỏ và hoa súng đỏ về kịp trước khi trời tối, nhưng gọi cổng thành không được, y phải nhờ sự làm chứng của vị quỷ thần ấy. Sau đó vua đích thân đi gặp vị quỷ thần để tìm hiểu sự việc. (Bổ sung Tập Sớ).

Các vần kệ này kể lại chuyện trên. Vần kệ đầu do các vị kết tập Kinh điển đưa vào:

1. Kinh thành dân chúng xứ Vaj-ji,
Tên gọi là thành Tỳ-xá-ly,
Tại đó có vì vua ngự trị,
Am-ba-sa, tộc Lic-cha-vi,
Khi nhìn thấy quỷ ngoài thành ấy,
Vua muốn biết, nên hỏi tức thì:

2. ‘Kẻ này không có chỗ nằm ngồi,
Cùng chẳng hề đi tới, bước lui,
Không thức uống ăn, quần áo mặc,
Cũng không tỳ nữ, một mình thôi.

3. Quyến thuộc thân bằng thuở đã qua
Có lòng thương xót nó bây giờ,
Song không có khả năng nhìn nó,
Họ đã bỏ rơi nó thật mà.

4. Kẻ nào sa sút chẳng thân bằng,
Bạn bỏ rơi khi thấy khốn cùng,
Hễ thấy phồn vinh, vây lấy bạn,
Người đang hưng thịnh, lắm thân nhân.

5. Khi hưởng thụ xong hết bạc vàng,
Gia tài chắc đã phải tan hoang,
Thân hình vấy máu đang rời rã
Như hạt sương treo, đến số tàn.

6. Với người đang chịu cảnh đau thương,
Khủng khiếp trên cây cọc gỗ mun,
Vua hỏi: ‘Quỷ kia, sao lại nói:
Ngươi cần phải sống, sống thì hơn?’

Quỷ thần:

7. Người này trên cọc chính thân nhân,
Tôi nhớ kiếp xưa ở cõi trần,
Nên đã xót thương khi thấy nó
Phải vào địa ngục bởi tà tâm.

8. Lic-cha-vi chúa thượng, từ đây
Kẻ đã tạo ra ác nghiệp này
Vào ngục tái sanh đầy khủng khiếp,
Nóng bừng, gay gắt, hãi kinh thay.

9. Ngay cái cọc kia đủ mọi phần,
Tốt hơn địa ngục biết bao lần,
Ước mong nó chẳng sa vào ngục
Gay gắt, kinh hoàng, thật khổ thân.

10. Nếu kẻ ấy nghe tôi nói vầy,
Nó đầy sầu khổ, tắt hơi ngay,
Cho nên trước nó tôi không nói,
E chỉ vì tôi nó bỏ thây.

Quân vương:

11. Vụ án người này ta biết qua,
Song ta muốn hỏi chuyện thêm mà;
Nếu ngươi cho phép, ta xin hỏi,
Song chớ giận hờn với chúng ta.

Quỷ thần:

12. Việc ấy tôi xin hứa thật lời,
Chuyện này không kể với người đời
Không có tín tâm vào Ðạo pháp,
Dù tôi không muốn, hãy tin tôi;
Hỏi ngay những việc gì ngài muốn,
Tôi sẽ đáp tùy sức đó thôi.

Quân vương:

13. Những gì ta thấy tận mắt ta,
Ước mong ta đủ tín tâm mà,
Nếu không tin dẫu khi ta thấy,
Ấy việc riêng ta, hỡi Dạ-xoa!

Quỷ thần:

14. Tôi đã được ngài hứa thủy chung,
Khi ngài nghe pháp hãy thành tâm,
Ði tìm tri kiến cao hơn nữa,
Với trí chẳng ô nhiễm, sáng trong.
Những pháp ngài chưa nghe hoặc đã,
Tôi đều muốn nói hết cho thông.

Quân vương:

15. Trên ngựa trang hoàng, ngươi đến đây
Tìm người bị đóng cọc phanh thây,
Ðây là phong cách ngươi đi lại,
Kỳ diệu và cao quý hiển bày.
Do bởi nghiệp nào xưa đã tạo
Mà nay được phước báo như vầy?

Quỷ thần:

16. Chính giữa kinh thành Tỳ-xá-ly,
Xuyên qua đầm ở khoảng đường đi,
Có nơi nọ cực kỳ nguy hiểm,
Với dạ tín thành, một bữa kia,
Tôi lấy gỗ chiên-đàn trắng bạch
Bắc qua chỗ ấy có nề chi.

17. Sau đó chúng tôi đặt bước chân,
Chúng tôi và những kẻ qua đường,
Ðây là phương tiện rất kỳ diệu,
Xứng đáng được chiêm ngưỡng giữa trần,
Do chính nghiệp ngày xưa đã tạo,
Giờ đây đem phước báo cho thân.

Quân vương:

18. Hình dáng ngươi soi sáng mọi phương,
Khắp nơi đều phảng phất mùi hương.
Nhà ngươi có cả thần thông lực
Của một Dạ-xoa lực dị thường.
Nhưng việc gì xưa đem kết quả
Nhà ngươi nay phải chịu trần truồng?

Quỷ thần:

19. Luôn giữ tín tâm thoát hận sân,
Nói lời từ tốn với tha nhân
Việc xưa kia đã đem thành quả
Hình dáng thần tiên mãi sáng bừng.

20. Khi tôi lưu ý đến thanh danh
Của những người an trú Pháp hành,
Tôi trịnh trọng trình bày việc ấy,
Việc xưa đem kết quả cho mình:
Mùi hương tiên giới trên thân thể
Liên tục thoảng đưa thật dịu lành.

21. Khi các bạn tôi tắm bến sông,
Tôi đem quần áo giấu quanh vùng,
Tôi không ác ý, thích đùa giỡn,
Nay chịu trần truồng thật khổ thân.

Quân vương:

22. Nếu ai làm ác để đùa nhau,
Người bảo đây là quả kiếp sau;
Song nếu ai làm không bỡn cợt,
Thì người bảo kết quả nào đâu?

Quỷ thần:

23. Bất cứ ai làm ác cố tâm
Ngôn từ, hành động quá buông lung,
Phải vào địa ngục sâu tăm tối,
Chắc chắn khi thân hoại mạng chung.

24. Kẻ nào mong thế giới quang vinh,
Tìm thích thú trong các thiện hành,
Bố thí, bản thân luôn chế ngự,
Mạng chung vào thế giới thanh minh.

Khi quỷ thần đã phân tích sơ lược các nghiệp quả, nhà vua không tin, bèn ngâm kệ:

25. Tại sao ta phải tin điều này
Là quả thiện hành, ác nghiệp đây?
Việc đã thấy ta cần tín ngưỡng?
Người nào thuyết phục được ta vầy?

Quỷ thần:

26. Khi ngài đã mắt thấy tai nghe,
Ngài hãy tin vào nghiệp quả kia,
Nếu thiện ác đều không hiện hữu,
Sao người hạnh phúc, kẻ ê chề?

27. Nếu chúng sanh không tạo thiện hành,
Và gây ác nghiệp giữa nhân sanh,
Thì nhân quần, dẫu cao hay thấp,
Chẳng có tai ương, hoặc phước lành.

28. Nhưng bởi chúng sanh tạo thiện hành,
Và gây ác nghiệp giữa nhân sanh,
Nên nhân quần, dẫu cao hay thấp,
Ðều gặp tai ương hoặc phước lành.

29. Có hai loại nghiệp báo trên đời,
Ta phải hiểu ngay: Một hạng người
Ðược hạnh phúc, và người chịu khổ.
Chư Thiên hưởng lạc thú trên trời,
Song người ngu bị nhiều hành hạ
Khi thấy quả hai mặt chín muồi.

Khi được nhà vua hỏi:

– Như vầy ngươi đã tin vào nghiệp quả, tại sao ngươi lại phải chịu cảnh khốn khổ này?

Quỷ thần đáp:

30. Không ai làm việc thiện vì tôi,
Hồi hướng về tôi, chẳng có người,
Dâng cúng áo, giường, đồ ẩm thực,
Nên tôi trần trụi, khổ trên đời!

Khi nghe quỷ thần ước muốn nhận đủ áo quần và nhiều vật dụng khác, nhà vua bảo:

31. Quả thật giờ đây có cách nào
Nhà ngươi được áo mặc hay sao?
Nói cho ta biết về nguồn gốc,
Ta sẽ nghe lời tín nhiệm mau.

Quỷ thần đáp:

32. Có vị Tỷ-kheo ở tại đây
Kap-pi-ta ấy chính danh này,
Ngài chuyên Thiền định, và cao đạo,
Giải thoát, điều thân, ứng cúng thay.
Sống chế ngự mình bằng giới luật,
An nhiên, đạt trí tối cao vầy.

33. Ngài vốn nói năng thật dịu hiền,
Ôn tồn, nhỏ nhẹ, giọng êm đềm,
Ðón chào niềm nở đầy chân thật,
An tịnh trú trong giới luật nghiêm,
Xứng đáng cúng dường nhiều lễ vật
Từ loài người đến cả chư Thiên.

34. Thanh thản đoạn trừ lưới ác tâm,
Chánh chân, vô ngã, lại ly tham,
Ngài không có ước mong gì nữa,
Chẳng có sanh y ở thế gian,
Nên ngài giải thoát, tâm an tịnh,
Tam minh chứng đắc thật vinh quang.

35. Mặc dù quần chúng thấy hình ngài,
Ngài chẳng tiếng tăm, quen biết ai;
Dân chúng Bạt-kỳ thường vẫn gọi
Ngài là bậc trí tuệ cao vời.
Thiên thần biết rõ ngài ly dục,
Người có tín tâm sống ở đời.

36. Nếu chúa thượng dâng lễ cúng ngài
Và đem công đức hướng về tôi,
Một, hai bộ áo do ngài nhận
Cũng đủ cho tôi có mặc rồi.

Quân vương:

37. Bậc ẩn sĩ kia đang ở đâu?
Chúng ta yết kiến ở phương nào?
Hôm nay ngài đánh tan nghi hoặc,
Tà kiến giăng đầy tự bấy lâu.

Quỷ thần:

38. Ở Kap-pi-na, ngài tọa thiền,
Ðược bao quanh bởi các thần tiên,
Ngài đang thuyết pháp, ly sân hận,
Chân chánh như danh tiếng đã truyền.

Quân vương:

39. Ta đi làm việc ấy giờ đây,
Ta sẽ dâng y ẩn sĩ này
Khi bộ y kia ngài đã nhận,
Thì ngươi sẽ có áo quần ngay.

Rồi cả hai cùng đi đến chỗ ấy và quỷ thần nói:

40. Với người xuất thế, bản thân tôi
Không yết kiến khi chẳng đúng thời.
Chúa thượng, giờ đây không thích hợp.
Ðúng thời, hãy viếng chỗ ngài ngồi.

Các vần kệ sau do chư vị kết tập Kinh điển ghi:

41. Khi quỷ thần vừa nói vậy xong,
Nhà vua được cả đám tùy tùng
Ðưa về lại chốn kinh thành ấy,
Tư thất của vua ở hậu cung.

42. Từ đó, thực hành giới tại gia,
Nhà vua tắm gội, chọn từ nhà
Xiêm y tám bộ và đi cúng,
Ðược đám tùy tùng hộ tống ra.

43. Khi nhà vua đến tận nơi này,
Thấy ẩn sĩ tâm thanh tịnh đầy
Ðã trở về sau thời khất thực,
An nhiên, tĩnh tọa dưới gốc cây.

44. Ðúng lúc vua đi yết kiến ngài,
Vấn an sức khoẻ, sống an vui;
‘Lic-cha-vi ấy là thân tộc,
Tỳ-xá-ly thành, đất nước tôi,
Tôi chính Am-ba-sa, tộc trưởng,
Mong ngài hoan hỷ, kính thăm ngài.

45. Tôn giả, xin ngài hãy nhận ngay
Tám y tốt đẹp cúng dâng này,
Ðể tôi có thể đầy an lạc,
Vì mục đích này tôi đến đây.

Ẩn sĩ:

46. Sa-môn ẩn sĩ, dẫu từ xa,
Ðều phải tránh cung điện của vua,
Nơi đó, bao nhiêu bình bát vỡ,
Thầy tu bị xé áo cà-sa!

47. Nhiều người khác đấm đá kinh sao,
Như búa, Tỷ-kheo phải ngã nhào,
Ẩn sĩ xuất gia mang tổn hại,
Chính tay ngài đã biết là bao!

48-49. Dầu mè, đệm cỏ chẳng hề ban,
Chẳng chỉ dùm ai lạc bước đàng,
Từ một người mù, ngài lấy gậy
Ngài vừa phóng dật, lại xan tham;
Bây giờ vì lý do nào vậy,
Bằng cách nào ngài muốn phát ban?

Quân vương:

50. Tôn giả, tôi công nhận thật ngôn,
Tôi làm thương tổn các Sa-môn,
Tôi mong đùa giỡn, không tà ý,
Việc phạm lỗi xưa thật bạo tàn.

51. Kẻ kia làm ác để bông lơn,
Hạnh phúc nó không được vẹn toàn,
Nó nhận khổ đau, dầu trẻ tuổi,
Số phần nó phải chịu trần truồng,
Còn gì khốn đốn hơn cho nó
Chính việc này đây có phải không?

52. Tôi thấy nó mang nặng lỗi lầm,
Nên tôi dâng lễ vật, Tôn nhân,
Xin ngài nhận tám y tôi cúng
Hồi hướng về cho vị quỷ thần.

Ẩn sĩ:

53. Bố thí, dĩ nhiên được nhận mà,
Ước công vô lượng với nhà vua,
Nay tôi nhận tám y ngài tặng,
Mong lễ vật hồi hướng Dạ-xoa.

54. Rồi vua nhấp nước tự bàn tay
Ðể tẩy trần và dâng cúng ngay
Tám bộ y lên ngài Trưởng lão:
‘Ước mong y được nhận như vầy!
Và hãy nhìn xem thần đại lực
Mặc nhiều quần áo thỏa lòng thay!

55. Tức thì vua thấy chính thần nhân
Tẩm ướt dầu tinh chất gỗ trầm,
Hình dáng cao sang, dòng quý tộc,
Cỡi trên lưng tuấn mã oai hùng,
Ðiểm trang y phục huy hoàng quá,
Ðược hộ tống và đạt lực thần.

56. Với niềm vui sướng, dạ hân hoan,
Khuôn mặt vui tươi, hạnh phúc tràn,
Vì thấy nghiệp mình đem quả lớn,
Vua vừa nhìn tận mắt hoàn toàn.

57. Vua bước lên và nói với thần:
‘Từ nay ta cúng các Sa-môn,
Ta không có vật gì không cúng,
Ðại quỷ, ngài là bậc cứu nhân’.

Quỷ thần:

58. Chúa thượng cho tôi hưởng phước ân
Cúng dường đâu có phải hoài công,
Phần tôi sẽ tạo tình bằng hữu
Giữa một phi nhân với thế nhân.

Quân vương:

59. Ngài là quyến thuộc lẫn thân bằng,
Chánh đạo, nơi nương tựa, hộ thần!
Ta khẩn cầu ngài và đảnh lễ,
Ta mong được tái ngộ thần nhân.

Quỷ thần:

60. Ví thử ngài làm mất tín tâm,
Thích nhiều tà kiến, hóa xan tham,
Và trong trạng thái tà tâm ấy
Ngài được gặp tôi để vấn an,
Tôi sẽ chẳng cùng ngài nói chuyện,
Dẫu tôi thấy mặt, hỡi quân vương!

61. Còn nếu ngài tôn trọng Pháp chân,
Hân hoan bố thí, tự điều thân,
Là nguồn cung cấp cho tu sĩ,
Nếu có duyên may gặp quỷ nhân,
Và nếu tôi đây nhìn thấy mặt,
Thì tôi sẽ đáp lễ ân cần.

62. Mau thả người ra khỏi cọc này,
Vì ta thân thiết chính nhờ đây,
Tôi đang nghĩ đến người đau khổ,
Nay đã kết giao tại chốn này.

63. Và nếu người này được thoát thân,
Sẽ làm thiện nghiệp rất tinh cần,
Ngày sau thoát ngục sâu tăm tối,
Thiện nghiệp đều mang lại phước phần.

64. Chúa công tham kiến Kap-pi-ta,
Ðúng lúc cúng dường bậc xuất gia,
Ðến trước mặt ngài, ngồi thỉnh ý,
Và ngài sẽ nói vấn đề ra.

65. Gặp Tỷ-kheo kia, thỉnh ý ngài,
Tạo nhiều công đức, trí cao vời,
Tùy theo tri kiến, ngài phân giải
Các pháp chưa nghe giữa mọi người,
Ngài sẽ thuyết về tất cả pháp
Ðưa đường đến cảnh giới vui tươi.

66. Khi vua đã nói chuyện tư riêng
Cùng vị phi nhân, kết bạn hiền,
Vua đến Lic-cha-vi bộ tộc,
Nói cùng đại hội họp theo phiên:

67. ‘Các người xin hãy lắng nghe lời,
Ta sẽ tìm đường lối tốt thôi.
Kẻ ác bị treo vào cọc ấy
Bị trừng phạt nặng, khổ tơi bời.

68. Hai mươi đêm ấy khoảng thời gian
Nó đã bị ràng buộc tấm thân,
Nó chẳng biết đâu là sống chết,
Ta xin đại hội thả tù nhân!’.

Ðại hội:

69. ‘Mau thả luôn hai kẻ ấy ngay,
Nào ai từ chối việc như vầy?
Xin làm những việc ngài thông hiểu,
Ðại hội tuân theo ý chỉ này’.

70. Nơi kia, vua vội vã ra đi,
Phóng thích người trên cọc tức thì,
Rồi bảo: ‘Bạn này, đừng sợ hãi’,
Và giao cho các vị lương y.

71. Rồi vua yết kiến Kap-pi-ta,
Ðúng lúc cúng dường bậc xuất gia,
Ðến trước mặt ngài, ngồi thỉnh ý
Và tìm các lý lẽ nêu ra.

Quân vương:

72. Kẻ ác bị treo ở cọc kia
Chịu nhiều trừng phạt, khổ ê chề,
Hai mươi đêm tấm thân ràng buộc,
Nó chẳng sống còn hoặc chết đi.

73. Bây giờ tôi đã đến buông tha
Cứu nó theo lời quỷ Dạ-xoa,
Xin hỏi, phải chăng còn có cách,
Làm cho nó thoát ngục Diêm-la?

74. Tôn giả, bảo tôi biết cách gì,
Chúng tôi tin tưởng lắng tai nghe,
Phải chăng không thể tiêu trừ nghiệp,
Cho dẫu ta không hiểu chuyện kia?

Ẩn sĩ:

75. Nếu ngày đêm nỗ lực tinh cần
Nó thực hiện nhiều thiện nghiệp nhân,
Nó sẽ thoát ra từ ngục tối,
Thiện nghiệp phải đem lại phước phần.

Quân vương:

76. Nay tôi hiểu rõ chuyện này rồi,
Tôn giả, giờ đây thương xót tôi,
Bậc trí dạy cho tôi Giáo pháp
Ðể tôi khỏi đọa ngục Diêm đài.

Ẩn sĩ:

77. Ngay tự hôm nay với tín tâm
Ngài qui y Phật, Pháp,Tăng nhân;
Ðồng thời, thân thực hành năm giới
Trọn vẹn và không có lỗi lầm.

78-79. Từ nay ngài bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật chi chẳng tặng ngài,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Hãy bằng lòng với vợ ngài thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.

80. Với tâm thanh thản, hãy đem dâng
Các bậc chánh chân những vật cần,
Y phục, đồ ăn bình khất thực,
Nơi an trú với chỗ ngồi nằm,
Thức ăn đủ loại mềm và cứng,
Thức uống và nơi chốn nghỉ chân.

81. Thiết đãi Tỷ-kheo thức uống ăn,
Những người có giới hạnh siêu quần,
Ða văn và thoát ly tham dục,
Công đức vẫn luôn phát triển dần.

82. Thực hành Chánh pháp thật tinh chuyên
Với nhiệt tình luôn ngày lẫn đêm,
Ngài tự cứu mình từ địa ngục,
Thiện hành mang phước báo nhân thiên.

Quân vương:

83. Ngay tự hôm nay với tín tâm
Tôi quy y Phật, Pháp, Tăng nhân;
Ðồng thời, thân thực hành năm giới
Trọn vẹn và không có lỗi lầm.

84-85. Từ nay tôi bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật gì chẳng tặng tôi,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ mình thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.

86. Với các vị cao đạo, Thánh Tăng,
Thoát ly tham dục, lại đa văn,
Dâng y, thực phẩm trong bình bát,
Sàng tọa và nơi chốn nghỉ chân,
Ðủ loại thức ăn mềm hoặc cứng,
Cùng nhiều thức uống, chỗ ngồi nằm.
Tìm trong Phật pháp niềm an lạc,
Tôi quyết không dao động bản thân.

87. Am-ba-sa, vị Líc-cha-vi,
Kẻ tại gia thành Tỳ-xá-ly,
Ðã trở nên người như vậy đó,
Ðầy tâm thành tín, tính nhu mì,
Nhiệt tình thực hiện nhiều công hạnh,
Với chúng Tỷ-kheo, quyết hộ trì.

88. Khi người trên cọc đã bình an,
Tự nguyện, người từ giã thế gian,
Ðến với Kap-pi-ta ẩn sĩ,
Rồi hai người đắc quả Sa-môn.

89. Ðây chính cách hầu cận Thánh Tăng,
Quả nhiều cho các thiện hiền nhân,
Người trên cọc đạt phần ưu thắng,
Trong lúc Am-ba quả nhỏ hơn.

Sau đó Tôn giả Mahàkappitaka đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và trình lên Ngài vấn đề đã được vị quỷ thần kể cho nhà vua nghe. Bậc Ðạo Sư lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng đang hiện diện.

2. (37) Chuyện Serìssaka

(Chuyện này giống như Chuyện 10, Phẩm VII ở tập Chuyện Thiên Cung).

3. (38) Chuyện Quỷ Thần Nandaka (Nandakapeta)

Khoảng hai trăm năm sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, có vua Pingala ngự trị Surattha (Vương quốc an lạc). Vị tướng cầm đầu quân đội nhà vua là Nandaka đầy tà kiến.

Chư vị kết tập Kinh điển kể lại chuyện những người này:

1. Tương truyền lãnh chúa Pin-ga-la
Ngự trị thần dân Su-rat-tha,
Khi đã đi chầu triều Khổng tước,
Trên đường vua trở lại quê nhà.

2. Trong cơn nóng bức giữa ban ngày,
Vua đến một nơi có vũng lầy,
Nhìn thấy một con đường khả ái,
Là nơi trú ngụ quỷ ma đầy.

3. Vua ấy bảo ngay vị quản xa:
‘Con đường này khả ái cho ta,
An toàn, yên tĩnh, đầy may mắn,
Theo lối này đi, hỡi quản xa’.

4. Vua xứ Su-ra tự chốn đây
Tiến lên cùng với đội quân ngài,
Bốn đoàn hộ tống đều đi trước,
Hướng dẫn thần dân xứ sở này.

5. Với dáng lo âu, một lão gia
Nói như vầy với chúa Su-ra:
‘Chúng ta đi lạc đường rồi đó,
Thật đáng hãi kinh, rợn tóc da.

6. Mặt tiền ta thấy một con đường,
Song phía sau không thấy hướng phương,
Tất cả chúng ta đang lạc bước
Ðến gần quân của Diệm-ma vương.

7. Có một mùi ma quỷ bốc ra,
Tiếng ồn khủng khiếp được nghe qua’.
Su-ra lãnh chúa liền kinh hoảng
Vội nói như vầy với quản xa:

8. ‘Nay chúng ta đang lạc bước đường,
Thật là lạnh gáy, đáng kinh hoàng,
Mặt tiền thấy một con đường nọ,
Song phía sau không thấy có hướng phương.

9. Nay chúng ta đang lạc bước đường
Ðến gần quân của Diệm-ma vương,
Một mùi ma quỷ đang xông khắp,
Khủng khiếp tai nghe một tiếng ồn!’

10. Nhà vua đang ngự ở lưng voi
Ngơ ngác nhìn quanh bốn hướng trời,
Chợt thấy một cây đa rợp bóng,
Sum suê cành lá thật xanh tươi.

11. Cây có màu xanh xám tựa mây,
Ðỉnh cây có sắc của sương dày,
Nhà vua hỏi vị quan điều ngự:
‘Ta thấy vật chi lớn thế này,
Như đám mây xanh màu xám ngắt,
Ðỉnh cây có sắc tựa sương bay?’.

Quan điều ngự:

12. Chúa công, đó chính một cây đa,
Cành lá sum suê tỏa bóng ra,
Cây có màu mây xanh xám ngắt,
Ðỉnh cây có sắc tựa sương sa.

13. Su-ra chúa tể lại lên đường,
Về hướng cây cao lớn dị thường,
Sắc tựa đám mây xanh xám ngắt,
Ðỉnh cây lại có một màu sương.

14. Nhà vua bước xuống tự lưng voi,
Ði đến gần cây nọ một hồi,
Cùng với quần thần và cận vệ,
Ở ngay gốc rễ, chúa công ngồi.

15. Vua thấy bánh và hủ nước trong,
Một ngươi có dáng điệu Thiên thần,
Ðiểm tô đủ loại đồ trang sức,
Ði đến ngỏ lời với chúa công:

16. ‘Chúa công! Hân hạnh được chào mừng,
Chư vị đến đây thế cũng gần,
Chúa thượng, xin mời ngài uống nước
Và dùng bánh, hỡi vị anh hùng!’

17-18. Nhà vua cùng với đám quần thần,
Cận vệ bên mình uống nước trong,
Ăn bánh rồi vua cất tiếng hỏi:
‘Xin cho biết, có phải Thiên nhân,
Thác-bà, hạy chính là Thiên chủ
Pu-rín-dà-da ấy phải chăng?
Không biết ngài nên ta muốn hỏi,
Làm sao ta biết được tôn ông?

Quỷ thần:

19. Tôi đây không phải một Thiên nhân,
Chẳng phải Sak-ka, chẳng Nhạc thần,
Tôi chính quỷ nhân, tâu chúa thượng,
Từ Su-ra đến ở ma cung.

Quân vương:

20. Ngày trước ngài công đức thế nào,
Ở Su-ra xử thế ra sao,
Ngài theo Phạm hạnh nào từ trước,
Nay hưởng cảnh vinh hiển biết bao?

Quỷ thần:

21. Xin hãy lắng nghe, hỡi chúa công,
Là người khai quốc, vị anh hùng,
Quốc sư tế lễ nghe tôi nói,
Cùng các quân nhân, các đại thần.

22. Chúa công, tôi đến tự Su-ra,
Thuở trước tính tình thật xấu xa,
Tà kiến mang đầy cùng ác ý,
Xan tham, hay mạ ly người ta.

23. Tôi ngăn lắm kẻ thật nhân từ
Hành thiện sự nhiều để lợi tha,
Tôi cản bước chân bao kẻ khác
Sẵn lòng lấy của cải đem cho.

24. Bảo: ‘Bố thí không tạo phước phần
Ðâu là kết quả tự điều thân?
Không hề có đạo sư nào cả,
Ai sẽ phạt người không hiến dâng?

25. Giữa các hữu tình đồng đẳng nhau,
Tại sao kính trọng vị niên cao,
Có đâu nỗ lực và tinh tấn,
Nói đến tinh cần bởi cớ sao?

26. Bố thí không mang quả phước phần,
Cũng không trừ diệt một cừu nhân;
Mỗi người được những gì cần có,
Và nhận những gì phải đến thân.

27. Chẳng có mẹ cha, huynh đệ đâu,
Không đời này cũng chẳng đời sau,
Cũng không bố thí, không dâng cúng,
Không có gì bền vững được lâu.

28. Hễ ai đánh đập một người nào,
Hoặc có đem người khác chặt đầu,
Cũng chẳng làm gì gây tổn hại
Giữa muôn loài vật sống bên nhau.

29. Mỗi mạng sống đều bất khả phân,
Dầu hình bát giác hoặc cầu lăn,
Nó cao đến cả năm trăm dặm,
Ai có thể tiêu diệt nó chăng?

30. Cũng giống cuộn dây được ném ra
Từ người thả nó, chạy lăn xa,
Như vầy là mạng người đang sống
Thoát được những ai thả nó mà.

31. Như người từ giã một ngôi làng
Vào một làng kia, phải thấy đường,
Cũng vậy, một con người tận số
Bước vào thân xác mới tha phương.

32. Như người từ giã một ngôi nhà,
Và bước vào nơi trú ngụ kia,
Cũng vậy, là con người tận số
Ði vào một cảnh giới phương xa.

33. Sau khi qua hết nẻo luân hồi
Tám triệu bốn trăm ngàn kiếp trôi,
Tất cả kẻ ngu cùng bậc trí
Thảy đều chấm dứt khổ đau rồi.
Lạc, ưu đo được bằng thùng, giỏ
Người chiến thắng thông hiểu sự đời,
Kẻ khác đều là phường xuẩn ngốc’,
Tôi mang tà kiến cả đời tôi.

34. Xưa kia tôi lầm lạc, lắm mê si,
Tà kiến, tôi không đạo hạnh gì,
Tôi lại xan tham, hay phỉ báng,
Không đầy sáu tháng, sẽ ra đi.

35-36. Ðọa vào ngục hãi kinh sao,
Có bốn góc, và bốn cửa vào,
Ngục được chia phần theo kích thước,
Xung quanh bao bọc với tường rào,
Làm bằng sắt nóng và trên mái
Cũng có sắt che tận đỉnh cao.

37. Nền sắt ánh lên lửa nóng bừng,
Sáng ngời mọi phía trăm do-tuần,
Trăm ngàn năm đã trôi qua mất,
Lập tức một âm thanh chuyển rung.
Những kẻ tà tâm và ác tính
Ðã từng phỉ báng các chân nhân
Bị hành địa ngục vô lượng kiếp,
Chốn ấy sẽ đau khổ chẳng ngừng.

38. Cho nên tôi thống thiết than van
Kết quả ác hành kia phải mang,
Xin lắng nghe tôi, tâu chúa thượng,
Anh hùng khai quốc, chúc an khang!
Nguyên tôi có một cô con gái,
Tên gọi Ut-ta-ra thật ngoan.

39. Nàng hành thiện sự thấy an vui
Giữ Bát quan trai giới đúng thời,
Nàng sống điều thân, ham bố thí,
Nhân từ, khôn khéo lúc trao lời.

40. Nhất mực tuân theo giáo pháp nhà,
Nàng làm dâu quý tộc danh gia,
Nàng là đệ tử Ngài Viên Giác,
Bậc trí vinh quang, tộc Thích-ca.

41. Một Tỷ-kheo cao đạo khác thường,
Ra đi khất thực, bước vào làng,
Mắt người cúi xuống, thân điều phục,
Chánh niệm và phòng hộ các căn
Trong lúc đi từng nhà khất thực,
Dần dần người đến tận nhà nàng.

42. Ut-ta-ra lúc ấy nhìn người,
Chúc chúa công luôn hưởng phước trời!
Nàng đã dâng người bình nước uống
Cùng nhiều bánh bột, lại thưa lời:

43. ‘Tôn giả, cha con đã mất rồi,
Mong sao lễ mọn giúp cho người’.
Không lâu sự việc nàng vừa thấy,
Kết quả tức thì đến với tôi.

44. Tôi hưởng thức ăn, lạc thú tràn,
Khác nào Thiên đế Tỳ-sa-môn,
Hỡi anh hùng mở mang bờ cõi,
Xin lắng nghe đây, tấu chúa công.

45. Phật-đà được gọi đấng siêu nhân
Giữa các Thiên, nhân ở cõi trần,
Hãy đến quy y vào đức Phật,
Cùng đàn thê tử, hỡi anh hùng.

46. Nhiều người đạt bất tử, vô sanh,
Do chính Ðạo kia có tám ngành,
Cùng vợ con đi tìm Giáo pháp
Ðể quy y, hỡi bậc hùng anh!

47. Cùng bước đi trên bốn Ðạo này,
Trú trong bốn Quả quý cao thay,
Chư Tăng trực hạnh và tu luyện
Giới đức trang nghiêm, trí tuệ đầy.

48. Hỡi bậc anh hùng, xin hãy đi
Cùng đàn thê tử thọ Tam quy,
Mau mau bỏ giết loài sanh vật,
Không lấy trộm cho dẫu vật gì,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Hãy bằng lòng với vị vương phi.

Quân vương:

49. Ngài muốn ta an lạc, Dạ-xoa,
Ngài mong lợi ích với hoàng gia,
Phần ta thực hiện lời ngài dạy,
Ngài chính là sư phụ của ta.

50-51. Ta đến quy y đấng Phật-đà,
Tối cao Giáo pháp, với Tăng-già,
Ta mau bỏ hết điều sanh sát,
Không lấy vật gì chẳng tặng ta,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ trong nhà.

52. Ta bỏ khoe khoang với xảo ngôn,
Nhanh như thể đổ xuống dòng sông,
Ta nôn ra hết bao tà kiến,
Thích thú tuân lời dạy Thế Tôn.

53. Nói vầy xong, chúa tể Su-ra
Từ bỏ ngay quan điểm ác tà,
Ðảnh lễ Thế Tôn, rồi chúa thượng
Hướng về đông ngự giá vương xa.

Nhờ thần lực của vị quỷ nhân, nhà vua về kinh thành kịp ngày hôm ấy. Về sau, đúng thời, vua tường thuật chuyện ấy với chư Tỷ-kheo và chư vị này lại trình vấn đề với chư Trưởng lão biên soạn Giáo pháp để đưa câu chuyện vào Hội đồng kết tập Kinh tạng thứ ba. (Bổ sung từ Tập Sớ).

4. (39) Chuyện Ngạ Quỷ Revatì

(Chuyện này giống chuyện số 2 Phẩm V của Chuyện Thiên Cung).

5. (40) Chuyện Cây Mía (Ucchu)

Trong khi đức Thế Tôn đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), một người đang chở mía, cầm một khúc mía, vừa đi vừa ăn. Các vần kệ này kể lại câu chuyện trên.

Một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đang đi khất thực vào Vương Xá, gặp một ngạ quỷ thưa trình như sau:

1. Một rừng mía lớn hiện bên mình,
Bát ngát, mùa phong phú tốt lành,
Song nó không cho tôi chút ít,
Kính thưa Tôn giả đại uy danh,
Nghiệp gì gây quả này như vậy,
Tôn giả cho tôi biết sự tình?

2. Tôi đang thống khổ, bị hành thân,
Tôi cố gắng tìm chút để ăn,
Tôi phấn đấu hoài bên khóm mía,
Sắp tàn hơi thở, chết kề gần,
Tôi than khóc tấm thân đày đọa,
Do nghiệp gì đem quả ấy chăng?

3. Thất bại, tôi nhào xuống đất ngay,
Lăn tròn trong lửa đốt thiêu này
Như con cá nọ, tôi than khóc,
Nước mắt nhỏ ra cả mặt mày,
Tôn giả, xin ngài cho biết rõ,
Nghiệp gì đem kết quả như vầy?

4. Tôi đói khát và kiệt sức tàn,
Kinh hoàng, tôi chẳng biết bi hoan,
Chúc ngài hưởng phước, tôi xin hỏi,
Làm thế nào tôi được mía ăn?

Tôn giả Moggallàna:

5. Khi làm người ở một thời xưa,
Ngươi đã tạo nên một nghiệp tà,
Ta nói cho ngươi nghe việc ấy,
Khi nghe, ngươi biết chuyện vừa qua.

6. Ngươi bước trên đường, lấy mía ăn,
Một Tỳ-kheo đến tự sau lưng,
Bảo ngươi rằng muốn xin đôi chút,
Ngươi chẳng đáp lời, chẳng hé răng.

7. Cho dẫu ngươi không muốn nói năng,
Người kia vẫn nói, giọng xin van:
‘Cho tôi khúc mía, thưa ông chủ’,
Sau đó ngươi cho một ít phần
Từ phía sau lưng và kết quả
Nghiệp kia ngươi đã lãnh vào thân.

8. Nhìn đây! Cầm mía ở sau mình,
Hãy lấy mía ăn thật thỏa tình,
Do chính việc này, ngươi sẽ được
Hân hoan, thích thú, hưởng ân lành!

9. Nó đi cầm mía tự sau mình,
Khi đã cầm, ăn thật thỏa tình,
Do chính cách này, nên nó được
Hân hoan, thích thú, hưởng ân lành.

Ngạ quỷ ấy bèn cầm một bó mía cúng dường vị Trưởng lão và vị này đem dâng đức Phật ở Trúc Lâm. Ðức Thế Tôn cùng hội chúng Tỷ-kheo dùng mía ấy rồi nói lời tùy hỷ công đức.

Từ đó về sau ngạ quỷ ấy có thể ăn mía thỏa thích.

Theo thời gian, ngạ quỷ được tái sanh giữa hội chúng cõi trời Ba mươi ba.

6. (41) Chuyện Các Vương Tử (Kumara)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jevatana (Kỳ Viên)

Tương truyền Ðại Vương nước Kosala (Kiều-tát-la) trị vì tại Sàvatthi (Xá-vệ) có hai vương tử khả ái đang độ hoa niên. Trong nỗi đam mê dục vọng của tuổi trẻ không được kềm chế, hai vị đã phạm tội tà dâm nên sau khi từ trần hai vị tái sanh làm ngạ quỷ bị đè bẹp trong một ống cống.

Suốt đêm, ngạ quỷ thường than khóc với những tiếng kêu la khủng khiếp. Dân chúng nghe vậy rất kinh hãi.

Do sự việc này, dân chúng cúng dường đại lễ lên Giáo hội do đức Phật cầm đầu và bảo nhau:

– Ðiềm xấu này phải chấm dứt.

Sau đó họ trình lên đức Thế Tôn những việc đang xảy ra. Ngài bảo:

– Này chư đệ tử, chư vị không thể chấm dứt tiếng kêu la này được đâu.

Rồi Ngài nói rõ nguyên nhân sự việc này cho hội chúng qua các vần kệ sau:

1. Có một kinh thành tên Xá-vệ,
Ở trên sườn núi Tuyết, cao sơn,
Tôi nghe vầy: Có đôi vương tử
Là các con trai bậc đế vương.

2. Phóng dật buông lung các dục tham,
Tìm nguồn lạc thú ở trần gian,
Chúng không suy xét tương lai chúng,
Tận hưởng thú vui hiện tại tràn.

3. Khi chúng bỏ thân xác thế nhân
Ði sang thế giới khác người trần,
Dù không ai thấy, thường kêu khóc
Về ác nghiệp xưa chúng đã làm

4. ‘Quả thật nhiều người đáng cúng dâng
Với nhiều lễ vật’, chúng than van,
‘Xưa ta chẳng tạo nên công đức
Ðem đến cho mình chỗ trú an’.

5. ‘Ác nghiệp nào đời trước tạo ra,
Do vầy từ giã chốn hoàng gia,
Tái sanh vào cõi loài ma đói,
Chịu đói khát giày xéo chúng ta?

6. Những kẻ làm vua cõi thế nhân
Sẽ không làm chúa tể âm cung,
Sang, hèn, hai loại đều quanh quẩn
Bị đói khát hành hạ khổ thân.

7. Biết rằng đau khổ có nguồn căn
Vua chúa buông lung phóng dật tâm,
Nam tử bỏ vương quyền ngã mạn,
Do vầy, thành một vị Thiên nhân,
Sau khi xả báo thân phàm tục,
Bậc trí tái sanh cõi sáng bừng’.

Như vậy, bậc Ðạo Sư kể lại số phận của các ngạ quỷ xong, liền hồi hướng về chúng công đức do đám người này cúng dường lễ vật và thuyết pháp theo ý Ngài.

7. (42) Chuyện Vợ Vương Tử (Ràjaputta)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Jevatana (Kỳ Viên).

Thuở xưa có một nam tử của vua mệnh danh là Kitava làm tổn thương một vị Ðộc Giác Phật. Chàng phải đọa vào địa ngục nhiều ngàn năm, và chính vì lỗi lầm kia, chàng bị tái sanh vào loài ngạ quỷ. Chuyện của chàng đã được kể đầy đủ chi tiết trong sự tích các ngạ quỷ ở Sànuvàsi (Số 27, phẩm III)

Bấy giờ trong khi kể cho một vị Trưởng lão nghe số phận đám quyến thuộc quá vãng của ngạ quỷ kia, bậc Ðạo Sư bảo:

– Quả thật không phải chỉ quyến thuộc của ông, mà cả ông nữa, lúc trở thành ngạ quỷ trong đời trước, sau khi từ giã thế giới này, cũng đã chịu nỗi thống khổ khốc liệt.

Rồi do lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, Ngài kể chuyện này:

1. Quả do các nghiệp tạo ngày xưa
Có thể làm dao động trí ta
Liên hệ sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Những gì đem lạc thú say sưa.

2. Ông hoàng đã hưởng thú cao sang,
Ðàn địch, ái ân thật ngập tràn,
Sau lúc nhàn du quanh thượng uyển,
Chàng đi vào cổ lũy Ða Sơn.

3. Chốn kia chàng thấy Su-net-ta,
Thanh tịnh, điều thân, một Phật gia,
Thiểu dục, khiêm cung và biết đủ
Với bình khất thực kiếm từng nhà.

4. Hoàng nam bước xuống tự lưng voi,
Và đến Hiền nhân ấy, thốt lời:
‘Tôn giả, xin chào!’ rồi lập tức
Chàng cầm bình bát ném lên trời.

5. Ném vỡ chiếc bình xuống đất kia,
Vừa cười vừa nói lúc đi xa:
‘Ta là vương tử Ki-ta chúa,
Ðạo sĩ có làm ích lợi ta?’

6. Quả báo cho hành động bất nhân
Thật là khắc nghiệt, khổ muôn phần,
Tương truyền vương tử về sau đó
Phải đọa vào trong ngục tối tăm.

7. Hơn năm mươi vạn năm đày thân
Trong ngục tối đau khổ tận cùng
Vì tội lỗi mà chàng đã tạo,
Bị nhiều hình phạt đến xoay vần.

8. Chàng cứ nằm, đưa mặt xuống sàn
Xoay quanh phải, trái, biết bao lần,
Ðôi chân chổng ngược lên cao mãi;
Rồi đứng thẳng, người ngốc khổ thân.

9-10. Qua mấy ngàn năm, mấy vạn năm,
Bị hành địa ngục khổ vô ngần,
Chính vì tội lỗi chàng gây tạo,
Quả khắc nghiệt kia phải lãnh phần
Bởi những người đưa tay phá hại
Bậc Hiến trí giải thoát mê lầm.

11. Sau khi đã trải biết bao năm
Trong ngục khổ đau thật hãi hùng,
Chàng phải mạng chung vì đói khát,
Trở thành một ngạ quỷ mình trần.

12. Như vầy, khi thấy cảnh đau thương
Do vị vua buông thả kỷ cương,
Ta chẳng làm vua buông thả nữa,
Mà nên hướng đến tính khiêm nhường.

13. Ngay cả trong đời sống hiện thời,
Người tôn trọng Phật đáng khen hoài,
Có đầy trí tuệ, khi thân hoại,
Ðược tái sanh vào cõi sáng tươi.

8. (43) Chuyện Những Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhàdaka)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).

Tương truyền trong một thị trấn nọ không xa Sàvatthi, có một gia chủ ra lệnh xây một tinh xá cúng dường vị Tỷ-kheo vốn là bạn thân của mình. Về sau nhiều Tỷ-kheo từ khắp nơi đến cư trú tại đó.

Khi thấy chư Tăng, dân chúng liền cung cấp đủ mọi thứ cần dùng. Bấy giờ vị Tỷ-kheo thân tín của chủ nhà không chịu được cảnh này và lòng đầy ganh tỵ (như các vần kệ kể lại).

Về sau Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy vị ấy và hỏi:

1. Ngươi chính là ai, khốn khổ thân,
Ðứng kia, vừa đến tự hầm phân,
Nói cho ta biết hành vi ác
Ngươi đã làm trong quá khứ chăng?

Ngạ quỷ:

2. Tôn giả, tôi là ngạ quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Vì tôi đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời, tôi đến cõi âm.

Trưởng lão:

3. Thời xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì nghiệp quả nào ngươi đã tạo
Giờ ngươi phải chịu cảnh sầu bi?

Ngạ quỷ:

4. Nhà tôi thường trú một Tỳ-kheo,
Tật đố và ganh tỵ đủ điều,
Ở tại nhà tôi, ham dục lạc,
Vị này phỉ báng, xan tham nhiều.

5. Tôi đã nghe lời của ác nhân,
Và tôi khiển trách các Sa-môn;
Bởi vì tôi phạm hành vi ấy,
Từ cõi đời, tôi đến cõi âm.

Trưởng lão:

6. Bạn thiết của ngươi chính kẻ thù
Giả danh bạn đấy, hỡi người ngu,
Ðến khi thân hoại, đi nơi khác,
Số phận nào cho kẻ giả tu?

Ngạ quỷ:

7. Nay tôi đang đứng ở trên đầu
Của phạm nhân này tự bấy lâu,
Nó đã đọa vào miền ngạ quỷ,
Chỉ mình tôi, nó phải theo hầu

8. Vật nào người khác trút cho vơi
Liền trở thành đồ ăn của tôi,
Và nó, đến phiên mình, kiếm sống
Những gì tôi tống khứ ra ngoài!

Tôn giả Mahà-Moggallàna tường thuật sự việc này lên đức Thế Tôn, Ngài liền giải thích ý nghĩa của nó và nêu rõ mối nguy hiểm của sự chỉ trích người khác.

9. (44) Chuyện Thứ Hai Về Các Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhàdaka)

Trong lúc đang trú tại Jetavana, bậc Ðạo Sư kể chuyện này giống như chuyện trên. Ở đây, một nữ cư sĩ xây tinh xá và bị tái sanh làm nữ ngạ quỷ.

Các vần kệ đều giống nhau.

10. (45) Chuyện Bầy Ngạ Quỷ (Ganapeta)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.

Tương truyền tại Sàvatthi, có một đám người không mộ đạo, không có lòng tin và có tật xan tham, keo kiệt. Họ thường thờ ơ đối với những ý tưởng họ đã chấp nhận cùng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời.

Sau khi đã sống một thời gian dài, họ từ trần và tái sanh làm ngạ quỷ gần kinh thành. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna đi đến Sàvatthi để khất thực, Tôn giả thấy bầy ngạ quỷ trên đường, bèn hỏi chúng:

1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Hốc hác, khắp thân thể nổi gân,
Gầy guộc, các xương sườn lộ rõ,
Vậy là ai đó, các tôn ông?

Bầy ngạ quỷ:

2. Tôn giả, chúng con chính quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Chúng con đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời, đi đến cõi âm.

Trưởng lão:

3. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì nghiệp quả nào nên đã đọa
Từ đây tới cảnh giới âm ty?

Bầy ngạ quỷ:

4. Cả bọn đi quanh bến tắm công,
Lang thang suốt cả nửa tuần trăng;
Chúng con chẳng tạo nơi an trú
Bằng cách đem tài vật cúng dâng.

5. Chúng con kinh hãi đến dòng sông,
Sông nước trở thành bãi trống không;
Ngày nắng chúng con vào bóng mát,
Tàn cây lại hóa nóng bừng bừng.

6. Cơn gió như thiêu đốt, lửa hồng
Thổi ào lên khắp cả toàn thân,
Chúng con xứng đáng nhiều đau khổ
Hơn thế này, Tôn giả biết chăng?

7. Ðói khát mong cầu thức uống ăn,
Chúng con đi cả mấy do-tuần,
Trở về không được gì đâu cả,
Cơ khổ! Chúng con ít phước phần.

8. Ðói lả và bất tỉnh ngã lăn
Chúng con gục xuống đất khô cằn,
Tấm thân sóng sượt nằm co quắp,
Ðầu ngã lộn nhào xuống dưới chân.

9. Do vậy chúng con phải ngã liền
Xuống nền đất lạnh khổ triền miên;
Chúng con đấm ngực và đầu tóc,
Cơ khổ! Chúng con ít phước duyên.

10. Tôn giả, chúng con xứng lãnh phần
Khổ đau này nữa thật nhiều lần.
Chúng con chẳng tạo nơi an trú
Cho chính mình bằng cách cúng dâng.

11. Quả thật, khi từ biệt cõi này,
Tái sanh nhân thế kiếp sau đây,
Chúng con nguyện hết lòng hào phóng,
Tu tập giới, hành thiện sự ngay.

Vị Trưởng lão trình đức Thế Tôn toàn thể sự việc này.

11. (46) Chuyện Ngạ Quỷ Thành Pàtaliputta (Pàtaliputtapeta)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana.

Tương truyền một số đông thương nhân từ Sàvatthi và Pàtaliputta đi thuyền đến Suvannabhumì (Xứ vàng). Ở đó có một người trong bọn họ là một đệ tử tại gia luyến ái một nữ nhân, mắc bệnh và từ trần.

Mặc dù vị ấy đã làm nhiều thiện sự, vị ấy vẫn không được sanh lên thiên giới; nhưng vì luyến ái người yêu, vị ấy tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài giữa đại dương. Ở đấy quỷ thần vẫn giữ tình yêu đối với nữ nhân kia.

Riêng phần nàng đã lên thuyền du hành đến Xứ vàng ấy. Bấy giờ vị quỷ thần muốn chiếm nàng, liền chận đường đi của chiếc thuyền. Lúc ấy các thương nhân suy nghĩ trong trí: ‘Này, thế nào đây? Thuyền không đi được nữa!’.

Vì thế họ rút thăm để quyết định số phận mỗi người. Do thần lực, chiếc thăm rớt xuống ba lần trên không ai khác hơn nữ nhân mà quỷ thần đang mong ước.

Chẳng bao lâu sau khi nàng bị thả xuống biển thì chiếc thuyền nhanh chóng tiến lên về hướng Xứ vàng kia. Thế rồi vị phi nhân đem nàng vào lâu đài của mình và hưởng hạnh phúc bên nàng.

Một năm sau, nàng sinh ra bất mãn và cầu xin vị quỷ thần:

– Bao lâu em còn sống ở đây, em sẽ không thể tìm được các cảnh giới khác. Xin tôn ông đưa em về thành Pàtaliputta.

Ðáp lời khẩn cầu này, quỷ thần bảo:

1. Nàng đã thấy bao địa ngục rồi,
Các miền súc vật, quỷ và người,
A-tu-la với Thiên thần nữa,
Nàng đã nhận ra nghiệp chín muồi,
Ta sẽ đưa nàng về phố cũ
Bình an, hành thiện sự trên đời.

Nàng hoan hỷ đáp lại:

2. Chàng muốn em an lạc, Dạ-xoa,
Chàng mong em lợi ích sâu xa,
Em xin thực hiện lời chàng dạy,
Chàng đối với em chính đạo sư,
Em đã thấy bao miền địa ngục,
Các miền súc vật, quỷ, người ta,
A-tu-la với Thiên thần nữa,
Em đã nhìn xem nghiệp báo mà.
Em nguyện thi hành nhiều thiện sự
Ngay khi vừa đến chốn quê nhà.

Sau đó vị quỷ thần đem nàng ấy cùng du hành qua không gian; rồi đặt nàng xuống ngay giữa thành Pàtaliputta, và đi về đường cũ. Lập tức thân bằng quyến thuộc của nàng cùng nhiều người khác trông thấy nàng, họ vô cùng hân hoan và nhận xét:

– Chúng ta nghe trước kia nàng đã bị thả xuống biển cả và chết rồi. Thật phước đức quá! Không ngờ nàng được trở về bình an!

Vì thế họ hỏi nàng về mọi chuyện phiêu lưu mạo hiểm kia. Nàng liền kể cho họ nghe tất cả.

Khi trở về, các thương nhân ấy đến Sàvatthi trình sự việc lên bậc Ðạo Sư.

12. (47) Chuyện Các Trái Xoài (Amba)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi.

Ở Sàvatthi có một gia chủ đã khánh kiệt tài sản. Khi vợ từ trần, vị ấy để con gái duy nhất lại cho một người bạn, rồi vay một số tiền, mua hàng hóa lên đến một trăm đồng Kahàpana và đi buôn bán theo một đoàn lữ hành.

Chẳng bao lâu vị ấy trở lại kinh thành và kiếm thêm năm trăm đồng nữa. Sau đó vị ấy đi về nhà nhưng liền bị bọn cướp tấn công. Các thương nhân chạy trốn đây đó, còn gia chủ này ném các đồng tiền vào bụi cây rồi ẩn mình.

Tuy nhiên bọn đạo tặc kia tìm ra vị ấy và giết đi. Do lòng tham luyến của cải, vị ấy tái sanh làm một ngạ quỷ ngay tại chỗ kia.

Cô con gái nhớ đến người cha quá cố liền cúng cháo gạo trong một cái bình bằng đồng và một số trái xoài dâng đức Thế Tôn, thỉnh cầu Ngài nhận lễ vật như thể do cha nàng cúng vậy. Từ đó ngạ quỷ kia hưởng thọ một lâu đài mỹ lệ.

Về sau, đám thương nhân ấy lại du hành và dừng chân ban đêm ngay đúng chỗ kia, trông thấy vị quỷ thần liền hỏi:

1. Hồ sen ngài có diệu kỳ thay,
Bến nước làm ta phải đắm say
Bờ thật phẳng lì, nhiều nước mát,
Trang hoàng hoa đủ loại như vầy,
Một bầy ong điểm tô đây đó,
Sao ngài được cảnh mỹ hồ này?

2. Ðây ngài lại có một vườn xoài
Tuyệt mỹ và sinh quả mọi thời,
Vườn được trang hoàng hoa nở rộ,
Bầy ong điểm xuyết khắp nơi nơi,
Làm sao ngài được lâu đài ấy
Xin nói cho ta biết hỡi ngài?

Quỷ thần:

3. Con gái ta làm lễ cúng dâng
Cháo hoa, xoài chín, nước trong ngần,
Chính vì việc ấy nên ta được
Hưởng bóng cây êm mát tuyệt trần.

Sau đó vị quỷ thần đưa cho họ năm trăm đồng tiền Kahàpana ấy và bảo:

– Hãy lấy một nửa số tiền đây và sau khi giải thích phần tiền kiếm được này của tôi, hãy giao nó cho con gái tôi rồi dặn: ‘Hãy sống cho đầy đủ sung sướng’.

Ðúng thời, đám thương nhân trở lại Sàvatthi, kể chuyện này với cô gái ấy, rồi đặt vào tay nàng đầy đủ số tiền mà cha nàng đã cho nàng. Nàng bèn đưa số tiền ấy giao cha nuôi. Nhưng ông trả lại hết cho nàng và bảo:

– Số tiền này không thuộc về ai cả trừ con.

Rồi ông cưới nàng về làm vợ người con trai trưởng của ông. Theo thời gian, nàng sinh được một trai và nàng thường hát ru con với bài ca này:

4. Nhìn phước báo ngay ở cõi trần
Do dâng lễ vật, tự điều thân.
Xưa ta tỳ nữ nhà danh giá,
Nay được làm dâu, nữ chủ nhân.

Rồi một hôm, bậc Ðạo Sư nhận xét nàng đã thuần thục trong tri thức, liền phóng một hình ảnh đầy đủ hào quang ngay trước mặt nàng và xuất hiện toàn thân.

Vào dịp này, Ngài ngâm vần kệ:

5. Các bậc chánh chân thường nhiếp phục
Những điều bất lạc bằng hân hoan,
Những điều thù oán bằng từ ái,
Nhiếp phục khổ đau với lạc an.

13. (48) Chuyện Trục Xe và Cây Gỗ (Akkharukkha)

Trong khi bậc Ðạo Sư đang trú tại Sàvatthi, một đệ tử tại gia chất đầy hàng hóa lên xe và đi Videha (Vi-đề-ha) để buôn bán.

Khi đã đặt hàng xuống đó, vị ấy chất đầy đoàn xe số hàng hóa mới đem về và lên đường trở lại Sàvatthi.

Trong khi đang đi giữa rừng, cái trục của một chiếc xe bị gãy. Bấy giờ có một người đang muốn tìm cây gỗ, liền đem rìu lớn, rìu nhỏ đi ra khỏi làng. Khi đang đi quanh trong rừng, kẻ ấy đến nơi kia và thấy vị đệ tử tại gia đang buồn khổ vì trục xe bị gãy. Y thấy thương xót người này, liền đi đẵn cây xuống, và sau khi làm xong một trục xe vững chắc, y ráp cái trục vào xe ấy mà không lấy từ kẻ kia tiền phí tổn gì cả.

Nhưng về sau, y từ trần và tái sanh ngay chỗ này trong khi rừng làm một địa thần.

Khi suy xét hạnh nghiệp của mình, vị địa thần đến nhà người đệ tử tại gia ấy vào ban đêm, đứng ngay cửa lớn và ngâm kệ này:

Vật gì mà kẻ ấy đem cho,
Không chỉ trở thành như vật xưa,
Vậy hãy cứ phân chia tặng vật,
Nhờ đem cho, kẻ ấy đi qua
Cả hai thế giới, và do đó
Kẻ ấy đi lên. Hãy tiến tu!

Khi trở lại Sàvatthi,vị thương nhân trình chuyện này lên bậc Ðạo Sư.

14. (49) Chuyện Thu Góp Tài Sản (Bhogasamharana)

Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Trúc Lâm, bốn nữ nhân tại Vương Xá dùng nhiều phương tiện gian dối buôn bán sữa lạc, mật ong, dầu mè, ngũ cốc và nhiều thực phẩm khác.

Suốt đời họ chỉ lo thu góp của cải một cách ngu si, và vì vậy sau khi chết, họ tái sanh làm bầy nữ ngạ quỷ trong ống cống ngoại thành.

Ban đêm bầy ngạ quỷ chịu mọi thống khổ ngập tràn, thường đi quanh quẩn vừa thét lên những tiếng khủng khiếp vang dậy, vừa than khóc:

1. Ta đã góp thu lắm bạc vàng
Công bằng cùng với chẳng công bằng
Khi người khác hưởng bao tài vật,
Phần chúng ta nay thật thảm thương.

Khi dân chúng nghe chuyện này, họ vô cùng kinh hoảng và sáng hôm sau liền đem nhiều lễ vật cúng dường đến hầu cận đức Thế Tôn rồi trình lên Ngài những tiếng hét kia. Ngài lại ngâm vần kệ của bầy ngạ quỷ và kể chuyện chúng đã sống đời trước ra sao.

15. (50) Chuyện Các Nam Tử Của Nhà Triệu Phú (Setthiputta)

Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) ở Sàvatthi (Xá-vệ).

Thời ấy, một hôm Ðại vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala (Kiều-tát-la) phục sức lộng lẫy ngự trên mình voi với vẻ oai nghi đầy quyền lực. Nhà vua thấy trên thượng lầu của một nhà kia có một nữ nhân đang nhìn xuống, trông diễm lệ như một Thiên nữ.

Lòng nhà vua đâm ra mê mẩn vì trí nhà vua vốn buông lung khó kiềm chế được. Vì thế nhà vua ra hiệu cho một người ngồi kế sau mình. Và mọi việc được thực hiện giống như trong Chuyện Ngạ Quỷ Ambasakkhara, nhưng có điểm khác biệt này.

Ở đây, người đàn ông ấy thực ra đã đến nơi trước khi hoàng hôn, nhưng cổng thành đã đóng. Vì thế, y buộc vào cột trụ của cổng thành gói đất đỏ và bó sen xanh mà y đã mang về và đi vào Kỳ Viên.

Bấy giờ trong lúc đang an giấc, giữa canh khuya, nhà vua nghe bốn vần này: ‘Sa, na, du và so’ được thét vang một cách đau đớn.

Tương truyền đây là bốn vần đầu của bốn câu kệ do bốn con trai một vị triệu phú thành Xá-vệ thốt ra. Vào thời hoa niên họ đã tham đắm dục lạc và đi với vợ nhiều người khác, tạo nên điều thất đức. Khi từ trần, họ tái sanh vào Ðịa ngục Chảo sắt gần kinh thành ấy.

Nhà vua vô cùng kinh hãi, và rạng ngày hôm sau liền kể cho vị tế sư nghe sự việc đã xảy ra. Vị ấy đang mong kiếm một số lợi nhuận, bèn thưa:

– Tâu Ðại vương, than ôi, một đại họa xảy ra. Xin Ðại vương cử hành tế lễ đầy đủ bốn phần.

Nhà vua truyền lệnh thi hành việc này.

Khi hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi) nghe chuyện, liền thưa với nhà vua:

– Tâu Ðại vương, tại sao vì nghe lời của một Bà-la-môn, Ðại vương lại muốn làm một việc gây tổn thương và sát hại nhiều sanh vật như vậy? Nay Ðại vương nên tham kiến đức Thế Tôn là bậc Minh Hạnh vô song và khi Ngài giải thích ra sao thì Ðại vương phải làm theo như vậy.

Sau đó vị Ðại vương đến tham kiến bậc Ðạo Sư và trình Ngài sự việc trên. Ðức Thế Tôn bảo:

– Thưa Ðại vương, Ðại vương sẽ không gặp nguy hiểm nào vì việc ấy cả.

Rồi Ngài kể chuyện ngay từ đầu về tiếng thét của những người tái sanh vào địa ngục Lohakumbhi (Chảo sắt). Sau đó Ngài đọc cho nhà vua nghe đầy đủ các vần kệ mà chúng đã bắt đầu thốt ra:

1-2. Với người trong ngục bị hành thân
Suốt cả thời gian sáu vạn năm,
Việc ấy khi nào thì chấm dứt?
– Sẽ không chấm dứt. Chẳng sau cùng.
Bao giờ chấm dứt? – Không nhìn thấy,
Quả bạn và ta phạm lỗi lầm.

3. Chúng ta đang phải sống đau thương
Vì chúng ta không biết cúng dường
Những vật cần cho khi có sẵn,
Ta không tạo chỗ trú an toàn.

4. Quả thật khi từ biệt chốn đây
Ðược làm người ở cõi đời này,
Ta nguyền hào phóng, chuyên trì giới,
Ta quyết làm nhiều thiện sự ngay.

Khi bậc Ðạo Sư ngâm các vần kệ xong, Ngài thuyết pháp đầy đủ chi tiết. Lúc kết thúc bài giảng, người đàn ông đã đi tìm đất đỏ và hoa sen ấy được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Còn nhà vua, lòng đầy xúc động, liền bỏ tham đắm vợ người khác và hài lòng với vợ của mình.

16. (51) Chuyện Sáu Vạn Cái Búa (Satthikùtasahassa)

Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.

Ngày xưa trong thành Ba-la-nại, có một người què giỏi nghề ném đá. Chuyện này là Chuyện Tiền Thân Sàlittaka số 107, phần chính được kể qua các vần kệ.

Thế rồi một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi xuống từ núi Linh Thứu, Tôn giả nhìn thấy ngạ quỷ này và hỏi:

1. Tại sao ngươi cứ chạy xoay vần
Như chú nai đi lạc phát cuồng,
Chắc chắn ngày xưa gây ác nghiệp
Ngươi nghĩ thế nào việc ấy chăng?

Ngạ quỷ đáp:

2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.

3. Sáu mươi ngàn chiếc búa vừa tròn
Bổ xuống đầu con, chẻ sọ con.

Trưởng lão hỏi tiếp:

4. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì nghiệp quả nào ngươi đã tạo,
Từ đời này đến cõi âm ty?

5. Sáu mươi ngàn chiếc búa liên hồi
Bổ xuống đầu ngươi, chẻ sọ ngươi!

Ngạ quỷ:

6. Ngày xưa con thấy Su-net-ta,
Hoàn thiện các căn, một Phật gia,
Vừa đến gốc cây ngồi tĩnh tọa,
An nhiên thiền định, chẳng âu lo.

7. Con ném ngài bằng cục đá vôi
Làm tan vỡ cả chiếc đầu ngài,
Vì hành vi ấy ngày xưa phạm,
Con phải chịu đau khổ thật dài.

8. Sáu mươi ngàn chiếc búa vừa tròn
Bổ xuống đầu con, chẻ sọ con.

Khi nghe vầy, vị Trưởng lão giải thích:

9. Vì Chánh pháp, này hỡi ác nhân,
Sáu mươi ngàn chiếc búa xoay vần
Giờ đây đánh xuống đầu ngươi mãi,
Chẻ nát đầu ngươi sáu vạn lần.

-[Hết Tập II, Tiểu Bộ Kinh]-

Add Comment