Primary Menu

Kinh Tiểu Bộ – Nidesa, Nghĩa tích

Đại tạng kinh Việt Nam
Tiểu Bộ Kinh – Khuddaka Nikàya
—o0o—

NGHĨA TÍCH
(Niddesa)

Niddesa là tựa đề của tập Kinh thứ mười một trong mười lăm tập thuộc Khuddakanikāya – Tiểu Bộ (là bộ thứ năm của Suttantapiṭaka – Tạng Kinh sau Dīghanikāya – Trường Bộ, Majjhimanikāya – Trung Bộ, Saṃyuttanikāya – Tương Ưng Bộ, và Aṅguttaranikāya – Tăng Chi Bộ).

Niddesa là danh từ nam tánh có ý nghĩa là “sự chỉ ra, sự phân tích” và được phát xuất từ động từ niddisati (ni+√dis+a) có ý nghĩa là “chỉ ra, giải ra, định rõ.” Chúng tôi chọn tựa đề tiếng Việt cho tập Kinh Niddesa là “Diễn Giải.” Kinh Niddesa được trình bày thành 2 cuốn: Mahāniddesa (Đại Diễn Giải) và Cullaniddesa/Cūḷaniddesa (Tiểu Diễn Giải). Từ Pāḷi được gắn thêm sau mỗi tựa đề, Mahāniddesapāḷi và Cullaniddesapāḷi, để nhấn mạnh rằng văn bản này thuộc về Chánh Tạng của Tam Tạng (Tipiṭaka). Theo quan điểm cá nhân, chúng tôi hiểu rằng hai tính từ “mahā” và “culla” (hoặc “cūḷa” do sự khác biệt về cách phát âm) được thêm vào trước tựa đề của các tập sách hoặc bài Kinh có thể hiểu theo nghĩa “Đại” và “Tiểu” (lớn và nhỏ), hoặc “Thượng” và “Hạ” (trên và dưới), hay đơn giản hơn chỉ là “Tập 1” và “Tập 2” (trước và sau). Hai tập: Mahāniddesapāḷi – Đại Diễn Giải và Cullaniddesapāḷi – Tiểu Diễn Giải có số thứ tự ở Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi – Việt là TTPV 35 và TTPV 36. Nội dung của mỗi tập được ghi nhận như sau:

– Mahāniddesapāḷi – Đại Diễn Giải giải thích về 210 câu kệ (gāthā) của 16 bài Kinh (sutta) thuộc Aṭṭhakavagga – Phẩm Nhóm Tám của tập Suttanipātapāḷi – Kinh Tập thuộc Tiểu Bộ, Tạng Kinh.

– Cullaniddesapāḷi – Tiểu Diễn Giải giải thích về 119 câu kệ thuộc Pārāyanavagga – Phẩm Đường Đi Đến Bờ Kia, cộng thêm vào 41 câu kệ của bài Kinh Khaggavisāṇasutta – Kinh Sừng Tê Ngưu thuộc Uragavagga – Phẩm Rắn cũng của tập Kinh Suttanipātapāḷi – Kinh Tập thuộc Tiểu Bộ, Tạng Kinh.

Tác giả của Niddesa được ghi nhận là Ngài Sāriputta, vị thượng thủ Thinh Văn của đức Phật; điều này được thấy ghi lại ở phần mở đầu (ganthārambhakathā) của tài liệu Chú Giải Saddhammapajjotikā của tập Kinh này (NiddA.: PTS. i, 1). Phần cuối của tập chú giải này cho biết chú giải này còn có tên gọi khác nữa là Niddesavaṇṇanā và đã được thực hiện bởi vị đại trưởng lão Upasena lúc vị ấy cư ngụ ở một gian phòng được xây dựng bởi Kittisena tại phía tây của Mahāthūpa thuộc Mahāvihāra (Đại Tự), ở khu vực phía nam của kinh thành Anurādhapura vào năm thứ 26 thuộc triều đại của đức vua Sirinivāsa Sirisaṅghabodhi.[2] Cũng có thể gọi tập chú ciải này với tên Niddesa-aṭṭhakathā, hoặc có thể gọi theo tên gọi riêng của từng tập là Mahāniddesa-aṭṭhakathā và Cullaniddesa-aṭṭhakathā theo sự phân chia thành hai tập như đã được đề cập ở trên.

Về thời điểm của tập Kinh Niddesa như đã được xác định bởi vị đại trưởng lão Upasena, tác giả của tài liệu Chú Giải Saddhammapajjotikā, thì tập Kinh này đã có từ thời đức Phật còn tại tiền. Căn cứ vào những chứng cứ cụ thể qua văn tự được báo hiệu bởi cụm từ: “Vuttaṃ hetaṃ bhagavatā” (bởi vì điều này đã được đức Thế Tôn nói đến) và không có ghi thêm xuất xứ nào khác, chúng ta có thể đưa ra nhận xét rằng tập Kinh Niddesa được hình thành rất sớm, lúc lời dạy đức Phật đã được lưu truyền trong chúng đệ tử của Ngài, nhưng còn chưa được phân chia thành Tam Tạng như cách trình bày hiện nay. Ngày nay, chúng ta có thể sử dụng máy vi tính để tìm thấy những trích dẫn ấy ở các văn bản Pāḷi thuộc Tạng Kinh như là: Dīghanikāya – Trường Bộ, Majjhimanikāya – Trung Bộ, Saṃyuttanikāya -Tương Ưng Bộ, Aṅguttaranikāya – Tăng Chi Bộ, và các tập Kinh thuộc Tiểu Bộ như là: Dhammapada – Pháp Cú, Jātaka – Bổn Sanh, Udāna – Phật Tự Thuyết, Itivuttaka – Phật Thuyết Như Vậy, Theragāthā – Trưởng Lão Kệ, v.v… và còn có một số câu trích dẫn được tìm thấy ở Tạng Abhidhamma – Vi Diệu Pháp nữa. Một yếu tố về thời gian khác nữa là Chú Giải Samantapāsādikā về Tạng Luật có ghi lại câu chuyện rằng: có một thời kỳ chỉ còn lại chỉ một vị thuộc lòng tập Kinh Niddesa;[3] và điều này là tiền đề cho việc Kết Tập Tam Tạng lần thứ tư tại Sri Lanka rồi được ghi xuống bằng chữ viết ở lá buông vào thế kỷ thứ nhất trước Tây Lịch.

Xét về thể loại, Professor Oliver Abeynayake nhận xét ở sách “A Textual and Historical Analysis of the Khuddaka Nikāya” như sau: “Niddesa được xếp vào thể loại sutta trong chín thể loại (navaṅga) bởi Chú Giải Sư Buddhaghosa. Ở tập Chú Giải của Nettipakaraṇa, Chú Giải Sư Dhammapāla công nhận quan điểm của Ngài Buddhaghosa. Về vấn đề này, vị Upasena, tác giả của tập Chú Giải Niddesa có quan điểm khác biệt. Vị ấy có ý kiến là Niddesa nên được xếp vào thể loại Gāthā và Veyyākaraṇa (gāthāveyyākaraṇaṅgaddvaya saṅgahīto). Điều đáng lưu ý ở đây là ý kiến của vị Upasena đã bị phê phán ở Sāratthadīpanī, Sớ Giải của Chú Giải Tạng Luật Samantapāsādikā, được viết bởi vị Sāriputta ở thời kỳ Polonnaruwa (thế kỷ thứ 12 theo Tây Lịch). Tác giả của Sāratthadīpanī có vẻ tán thành quan điểm của Buddhaghosa và Dhammapāla, mặc dầu vị ấy thừa nhận việc sắp xếp Niddesa vào thể loại Veyyākaraṇa là hợp lý do căn cứ vào các câu hỏi và các câu trả lời (pucchāvissajjanā) được tìm thấy ở Niddesa. Vị ấy hướng sự chú ý của chúng ta đến câu hỏi là Niddesa có nên được xếp vào thể loại Gāthā. Phần trình bày ở Sāratthadīpanī dẫu sao cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc trình bày về sự tranh luận phổ biến có tính chất truyền thống liên quan đến tập Niddesa của chúng ta” (các trang 160-161).

Về nội dung, Niddesa được xem là một tài liệu chú giải cổ. Cách thức giải thích của Niddesa có nhiều khác biệt so với các văn bản chú giải của các Chú Giải Sư Buddhaghosa, Dhammapāla, Buddhadatta, v.v… từ thế kỷ thứ 5 theo Tây Lịch trở về sau: Cách thức giải thích được thấy ở Niddesa thường là một danh sách dài các từ đồng nghĩa, và sự giải thích như vậy được lập lại mỗi khi từ cần giải thích xuất hiện. Một điểm được ghi nhận khác nữa là Niddesa chú trọng đến việc giải thích từng từ, hoặc nhóm từ, hoặc một phần của kệ ngôn; qua việc làm đó ý nghĩa của câu kệ ngôn được phô bày, chứ không có phần giải thích ý nghĩa tổng thể của toàn bộ câu kệ ngôn. Nhiều chỗ, việc giải thích được thực hiện bằng cách trích dẫn các lời dạy của đức Phật. Niddesa cũng không trình bày các giai thoại, các tích truyện có liên quan đến vấn đề đang được giải thích. Các thuật ngữ về văn phạm không được tìm thấy, nhưng lại có định nghĩa của một số từ vựng, ví dụ như: iti, addha, āyasmā, na, v.v… Hoặc một số thuật ngữ hầu như chỉ có riêng ở Niddesa mà không thấy ở các tập Kinh khác, ví dụ như việc phân tích và giải nghĩa về sáu hạng muni: agāramuni (hiền trí tại gia), anagāramuni (hiền trí xuất gia), sekhamuni (hiền trí Hữu Học), asekhamuni (hiền trí Vô Học), paccekamuni (hiền trí Độc Giác), munimuni (bậc hiền trí của các bậc hiền trí, hiền trí Toàn Giác); 2 loại kāma (dục): vatthukāma (vật dục) và kilesakāma (phiền não dục); 5 loại con mắt đã được khai mở (vivaṭacakkhu) của đức Phật: maṃsacakkhu (nhục nhãn), dibbacakkhu (Thiên nhãn), paññācakkhu (Tuệ nhãn), buddhacakkhu (Phật nhãn), samantacakkhu (Toàn nhãn), v.v… Tuy nội dung của Niddesa có tính chất chú giải, nhưng vẫn là văn bản được xếp vào Tiểu Bộ, Tạng Kinh, thuộc Chánh Tạng như đã được ghi lại bởi Chú Giải Sư Buddhaghosa.
Nội dung của tập Kinh thứ nhất, Mahāniddesapāḷi – Đại Diễn Giải (TTPV 35), được chia thành 16 phần dựa theo 16 bài Kinh (sutta) ở văn bản gốc (Suttanipātapāḷi – Kinh Tập) cụ thể như sau:

1. Kāmasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Dục
2. Guhaṭṭhakasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Hang
3. Duṭṭhaṭṭhakasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Xấu Xa
4. Suddhaṭṭhakasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Nhóm Tám về Trong Sạch
5. Paramaṭṭhakasuttaniddeso – Diễn Giải Bài Kinh Nhóm Tám về Tối Thắng
6. Jarāsuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Sự Già
7. Tissametteyyasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Tissametteyya
8. Pasūrasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Pasūra
9. Māgandiyasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Māgandiya
10. Purābhedasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Trước Khi Hoại Rã
11. Kalahavivādasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Cãi Cọ và Tranh Cãi
12. Cūlaviyūhasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Sự Dàn Trận Nhỏ
13. Mahāviyūhasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Sự Dàn Trận Lớn
14. Tuvaṭakasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Một Cách Nhanh Chóng
15. Attadaṇḍasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh Uế Hạnh của Bản Thân
16. Sāriputtasuttaniddeso – Diễn Giải Kinh về Sāriputta

Các kệ ngôn trong tổng số 210 kệ ngôn của 16 phần trên được giải thích tuần tự đúng theo thứ tự ở tập Kinh Suttanipātapāḷi – Kinh Tập và được trình bày theo chữ nghiêng hay tô đậm để tiện việc phân biệt.

Một cách tóm tắt, tập Kinh Mahāniddesapāḷi – Đại Diễn Giải giúp cho người học Phật củng cố về mặt tri kiến cũng như về lãnh vực tu tập với lời giải thích chi tiết phần giáo lý về các dục và sự đắm nhiễm tham ái của bản thân, từ đó dẫn đến các trạng thái ô nhiễm và chấp thủ tà kiến khiến con người không nắm được bản thể thật của thế gian, sanh-già-bệnh-chết, rồi lao vào các cuộc tranh cãi, sanh khởi ngã mạn, và chìm đắm vào trạng thái mê muội, xa lìa sự giác ngộ.

*****

Văn bản Pāḷi được trình bày ở tập Kinh này đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka. Chúng tôi xin thành tâm tán dương công đức của Venerable Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điểm đóng góp của chúng tôi trong việc thực hiện văn bản Pāḷi Roman này là dò lại kỹ lưỡng văn bản đã được phiên âm và so sánh kiểm tra những điểm khác biệt về văn tự ở Tam Tạng của các nước Thái Lan, Miến Điện, và Anh Quốc được ghi ở phần cước chú, đồng thời bổ sung thêm một số điểm khác biệt đã phát hiện được trong lúc so sánh các văn bản với nhau.

Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt của các kệ ngôn bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc. Trong phần nhiều các trường hợp, hai dòng kệ ngôn gồm bốn pāda là được hoàn chỉnh về ý nghĩa. Nhưng có một vài trường hợp, ý nghĩa được nối từ kệ ngôn này sang kệ ngôn khác, thì chúng tôi dịch gom chung các kệ ngôn có liên quan lại với nhau; ngược lại, ở một số nơi khác, nếu thứ tự sắp xếp các đoạn dịch Việt là thuận tiện cho việc tách rời, thì chúng tôi sử dụng dấu gạch ngang (—) ở cuối kệ ngôn trước và ở đầu kệ ngôn sau để báo hiệu sự tiếp nối. Trong trường hợp một số các kệ ngôn Pāḷi gồm 3 hoặc 4 dòng có ý nghĩa được tách biệt theo từng dòng một, chúng tôi ngắt câu dịch Việt thành từng dòng riêng biệt tương ứng với từng câu Pāḷi để tiện việc đối chiếu, so sánh, tìm hiểu, và học hỏi.

Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này, đồng thời tạo sự thuận tiện cho công việc hiệu đính trong tương lai. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ có hạn.

Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: tập thể Phật tử Việt Nam tại Hong Kong, Phật tử Hoàng Thị Nhàn, Phật tử Phạm Thu Hương, Phật tử Vivian Nguyen (Hoa Kỳ), Phật tử Tuệ Vân, Phật tử Tường Vân, Phật tử Kim Huế, Phật tử Đỗ Thị Việt Hà và sự động viên tinh thần của Phật tử Dương Tường Khải Như (Việt Nam) trong quá trình phiên dịch. Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát.

Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ của Phật tử Trương Hồng Hạnh đã sắp xếp thời gian để đọc lại bản thảo một cách kỹ lưỡng và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi – Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.

Nhân đây, cũng xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo 8 – Sri Lanka, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Kinh này.

Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.

Kính bút,
ngày 16 tháng 04 năm 2018
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)

Add Comment