Primary Menu

DN07. Kinh Xà-Lợi | Jàliya sutta – kinh văn và nội dung tổng quát

Đại tạng kinh Việt Nam
Trường Bộ Kinh – Dìgha Nikàya
Dịch tiếng Việt kinh văn: Hòa thượng Thích Minh Châu
Khái quát nội dung: Thích Nhật Từ

—o0o—

KINH XÀ-LỢI | JÀLIYA SUTTA

Khái quát nội dung

Kinh Xà-lợi (P. Jāliya Sutta, C. 阇利經), còn gọi là Kinh Xa-li-da, không có bản tương đương trong Kinh Trường A-hàm.

Nhân dịp 2 vị xuất gia thảo luận về thân và tâm là đồng nhất hay dị biệt, đức Phật hướng dẫn cách phát triển trí tuệ trên nền tảng bốn chân lý thánh để vượt qua mọi khổ đau.

Chi tiết kinh văn

1. Như vầy tôi nghe. Một thời đức Thế Tôn ở Kosambi, vườn Ghositàràma. Lúc bấy giờ có hai du sĩ, Mandissa và Jàliya, đệ tử của Dàrupattika, đến tại chỗ đức Thế Tôn ở, nói lên những lời chúc tụng thân hữu và xã giao với Ngài rồi đứng một bên. Sau khi đứng một bên, hai vị xuất gia nói với Ngài như sau:

– Này Hiền giả, mạng căn và thân thể là một hay là khác ?

– Này Hiền giả, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.

– Vâng, Hiền giả!

Hai vị xuất gia trả lời đức Thế Tôn như thế và Ngài nói như sau:

2. – Này Hiền giả, ở đây Như Lai sanh ra đời, vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác … (tương tự như kinh “Sa-môn quả”, đoạn kinh 41-82) … Này Hiền giả, như vậy vị Tỷ-kheo thành tựu giới hạnh… chứng và an trú Sơ thiền. Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?

Này Hiền giả, Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, nhưng Ta không nói: “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

3. Chứng và an trú đệ nhị thiền… đệ tam thiền… đệ tứ thiền. Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay khác” không?

Này Hiền giả, Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy, nhưng Ta không nói “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

4. Vị Tỷ-kheo ấy hướng tâm, dẫn tâm đến tri kiến. Này Hiền giả, khi vị Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay là khác” không?

Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề: “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy, nhưng Ta không nói “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

5. Vị ấy biết: “Sau đời này sẽ không có đời khác nữa”. Này Hiền giả, khi Tỷ-kheo biết như vậy, thấy như vậy, vị ấy có sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay là khác” không?

Này Hiền giả, vị Tỷ-kheo biết như vậy, vị ấy sẵn sàng đề cập đến vấn đề “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”. Này Hiền giả, tuy Ta biết như vậy, thấy như vậy, nhưng Ta không nói “Mạng căn và thân thể là một hay là khác”.

Ðức Thế Tôn thuyết như vậy. Hai vị du sĩ hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Chân thành cám ơn anh HDC và nhóm Phật tử VH đã có thiện tâm gửi tặng ấn bản điện tử.
(Bình Anson hiệu đính, dựa theo bản Anh ngữ “The Long Discourses of the Buddha”, Maurice Walshe dịch, 1987).

Add Comment